Doanh nghiệp niêm yết

ADC: Mừng vì ĐHCĐ thông qua kế hoạch cổ tức 17%

Ngày 21/3, Công ty Cổ phần Mĩ thuật và Truyền thông (mã CK: ADC) đã tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2013.

Đại hội đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 15 tỷ đồng để có thêm nguồn vốn mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh.

Theo đó, công ty sẽ chào bán 400.000 cp cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 10.000 đ/CP. Tỷ lệ chào bán là 10:4. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II/2013.

Cổ tức năm 2013 là 17%

Về kế hoạch sản xuất kinh doanh, năm 2013 đặt mục tiêu đạt 90 tỷ đồng doanh thu và 6 tỷ đồng lợi nhuận, cổ tức 17%.

Việc giảm cổ tức xuống 17% thay vì 18% như Nghị quyết HĐQT đã thông qua ngày 02/01/2013 là một niềm vui đối với cán bộ công nhân viên công ty ADC.

Bởi lẽ, trước đó Công ty mẹ là Nhà xuất bản giáo dục đã “ra điều kiện” trước khi “xuống tiền” để ADC tăng vốn lên 15 tỷ đồng thì ADC phải cam kết mức cổ tức năm 2013 là 18%.

“Sau khi cân đối tất cả các nguồn chúng tôi chỉ còn một cách duy nhất để có thể trả được mức cổ tức 18% đó là cắt giảm lương và phụ cấp của cán bộ công nhân viên” – Ban lãnh đạo công ty chia sẻ với cổ đông.

Nghe “hoàn cảnh” này đại diện HĐQT thành viên ông Nguyễn Công Ái (Tổng giám đốc Nhà xuất bản giáo dục) đã nói: “Đời sống, thu nhập của cán bộ công nhân viên cũng khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Nếu vì trả cổ tức mà cắt giảm nữa tôi e rằng điều đó hơi quá”.

“Công ty Cổ phần Mĩ thuật và Truyền thông có thể cân nhắc phương án cổ tức 16 - 17% trong năm 2013, thay vì 18%. Việc tăng vốn cũng không nhất thiết là phải ‘đủ chỉ tiêu’ đối với cổ đông lớn (Nhà xuất bản giáo dục). ADC có thể cân nhắc phương án bán cổ phần này cho cán bộ công nhân mới để tạo động lực, gắn bó xây dựng phát triển công ty” – Ông Ái nói.

ADC có thể phải trả phí vì “được cưỡi trên lưng cọp”

Theo ông Ái, hiện tại mảng kinh doanh sách giáo khoa của Nhà xuất bản giáo dục vẫn đang lỗ nhưng không thể tăng giá vì mục tiêu kiềm chế lạm phát chung hiện nay.

Chính vì thế, Công ty Cổ phần Mĩ thuật và Truyền thông cũng như các công ty con, công ty thành viên khác đang “đang ngồi trên lưng cọp” được hưởng các lợi thế về kinh doanh từ công ty mẹ phải “chung tay chia sẻ những khó khăn”.

Mặc dù chưa đề cập đến những khoản phí cụ thể nào nhưng ông Ái tiết lộ: “Tới đây chúng tôi sẽ tính đoán một số khoản phí để “chia về” các đơn vị đảm bảo sự công bằng, hài hòa lợi ích giữa các thành viên. Nhưng chắc chắn là không có sự cào bằng giữa các công ty”.

Khánh Linh

Theo Trí Thức Trẻ