Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, cùng khu vực ven biển của Hưng Yên, Ninh Bình và Thanh Hóa dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ cơn bão số 3 (Wipha).
Bão chưa vào, miền Bắc đón cơn giông mạnh
Dù bão số 3 chưa đổ bộ, nhiều khu vực ở miền Bắc đã hứng chịu mưa lớn và gió giật mạnh. Từ 12h-14h ngày 19/7, mưa vừa đến mưa rất to đã xuất hiện tại các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng và Quảng Ninh. Trong đó, lượng mưa đo được tại Chúc Bài Sơn (Quảng Ninh) lên tới 116mm. Một số điểm khác như Quảng Lâm (52,6mm), Nam Quang (42,4mm) và Cao Tân (36,6mm) cũng ghi nhận mưa lớn chỉ trong vòng hai giờ.
Đến chiều cùng ngày, mưa tiếp tục mở rộng ra nhiều địa phương khác như Hưng Yên, Hải Phòng và Ninh Bình. Đặc biệt tại các khu vực ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng và Hưng Yên, không chỉ có mưa lớn mà còn xuất hiện hiện tượng gió giật mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, những cơn mưa giông kèm gió mạnh xuất hiện tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vào chiều 19/7 không phải là ảnh hưởng trực tiếp từ hoàn lưu bão số 3 Wipha. Đây chỉ là hiện tượng mưa giông bình thường trong giai đoạn miền Bắc bước vào mùa mưa. Tuy nhiên, rìa hoàn lưu phía Tây của cơn bão có thể gây ra mưa giông trước khi bão tiến sát đất liền, dự kiến bắt đầu từ chiều tối và đêm 20/7.
Dự báo trong tối 19/7, khu vực vùng núi và đồng bằng Bắc Bộ như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên và Ninh Bình sẽ tiếp tục có mưa, lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-40mm, cá biệt có nơi vượt 70mm. Mưa lớn trong thời gian ngắn làm gia tăng nguy cơ lũ quét tại các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở những khu vực đồi núi dốc, nhất là các xã, phường nằm trong địa hình hiểm trở.
Đây là loại hình thiên tai rất nguy hiểm vì thường xảy ra bất ngờ, khó xác định chính xác thời gian và vị trí. Cơ quan khí tượng khuyến cáo chính quyền địa phương chủ động rà soát các điểm có nguy cơ tắc dòng chảy, khu vực dân cư ở vùng xung yếu, từ đó triển khai biện pháp ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn cho người dân.
5 tỉnh thành bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi bão số 3
Sáng 19/7, Cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã tổ chức cuộc họp khẩn nhằm cập nhật tình hình cơn bão Wipha – bão số 3 trên Biển Đông trong năm nay. Theo thông tin từ cuộc họp, bão đã hình thành trên vùng biển phía Đông Philippines với sức gió cấp 9. Đến sáng nay, bão vượt qua kinh tuyến 120, chính thức đi vào Biển Đông và đang tiến dần về phía bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách khoảng 1.000km về phía Đông.

Cơn bão được đánh giá là mạnh, di chuyển nhanh và có hoàn lưu lệch về phía Nam và Tây. Dự báo trong 24 giờ tới, Wipha có thể mạnh lên cấp 12, giật cấp 14-15 khi tiến gần phía Đông bán đảo Lôi Châu, sau đó sẽ suy yếu khi đi sâu vào đất liền Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu bão đi lệch hướng và ảnh hưởng trực tiếp tới vịnh Bắc Bộ, cường độ tại thời điểm tiếp cận có thể vẫn ở mức cấp 8-10, gây ảnh hưởng đáng kể.
Theo Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mặc dù tâm bão chưa vào gần, nhưng hoàn lưu phía trước bão đã gây mưa dông và gió mạnh cho khu vực vịnh Bắc Bộ từ ngày 20/7. Các đảo như Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải sẽ sớm hứng chịu tác động với gió mạnh cấp 7-9, sóng cao từ 3-5m. Sự kết hợp giữa sóng lớn và thủy triều có thể gây ngập cục bộ tại các khu vực trũng ven biển, nhất là Quảng Ninh và Hải Phòng từ trưa 21 đến chiều 23/7.
Trên đất liền, bão số 3 được dự báo sẽ gây mưa rất to trên diện rộng cho toàn vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tâm mưa tập trung tại Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An với tổng lượng mưa từ 200-350mm, có nơi vượt 600mm. Riêng tại các khu vực trung du và vùng núi, lượng mưa lớn trong thời gian ngắn (có thể đạt trên 150mm/3 giờ) làm tăng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất.
Từ ngày 21 đến 24/7, mực nước trên các sông tại Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An dự kiến sẽ dâng từ 3-6m, kéo theo nguy cơ ngập úng tại vùng trũng thấp và khu vực đô thị. Những địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa cần đặc biệt lưu ý bởi nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp.
Không chỉ miền Bắc, do tác động của bão làm tăng cường hoạt động của gió mùa Tây Nam, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ cũng sẽ có mưa rào và dông trong chiều tối 19-20/7. Một số nơi có thể xảy ra mưa vừa đến mưa rất to, lượng mưa từ 10-30mm, có nơi vượt 60mm. Trong mưa dông, người dân cần đề phòng các hiện tượng nguy hiểm như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, người dân ở các khu vực có nguy cơ cao cần thường xuyên cập nhật bản tin thời tiết, tuân thủ hướng dẫn của chính quyền và chủ động triển khai các phương án phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại khi bão đổ bộ.
Dương Uyển Nhi - nguoiquansat.vn
Theo Thị trường tài chính
Bình luận
0 Bình luận