Doanh nghiệp niêm yết

Đến lượt ACB phản bác xếp hạng của Fitch

Không bất ngờ và cho rằng D/E không phải là hạng mức tồi, song Ngân hàng Á Châu chỉ ra những sai lầm trong việc xử lý dữ liệu cũng như công bố kết quả của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch.

ACB cho biết đã lường trước việc bị hạ bậc tín nhiệm từ một tháng trước, khi Fitch đã hạ bậc tín nhiệm tín dụng dài hạn của Việt Nam từ BB- xuống B+ bởi 3 lý do thâm hụt ngân sách 7,6%; sự lệ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài tăng lên trong khi nguồn cung vốn yếu đi; và dự trữ ngoại hối giảm còn khoảng 7 tuần nhập khẩu. Thông thường, định mức tín nhiệm của một doanh nghiệp không bao giờ cao hơn định mức tín nhiệm của quốc gia nơi doanh nghiệp hoạt động.

Đại diện ngân hàng cổ phần lớn nhất Việt Nam thừa nhận các chuẩn mực kế toán nói chung và các quy định về hoạt động ngân hàng của Việt Nam còn cần được điều chỉnh dần. Chuẩn mực về phân loại nợ xấu cũng như quy định về vốn tự có trên tổng tài sản có rủi ro còn bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp thông lệ, khiến các tổ chức xếp hạng cho rằng hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam không phản ánh đúng lượng vốn cần thiết để đảm bảo hấp thụ rủi ro.

Tuy nhiên, ACB cũng chỉ ra nhiều sai số trong cách đánh giá và công bố của Fitch. cùng với Vietcombank, ACB cũng bị hạ nửa bậc từ D xuống D/E. Cũng như Vietcombank, ACB cho rằng Fitch đánh giá mức tín nhiệm của ACB dựa trên những thông tin công bố công khai tại các phương tiện thông tin đại chúng, rất thiếu các thông tin chi tiết, do họ không đề nghị ACB cung cấp thông tin. Do đó Fitch không thấy hết chất lượng hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam nói chung và của ACB nói riêng.

Cách cung cấp và bố trí thông tin không phù hợp của Fitch cũng dễ gây hiểu lầm. Fitch nêu ACB tăng trưởng tín dụng 42% yoy, tức là 42% so với cùng kỳ (tháng 6 năm 2009). Nhưng họ lại đặt bên cạnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 52%/năm là kế hoạch tăng trưởng chung của ACB vào cuối năm 2010 so với đầu năm 2010. Theo ACB, điều này gây hiểu sai về tốc độ tăng trưởng của ACB.

8 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ACB đạt gần 30% và mục tiêu là 50% vào cuối năm. ACB cho rằng nếu tính đến yếu tố mùa vụ (Tết) rất đặc thù của Việt Nam (hầu như quý I không tăng tín dụng) thì việc 4 tháng cuối năm tăng trưởng 20% còn lại là không quá cao và không quá nóng. Do vậy Fitch nhận xét tăng trưởng tín dụng nửa sau 2010 sẽ nhanh và rủi ro tăng theo là không đúng.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng Việt Nam nói chung trong 5 năm vừa qua là cao (34% một năm), ACB tăng tín dụng trong 5 năm ấy là hơn 4,6 lần (bình quân 55% một năm). Tuy nhiên, theo ACB, Việt Nam là kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh (7,5%-8,0%/năm) và chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng thương mại (với tốc độ tăng trưởng cao trên 22%/năm) hơn là thị trường chứng khoán. Vì vậy tín dụng tăng trưởng cao như vậy lại là bình thường nếu so sánh với các kinh tế khác.

ACB cũng chỉ ra thực tế là tốc độ tăng trưởng xét theo tỷ lệ tương đối là cao, song nếu tính theo số tuyệt đối lại không hề cao. Năm 2010, sau 8 tháng, tăng trưởng tín dụng tuyệt đối của ACB với trên 280 chi nhánh và phòng giao dịch là 17.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 60 tỷ đồng một chi nhánh hoặc phòng giao dịch, là con số rất nhỏ. Chưa kể thị phần tín dụng của ACB còn rất nhỏ (trên dưới 4%) nên việc tăng trưởng nhanh không phải là quá bất thường.

"Fitch e ngại rằng tăng trưởng tín dụng cao sẽ có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng chứ chưa khẳng định chất lượng tín dụng của ACB nói riêng và của ngành ngân hàng Việt Nam nói chung đã giảm sút. Điều này thể hiện tính khá cẩn trọng và chuyên nghiệp của Fitch khi họ nói rằng sẽ “nâng hoặc hạ mức tín nhiệm của ACB sau khi chất lượng tín dụng được (chứng tỏ là) nâng cao và vốn được nâng theo quy định", đại diện ACB nói.

Fitch e ngại tăng trưởng tín dụng nhanh sẽ ảnh hưởng đến an toàn vốn và thanh khoản của ACB. Tuy nhiên ACB cho rằng đây là sự lo xa hơi quá, bỏi hệ số CAR của ngân hàng đang là trên 9% và ACB đã thông qua kế hoạch nâng vốn để duy trị hệ số theo quy định. Fitch cũng e ngại khi tín dụng ngoại tệ của ACB tăng cao, song ngân hàng cho rằng đã có các biện pháp bảo hiểm, nên rủi ro này hầu như không có.

Theo ACB, việc các tổ chức định mức tín nhiệm như Fitch, Moody’s, S&P… nâng hay hạ mức tín nhiệm là chuyện bình thường. Không nên vì nâng hạng mà chủ quan hay hạ hạng thì quá lo ngại. Đó là các tổ chức lớn, có ảnh hưởng nhiều đến giới đầu tư…Nhưng họ cũng chỉ là tổ chức tư vấn và chịu trách nhiệm rất hữu hạn với các báo cáo của nhân viên mình. Đặc biệt mỗi báo cáo là quan niệm của riêng một cá nhân phân tích, nên yếu tố chủ quan rất cao, nhất là trong điều kiện họ thiếu thông tin và phải phân tích từ xa.

"Fitch chưa bao giờ gặp ACB để trao đổi về số liệu. Do đó cần rất thận trọng khi đọc và hiểu các báo cáo của họ", đại diện ngân hàng tuyên bố.

ACB cũng đưa ra những dẫn chứng cho thấy chất lượng báo cáo của các tổ chức như Fitch đôi khi xa rời thực tế. Ví dụ trong cơn bão khủng hoảng, một số các ngân hàng chuẩn bị phá sản vẫn được các tổ chức này xếp hạng tín nhiệm AA/AA-... Trong khi nhiều ngân hàng tại các quốc gia bị họ dự báo sẽ sụp đổ lại đang phát triển rất mạnh.

ACB không tỏ ra quan ngại về hạng mức mới của mình. Trong bảng xếp hạng tín nhiệm của Fitch, có nhiều ngân hàng lớn cũng có mức Individual Rating D/E như Natixis Bank (Pháp) xếp hạng E, Royal Bank Of Scotland (Anh): D/E, Ulster Bank (Ireland): E. Mức Ratings D/E cũng không phải là tồi, nó chỉ cho thấy các ngân hàng cần nâng cao năng lực tài chính để đảm bảo sự tăng trưởng và hoạt động được an toàn, và đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý, chứ không phỉa là các ngân hàng có vấn đề nghiêm trọng, cần sự trợ giúp từ bên ngoài

Theo Song Linh

Vnexpress