12h15, ĐHCĐ bất thường ngân hàng ACB kết thúc.
12h10, ông Lê Vũ Kỳ, đại diện cho các cựu thành viên HĐQT ngân hàng đã từ nhiệm hồi tháng 8 và tháng 9 lên phát biểu về chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền tại ngân hàng khác của ACB. Theo ông Kỳ, chủ trương này khi ấy là không sai và đúng điều lệ của ACB, đã mang lại nhiều lợi nhuận cho ngân hàng khi ấy. Các chứng từ liên quan đã được nộp cho cơ quan điều tra. Khoản tiền liên quan đến vụ Huyền Như lừa đảo, không phải chỉ riêng mình ACB mà còn nhiều ngân hàng khác.
12h05, ĐH đã công bố kết quả kiểm phiếu
Cả 4 ứng cử viên vào HĐQT đã trúng cử. Cụ thể, ông Trần Mộng Hùng đạt tỷ lệ 125,57%; ông Nguyễn Thành Long 95,95%; ông Đàm Văn Tuấn là 89,58%; ông Trần Trọng Kiên 88,9%.
Đại diện NHNN là ông Tô Duy Lâm cho biết, ngay trong ngày đầu tiên sau vụ bầu Kiên, NHNN đã phải tiếp tiền mặt là 5.000 tỷ đồng, phải sử dụng đến xe tải để chở tiền cho ACB. Tổng cộng NHNN đã phải tiếp 16.000 tỷ đồng cho ACB để giúp ACB ổn định.
NHNN đánh giá ACB đã vượt khủng hoảng rất tốt dù vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt.
11h15': Trong 19 năm qua, ACB luôn đảm bảo quản trị rủi ro tốt, nhưng sự kiện vừa qua khiến ACB cần nhìn lại cơ chế quản trị rủi ro, phải tăng cường hơn nữa, phải thuê tư vấn độc lập trong các hoạt động đặc thù; Đẩy mạnh khối quản trị rủi ro; Phân quyền quản trị và điều hành…
ACB xác định năm 2013 sẽ là cơ sở phục hồi, năm 2014 sẽ là chu kỳ mới của ACB.
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng GĐ ngân hàng ACB thì cho biết, ACB đã ứng phó linh hoạt đáp ứng nhu cầu rút tiền. Thanh khoản khi khủng hoảng luôn tốt. Huy động vốn tăng 11% nếu loại trừ yếu tố vàng…
Cũng theo ông Toàn, chất lượng tín dụng ngành ngân hàng giảm nhưng ACB đã tăng 3%. Hệ số an toàn vốn tối thiểu đạt 13% và ngân hàng chưa vội tăng vốn. Dự kiến năm 2012, ACB đạt lợi nhuận xấp xỉ 1.200 tỷ đồng. Số liệu sẽ được công bố sau.
Về kế hoạch năm 2013, ông Đỗ Minh Toàn, cho biết tăng trưởng tín dụng năm 2013 sẽ theo nguyên tắc cẩn trọng. Hoạt động vay và cho vay liên ngân hàng sẽ khó khăn. Hoạt động cấp tín dụng bằng ngoại tệ sẽ là con đường mở.
Căn cứ vào tình hình hiện nay, ACB sẽ mở rộng mạng lưới trong năm tới, nhưng sẽ không tăng nhanh mà tập trung vào cải tạo, di dời các chi nhánh yếu kém, phát triển các chi nhánh tạo lợi nhuận tốt.
Huy động vốn sẽ tập trung khôi phục lại quy mô, dự kiến tăng trưởng 20 – 30%. Tăng trưởng tín dụng năm sau dự kiến 15 – 20%.
Hiện nay, ban điều hành đang đánh giá lại kế hoạch năm 2013. Tuy nhiên, lợi nhuận sẽ không cao như kế hoạch đề ra trước đây, bởi một số lĩnh vực vốn là lợi thế đã không còn. Ngân hàng sẽ phát triển mảng hoạt động khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. ACB tin tưởng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mảng này trong năm tới và các năm tiếp theo.
..........................
Về hoạt động huy động và kinh doanh vàng, theo chủ tịch ACB, khi vừa qua “tâm bão”, ban lãnh đạo ACB lại đối mặt với vàng. Trước đây huy động vàng và cho vay trên thị trường hai mang lại lợi nhuận tốt và ACB đã cân đối trạng thái từ nước ngoài. Nhưng năm nay, do chính sách không được nhập khẩu nên ACB đã chịu nhiều thiệt thòi.
Ông Huy cho biết thêm, tài sản giảm giảm nhưng các chỉ tiêu an toàn tài chính vẫn tốt. Nhu cầu tăng vốn không cấp thiết và sẽ trình trong ĐHCĐ năm 2013.
Về lòng tin của nhà đầu tư và quản trị rủi ro, điều hành. Theo chủ tịch ACB, ngân hàng vẫn đang chờ kết quả của cơ quan điều tra.
Tổng số dư của công ty bầu Kiên liên quan đến ACB là 7.000 tỷ, nhưng đã được đảm bảo bằng tài sản và được PWC kiểm toán. Hiện nay ACB đã lập tổ công tác và thuê tư vấn độc lập để xử lý nhóm tín dụng này.
11h00, ban lãnh đạo ACB trả lời các câu hỏi của cổ đông.
Theo ông Trần Hùng Huy, chủ tịch HĐQT, sau vụ việc từ nhiệm của các thành viên, tổng tài sản của ngân hàng đã giảm 30% và lần đầu tiên kinh doanh bị thua lỗ, gây ra hàng loạt nghi ngờ về quản trị rủi ro, chiến lược kinh doanh.
Với các khách hàng, ACB xác định tôn trọng và bảo đảm quyền lợi cho khách hàng. Thực hiện cam kết trong mọi tình huống người gửi tiền phải nhận lại được tiền của mình.
Trên bất cứ góc độ nào, con số 28.000 tỷ bị rút ra trong quý vừa qua là con số nói lên nhiều điều. Tuy nhiên, hàng ngàn khách hàng rút tiền thì cùng có hàng chục ngàn khách tiếp tục duy trì gửi tiền và thậm chí gửi thêm.
Sau sự kiện khủng hoảng vừa qua, 14.000 con người ACB đã đoàn kết hợp tác để đảm bảo sự phối hợp sâu sát. Số dư huy động của ACB đã được phục hồi.
..........
Một cổ đông nữ khác cũng có câu hỏi về bầu Kiên. Theo cổ đông này, việc bầu Kiên không ảnh hưởng tới ngân hàng, nhưng báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 đã cho thấy ngân hàng bị ảnh hưởng rất mạnh. Sau vụ việc này, ngân hàng có xử lý hay quản lý chặt chẽ vấn đề quản lý rủi ro hay không.
Theo cổ đông này, ngân hàng nên thẳng thắn thừa nhận những mất mát trong thời gian qua để đứng lên. Lợi nhuận năm nay là bao nhiêu? Cổ đông có quyền lợi gì không?
ACB đã làm đổ vỡ niềm tin của nhà đầu tư, của người gửi tiền. Tiềm lực của ACB giờ đây mạnh hơn năm 2003, nhưng không có nghĩa là không có khả năng đổ vỡ. Cổ đông đã rất thất vọng vì lãnh đạo ngân hàng đã mang lại quá nhiều rủi ro cho cổ đông thời gian qua.
Lãnh đạo ngân hàng đã làm những việc không thông qua cổ đông như đầu tư vàng mạnh tay, lấy hơn 10 tấn vàng của dân gửi rồi đem đi bán với giá 41 để rồi đầu tư vào các khoản khác, khiến lỗ hơn 1.000 tỷ trong quý 3.
10h25': Một cổ đông trong nước khác thì hỏi về việc giá cổ phiếu của ACB hiện nay quá thấp. Nhiều lúc cổ đông cũng lo lắng về các vấn đề đang xảy ra ở ACB. Năm 2003, ngân hàng cũng có vấn đề, và tháng 8 năm nay lại lặp lại. Cổ đông muốn hỏi lãnh đạo ACB có biện pháp gì để duy trì sức mạnh, làm sao để có nhiều lợi nhuận hợp pháp để đem lại quyền lợi cho cổ đông? HĐQT không nên cắt giảm chỉ tiêu kinh doanh, kế hoạch lợi nhuận để bù đắp những thiệt hại vừa qua.
Đáng chú ý, cổ đông này còn hỏi việc vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo gần 4.000 tỷ đồng, ACB liên quan như thế nào, nợ xấu bao nhiêu.
10h20': Một cổ đông nước ngoài có câu hỏi, ban điều hành giải thích cho cổ đông biết tình hình kinh doanh hiện nay như thế nào. Trong quý 3 ngân hàng lỗ nhiều vì vàng, vậy quý 4 và quý 1 năm sau kế hoạch như thế nào. Sắp tới NHNN không cho kinh doanh vàng thì điều đó tác động gì đến ACB. Cổ đông này yêu cầu ngân hàng giải thích công khai về mức độ rủi ro trong kinh doanh của ACB hiện nay. Sự tham gia của các công ty thành viên của ACB ra sao và các khoản lỗ tiềm năng như thế nào.
Cổ đông nước ngoài này tiếp tục có câu hỏi. Ngân hàng ACB có kiện ông Nguyễn Đức Kiên và các công ty của ông Kiên hay không. Việc HĐQT có chủ trương làm sai là lấy tiền của ngân hàng đi gửi ở 29 ngân hàng làm sai trái thì ngân hàng sẽ giải quyết ra sao. Ngân hàng có kế hoạch như thế nào để ngăn chặn các khoản lỗ đó trong tương lai? Tổng mức rủi ro liên quan đến công ty của bầu Kiên và bầu Kiên là bao nhiêu?
Công ty ACBS có đầu tư vào Techcombank hay không, xin ban lãnh đạo ngân hàng giải thích rõ.
![[Trực tiếp] Nóng ĐHCĐ bất thường ngân hàng ACB năm 2012 (2)](https://cdn.stockproxx.com/2012/12/26/cdnn.jpg)
10h10, Đại hội đồng cổ đông thảo luận về việc thay đổi và bổ sung ngành nghề kinh doanh vào Giấy thành lập hoạt động và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của ngân hàng.
Một cổ đông có ý kiến, trong phần sử bổ sung ngành nghề kinh doanh, ACB có đề cập đến việc tiếp tục kinh doanh sản phẩm ngoại hôi và sản phẩm phái sinh. Thế nhưng ACB thường hay mất tiền trong giao dịch ngoại hối và giao dịch vàng. Vậy HĐQT có cách nào để phòng tránh việc mất tiền như vậy?
Một cổ đông khác thì có ý kiến hỏi về việc trong phần sửa đổi hoạt động kinh doanh, ACB có đề cập đến sản xuất vàng miếng. Vậy thì lãnh đạo ngân hàng đã có kế hoạch gì về hoạt động năm tới liên quan đến vàng.
...................
Nội dung chính của đại hội là miễn nhiệm 4 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2008 – 2012 đã từ nhiệm hồi tháng 8 và tháng 9 đó là ông Lý Xuân Hải, ông Trần Xuân Giá, ông Lê Vũ Kỳ, ông Trịnh Kim Quang; bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT mới, với các ứng cử viên là ông Trần Mộng Hùng, ông Nguyễn Thành Long, ông Đàm Văn Tuấn và ông Trần Trọng Kiên.
Đúng 9h15, ĐH bắt đầu
Tỷ lệ cổ đông tham dự là 83,11% tương đương 779,32 triệu cổ phần trong tổng 937.696.506 cổ phần.
![[Trực tiếp] Nóng ĐHCĐ bất thường ngân hàng ACB năm 2012 (3)](https://cdn.stockproxx.com/2012/12/26/fk.jpg)
9h40, ĐH thông qua việc bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT:
Một là, ông Trần Mộng Hùng (sinh năm 1953), nguyên TGĐ ngân hàng ACB (1993 – 1994), nguyên chủ tịch HĐQT ACB (từ 1994 – 2008).
Hai là, ông Nguyễn Thành Long (sinh năm 1951), nguyên chủ tịch HĐQT Eximbank (1998 – 2010), nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (2008 – 2012), chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bảo Long (từ tháng 5/2012 tới nay).
Ba là, ông Đàm Văn Tuấn (sinh năm 1951), Phó TGĐ ngân hàng ACB (từ 2001 tới nay).
Bốn là, ông Trần Trọng Kiên (sinh năm 1973), chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty CP Du lịch Thiên Minh (từ 2001 tới nay). Ông Kiên hiện còn giữ các chức vụ quan trọng tại 10 công ty khác, trong đó là chủ tịch HĐQT của công ty CP Du lịch Thiên Minh Hòa Bình và Victoria Hotels (HK). Ông là chủ tịch HĐTV của công ty TNHH Du lịch Đống Đa, của công ty TNHH Lữ hành Chợ lớn, của công ty Jetwing Indochina; là Thành viên HĐQT của công ty Khách sạn Victoria Hội An và Victoria Cần Thơ...
Thành Hưng
Theo Trí Thức Trẻ
Bình luận
0 Bình luận