Vĩ mô

161 quốc gia đã áp dụng IFRS, PwC cảnh báo doanh nghiệp Việt sẽ mất lợi thế nếu tiếp tục chậm chân

161 quốc gia đã áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), nhưng Việt Nam vẫn đứng ngoài cuộc. Lãnh đạo PwC cảnh báo, nếu không chuyển mình theo chuẩn mực quốc tế này, doanh nghiệp Việt sẽ đánh mất cơ hội huy động vốn ngoại.

Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế - Giải pháp và lộ trình cho doanh nghiệp Việt”, ông Trần Hồng Kiên - Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, cho hay, Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB) là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, hoạt động độc lập dưới sự bảo trợ của Quỹ IFRS. Chính tính độc lập này tạo nên một bộ chuẩn mực trung lập, không bị chi phối bởi lợi ích quốc gia nào.

Theo cập nhật từ trang web chính thức của Quỹ IFRS (www.ifrs.org), tính đến tháng 5/2025, có 169 quốc gia và vùng lãnh thổ được đưa vào danh sách theo dõi tiến trình IFRS. Trong số này, 161 quốc gia đã chính thức bắt buộc áp dụng, cho phép áp dụng hoặc công bố lộ trình áp dụng IFRS. Đây phần lớn là các quốc gia thuộc G20, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nền kinh tế lớn khác.

"Hiện còn 8 quốc gia trong danh sách chưa có cam kết chính thức về IFRS, trong đó có Việt Nam", ông cho hay.

Ông Kiên chỉ rõ: “Đối với doanh nghiệp, IFRS giúp tăng tính minh bạch, phản ánh đúng bản chất hoạt động và tạo điều kiện so sánh với các doanh nghiệp trong khu vực và quốc tế. Qua đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn quốc tế với chi phí thấp hơn”.

Không chỉ là lợi ích về vốn, IFRS còn là tấm vé để doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực quản trị theo chuẩn mực toàn cầu, từ đó cải thiện vị thế cạnh tranh. Nếu không áp dụng IFRS, doanh nghiệp Việt sẽ đứng ngoài cuộc chơi vốn ngoại, trong khi các nhà đầu tư quốc tế ngày càng ưu tiên thị trường minh bạch, có hệ thống báo cáo đồng nhất với chuẩn mực quốc tế.

161 quốc gia đã áp dụng IFRS, PwC cảnh báo doanh nghiệp Việt sẽ mất lợi thế nếu tiếp tục chậm chân
Tính đến tháng 5/2025, 161 quốc gia đã chính thức áp dụng hoặc công bố lộ trình IFRS, bao gồm hầu hết các nền kinh tế lớn thuộc G20 và EU.

Một trong những điểm ông Kiên nhấn mạnh là sự khác biệt cốt lõi giữa VAS (Chuẩn mực Kế toán Việt Nam) và IFRS: VAS thiên về hướng dẫn chi tiết, dễ dẫn đến ghi nhận máy móc: “nợ cái này, có cái kia”, trong khi IFRS dựa trên nguyên tắc (principle-based), yêu cầu phản ánh đúng bản chất kinh tế của giao dịch, không chỉ dựa vào hình thức pháp lý.

“Lập báo cáo IFRS không thể là khâu xử lý cuối cùng của kế toán, mà phải định hướng ngay từ đầu chu trình hoạt động. Đây là thay đổi lớn về tư duy và cấu trúc vận hành doanh nghiệp”, ông Kiên nhấn mạnh.

Ông cảnh báo, tại Việt Nam, cùng một giao dịch, điều khoản có thể được thay đổi linh hoạt để đạt mục tiêu kế toán, trong khi tại các nước phát triển, mọi điều chỉnh hợp đồng đều qua thẩm định pháp lý và tài chính chặt chẽ. Sự thiếu ổn định này có thể dẫn đến sai lệch trong nhận diện bản chất giao dịch nếu không tuân thủ IFRS.

Dù trách nhiệm tuân thủ IFRS thuộc về Ban lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng kiểm toán độc lập đóng vai trò bảo chứng cho niềm tin thị trường.

“PwC phải đầu tư nhiều hơn về nhân sự, thời gian và chuyên gia để kiểm toán IFRS so với VAS. Đây là hệ thống chuẩn mực phức tạp, liên tục cập nhật, đặc biệt với ngành ngân hàng, bảo hiểm hay sản xuất", ông cho hay.

Trong những năm đầu triển khai, chi phí kiểm toán IFRS cao hơn VAS khoảng 15–25%, do khối lượng công việc lớn và yêu cầu chất lượng cao. Tuy nhiên, khi thị trường phổ biến IFRS hơn, chi phí sẽ giảm nhờ quy trình ổn định và mức độ minh bạch tăng lên.

Đưa khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt, ông Kiên nêu ba yếu tố then chốt:

-Đào tạo nội bộ: Không chỉ phòng kế toán, ban lãnh đạo cũng phải hiểu IFRS, đặc biệt các chuẩn mực ảnh hưởng trực tiếp đến mô hình kinh doanh.

-Chuẩn hóa quy trình và đầu tư công nghệ: ERP, AI, RPA sẽ giúp tự động hóa quy trình lập báo cáo IFRS, nhưng nền tảng ban đầu vẫn là quy trình quản trị minh bạch.

-Lộ trình triển khai hợp lý: Với doanh nghiệp lớn, có thể bắt đầu từ công ty con trước, rồi hợp nhất dần lên công ty mẹ.

“IFRS không phải cuộc chơi của tất cả, nhưng là cơ hội để doanh nghiệp Việt nâng chuẩn quản trị, hòa nhịp toàn cầu. Nắm bắt hay bỏ lỡ, phụ thuộc vào tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo”, ông Kiên kết luận.

 

 

Minh Anh - nguoiquansat.vn

Theo Kiến thức Đầu tư