Vĩ mô

74% doanh nghiệp 'chùn bước' vì thủ tục đất đai: Có nên bỏ luật để cứu vốn?

"Phải cải cách mạnh mẽ, thậm chí bỏ luật, để tạo ra những đột phá thực sự. Suy cho cùng, nếu muốn kinh tế tư nhân tăng trưởng hai con số, thì dòng vốn đầu tư phải vào nền kinh tế nhanh chóng và ít rủi ro hơn", ông Đậu Anh Tuấn khẳng định.

'Muốn đầu tư nhưng phải... bỏ cuộc'

Muốn đầu tư nhưng phải bỏ cuộc– câu nói tưởng chừng nghịch lý ấy lại đang phản ánh một thực trạng đáng lo ngại trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Theo kết quả khảo sát mới nhất của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 74% doanh nghiệp từng phải hoãn hoặc hủy dự án đầu tư do vướng mắc thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.

Đáng chú ý, 67% doanh nghiệp phản ánh thời gian xử lý hồ sơ kéo dài hơn quy định, trong đó khâu xác định giá đất nổi lên như một điểm nghẽn lớn, khiến hàng loạt dự án đắp chiếu. Một con số đủ khiến bất kỳ nhà hoạch định chính sách nào cũng phải giật mình.

74% doanh nghiệp 'chùn bước' vì thủ tục đất đai: Có nên bỏ luật để cứu vốn?

Ông Đậu Anh Tuấn cho hay, chỉ cần một thay đổi nhỏ trong bất kỳ văn bản nào cũng có thể khiến dự án bị đình trệ, kéo dài thêm vài tháng, thậm chí vài năm.

Chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế", ngày 26/5, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI chỉ rõ: để triển khai một dự án có sử dụng đất, doanh nghiệp phải đi qua ít nhất 15 nhóm thủ tục lớn, từ quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, đấu thầu, xác định giá đất, đánh giá tác động môi trường, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy... đến cả các khâu cuối như xin giấy phép xây dựng. Mỗi nhóm thủ tục lại chia nhỏ thành nhiều quy trình con, phân tán ở nhiều cơ quan nhà nước, cả cấp trung ương và địa phương.

Ví dụ điển hình là khâu xác định giá đất – một điểm nghẽn kinh điển trong nhiều năm qua. Có những dự án mất tới 18–24 tháng chỉ để hoàn tất việc định giá, trong khi điều kiện thị trường, chi phí nguyên vật liệu và dòng tiền của doanh nghiệp đều biến động theo từng quý.

"Không chỉ phức tạp, hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư hiện nay còn thiếu ổn định và nhiều tầng nấc chồng chéo. Một doanh nghiệp muốn thực hiện dự án phải tuân thủ ít nhất 12 luật khác nhau, cùng hơn 20.000 thông tư, hướng dẫn", ông Đậu Anh nói và cho rằng, chỉ cần một thay đổi nhỏ trong bất kỳ văn bản nào cũng có thể khiến dự án bị đình trệ, kéo dài thêm vài tháng, thậm chí vài năm.

Đáng lo hơn, nhiều dự án đầu tư hiện nay kéo dài 5–10 năm, nhưng trong khoảng thời gian đó, các quy định liên quan đến quy hoạch, đất đai, đầu tư, môi trường... lại thay đổi liên tục, gây ra rủi ro pháp lý nghiêm trọng. Doanh nghiệp không thể xác định được lúc nào dự án sẽ về đích – điều này khiến họ khó huy động vốn, khó lên kế hoạch kinh doanh, và dễ bị thua thiệt khi thị trường đảo chiều.

Có nên mạnh tay 'bỏ luật để cứu vốn'?

Mới đây, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 68, ông Vương Quốc Toàn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng, cũng cảnh báo một nghịch lý đang kìm hãm sự phát triển của hàng triệu doanh nghiệp tư nhân: Chính sách đất khu công nghiệp hiện nay không phù hợp với quy mô và năng lực tài chính của doanh nghiệp nhỏ.

Cụ thể, nhiều khu công nghiệp yêu cầu doanh nghiệp phải thuê tối thiểu 1 hecta, với giá thuê tại các tỉnh vùng ven như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương lên tới 25–35 triệu đồng/m², tương đương 30–35 tỷ đồng/hecta – vượt xa khả năng của các doanh nghiệp chỉ có vài tỷ đồng vốn.

“Doanh nghiệp có 3–7 tỷ đồng vẫn tạo được việc làm cho 20–30 lao động, nhưng không thể vào khu công nghiệp vì chi phí đất quá cao”, ông Toàn nhấn mạnh, đồng thời kiến nghị các địa phương xây dựng khu công nghiệp riêng cho doanh nghiệp nhỏ, với diện tích linh hoạt từ 1.000–3.000 m², hạ tầng đầy đủ và giá cả hợp lý.

"Nếu làm được, hàng trăm nghìn doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát triển thực chất, thay vì thuê đất manh mún ngoài khu dân cư", ông Toàn nói.

74% doanh nghiệp 'chùn bước' vì thủ tục đất đai: Có nên bỏ luật để cứu vốn?
Ông Đậu Anh Tuấn đặt câu hỏi quyết liệt: Liệu có nên tiếp tục duy trì Luật Đầu tư như hiện nay, khi nó đang chồng chéo với các luật chuyên ngành như quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng?

Từ thực tiễn đó, ông Đậu Anh Tuấn đặt câu hỏi quyết liệt: Liệu có nên tiếp tục duy trì Luật Đầu tư như hiện nay, khi nó đang chồng chéo với các luật chuyên ngành như quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng? Và liệu có cần thiết phải giữ thủ tục "chấp thuận chủ trương đầu tư", khi các nội dung đó đã được các luật khác kiểm soát?

“Tại sao lại cần thêm một lớp thủ tục đầu tư mà nội dung trùng lặp với các luật khác? Đó là gánh nặng không cần thiết và gây trì trệ”, ông Tuấn nói, đồng thời nhấn mạnh: “Phải dũng cảm bỏ những thủ tục không cần thiết. Đừng chỉ sửa luật, có những thứ phải mạnh dạn bỏ để tạo ra sự đột phá thực sự”.

Một điểm sáng hiếm hoi được VCCI ghi nhận là cơ chế "đầu tư đặc biệt" vừa được Quốc hội thông qua trong gói sửa đổi bốn luật đầu tư hồi tháng 1/2025. Cơ chế này cho phép doanh nghiệp triển khai dự án theo hình thức hậu kiểm, tức là rút ngắn thủ tục nếu đáp ứng tiêu chuẩn rõ ràng và được đơn vị tư vấn độc lập xác nhận. Tuy nhiên, hiện chính sách này mới chỉ áp dụng cho lĩnh vực công nghệ cao.

Ông Tuấn kỳ vọng, trong tương lai gần, cơ chế "đầu tư đặc biệt" sẽ được mở rộng sang lĩnh vực sản xuất, công nghiệp và dịch vụ, nhất là với các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Đây có thể là một phép thử quan trọng cho cải cách thể chế sâu rộng, nếu được triển khai đúng cách.

Tinh thần cải cách mạnh mẽ đã được khẳng định trong Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị: đặt khu vực kinh tế tư nhân ngang hàng với các thành phần khác, xóa bỏ rào cản và phân biệt đối xử.

Nhưng như ông Tuấn nhấn mạnh: “Để tinh thần đó không dừng lại trên giấy, thì Quốc hội và Chính phủ cần hành động quyết liệt: phân cấp thực chất, bỏ thủ tục rườm rà, hướng tới mô hình quản lý thông minh, minh bạch hơn. Đó chính là con đường để doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tự tin đầu tư, phát triển và góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước".

Minh Anh - nguoiquansat.vn

Theo Kiến thức Đầu tư