Doanh nghiệp niêm yết

AGD: Rời sàn để huy động vốn ngoại

Công ty cổ phần Gò Đàng (AGD) vừa bất ngờ quyết định tự nguyện hủy niêm yết. Hoạt động kinh doanh khá tốt, giá cổ phiếu đang ở mức khá cao thế nhưng đại hội cổ đông bất thường đầu tháng 10 lại ra quyết định hủy niêm yết.

Hàng loạt công ty trên sàn đã bị bắt buộc hủy niêm yết vì thua lỗ, thậm chí có doanh nghiệp tự động rời sàn để tránh bị bắt buộc hủy niêm yết. Đối với Gò Đàng thì hoàn toàn khác. Năm 2011, lợi nhuận sau thuế của Gò Đàng tăng gấp 3 lần so với năm 2010, đạt 130 tỉ đồng, theo báo cáo tài chính của Công ty. Nửa đầu năm 2012, lợi nhuận Gò Đàng có giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn đạt 58 tỉ đồng.

“Công ty rời sàn là để huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, không phải vì kinh doanh sụt giảm”, ông Nguyễn Tùng Dương, Phó Tổng Giám đốc Gò Đàng, cho biết.

Tuy vậy, vẫn có những mâu thuẫn trong việc này. Cổ đông nước ngoài đang chiếm 67.570 cổ phần tương đương 0,56% vốn điều lệ của Công ty. Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua toàn bộ 9 triệu cổ phần (dự kiến phát hành), nhóm này cũng chỉ chiếm khoảng 43% vốn điều lệ của Gò Đàng. Trong khi room của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp niêm yết là 49%.

Giám đốc một công ty tư vấn về mua bán sáp nhập doanh nghiệp (không muốn nêu tên) cho rằng: “Khi nhà đầu tư nước ngoài mua một doanh nghiệp trong nước đã nhắm tới một tỉ lệ chi phối”. Trường hợp của Gò Đàng, ông cho rằng tỉ lệ nhà đầu tư nước ngoài muốn sở hữu là trên 50%. Có thể, đã có những pháp nhân Việt Nam đang mua cổ phiếu và dự tính bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài vào thời điểm thích hợp.

Và thích hợp nhất không chỉ là sau khi rời sàn, mà khi Gò Đàng không còn là một công ty đại chúng nữa. Những động thái mới đây của Gò Đàng cũng chứng minh quan điểm trên là hợp lý: mua lại cổ phần của cổ đông nhỏ đi kèm với hủy niêm yết.

Theo quy định hiện hành kể cả khi hủy niêm yết, tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vẫn không được vượt quá 49% bởi vì Gò Đàng vẫn là công ty đại chúng. Do vậy, thương vụ này muốn hoàn thành, Gò Đàng sẽ phải mua cổ phần cho tới khi chỉ còn dưới 100 nhà đầu tư. Nhóm này sở hữu khoảng 4 triệu cổ phiếu, theo ông Dương, tiền để mua là từ các cổ đông chiến lược. “Nếu thỏa thuận thành công chúng tôi mới mua lại cổ phiếu của cổ đông và hủy niêm yết”, ông nói.

Gò Đàng là một trong những công ty lớn trong ngành thủy sản, với thế mạnh là có quy trình sản xuất khép kín. Hiện nay, Công ty đã có khả năng tự chủ 80% nguồn nguyên liệu. Sắp tới Gò Đàng sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động với một vùng nuôi và một nhà máy chế biến mới. “Dự kiến công suất có thể tăng gấp đôi”, ông Dương cho hay.

Đồng thời, giờ là lúc khá thích hợp để Gò Đàng bán cổ phần với giá tốt. So với đầu năm, giá cổ phiếu của Gò Đàng đã tăng gần 200%, lên gần 50.000 đồng/cổ phiếu.

Theo Hòa Ca
Nhịp cầu đầu tư