Nửa đầu năm 2025, xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ tăng gần 12%, đem về 4,6 tỷ USD. Nhưng phía sau đà phục hồi là sức ép lớn về truy xuất nguồn gốc và nguy cơ bị áp thuế đối ứng.
Theo Cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đạt 8,21 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng thị trường Mỹ chiếm tới 4,6 tỷ USD, tăng 11,6%, tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đóng góp 55,6% tổng kim ngạch ngành gỗ.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, tăng trưởng ổn định tại Mỹ cho thấy sự phục hồi tiêu dùng nội thất hậu đại dịch và năng lực thích ứng tốt của doanh nghiệp Việt trước rào cản kỹ thuật, thuế quan ngày càng khắt khe.
Đáng chú ý, nhóm sản phẩm nội thất bằng gỗ chiếm đến 85,7% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó, ghế khung gỗ dẫn đầu với gần 1,2 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ. Các dòng sản phẩm khác như bàn ghế phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ cũng đạt lần lượt 793,1 triệu USD và 664 triệu USD. Ngoài nội thất, Việt Nam còn xuất khẩu sang Mỹ các mặt hàng như ván sàn, gỗ nguyên liệu, đồ mỹ nghệ, cửa gỗ… trong đó phần lớn đều ghi nhận tăng trưởng, trừ cửa gỗ giảm nhẹ 1%.
Tuy nhiên, phía sau con số xuất khẩu tích cực là áp lực ngày càng lớn về minh bạch nguồn gốc, truy xuất xuất xứ và nguy cơ bị điều tra thương mại. Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (HAWA), hiện có khoảng 60–65% nguyên liệu của ngành gỗ đến từ nguồn nội địa, phần còn lại nhập khẩu có kiểm soát từ Mỹ, châu Âu, châu Phi, các khu vực có khả năng xác minh rõ ràng về tính hợp pháp.
![]() |
Xuất khẩu gỗ sang Mỹ tăng gần 12%, đem về 4,6 tỷ USD. (Ảnh minh họa) |
Dù vậy, Việt Nam vẫn không nằm ngoài diện theo dõi chặt chẽ của Mỹ về nguy cơ gian lận xuất xứ. Đặc biệt, ông Phương lưu ý sự cạnh tranh ngầm từ các doanh nghiệp FDI Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Dù sử dụng nguyên liệu và nhân công trong nước, họ có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm vận hành, đồng thời có thể trở thành “điểm trung chuyển” vô hình nếu quản lý chuỗi cung ứng không chặt.
Nguy cơ bị áp thuế đối ứng là hiện hữu. Dù trên lý thuyết, nhà nhập khẩu Mỹ là đối tượng bị đánh thuế đầu tiên, nhưng thực tế nhà sản xuất Việt có thể phải “chia sẻ” một phần chi phí, thường trong khoảng 5–7%. Với những doanh nghiệp tối ưu tốt chuỗi sản xuất, mức này vẫn nằm trong khả năng chịu đựng, tuy nhiên biên lợi nhuận sẽ bị bào mòn.
Nửa cuối năm 2025, ngành gỗ, hiện là một trong 5 ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận sự phục hồi nhu cầu nội thất tại Mỹ và châu Âu, đặc biệt ở phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, kèm theo đó là sức ép về minh bạch hóa chuỗi cung ứng, kiểm soát gian lận xuất xứ và tiêu chuẩn môi trường ngày càng gắt gao.
Nguyên Mộc - nguoiquansat.vn
Theo Kiến thức Đầu tư
Bình luận
0 Bình luận