Ông được đồng đội đánh giá là một người dễ mến, một tiểu đội trưởng xuất sắc, luôn được anh em chiến sĩ kính trọng và yêu quý.
Anh hùng liệt sĩ Trần Can, sinh năm 1931, lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Tràng Sơn, xã Sơn Thành, Yên Thành, Nghệ An. Từ nhỏ, ông đã khao khát cống hiến cho Tổ quốc, nhiều lần trốn mẹ xin tòng quân nhưng vì vóc dáng nhỏ bé, mãi đến lần thứ tư, khi 20 tuổi, ông mới trúng tuyển. Nhập ngũ đầu năm 1951 và chỉ một năm sau, ông tham gia Chiến dịch Tây Bắc.
Ở trận đánh đầu tiên của chiến dịch này, Trần Can dẫn đầu tiểu đội vượt qua cửa mở, dùng pháo tiêu diệt hỏa lực địch. Dù tiểu đội gần như thương vong hoàn toàn trong cuộc chiến ác liệt, ông cùng hai chiến sĩ còn lại lập thành tổ ba người, kiên cường chiến đấu, phá tan ba ụ súng địch, đánh thẳng vào sở chỉ huy, tiêu diệt cơ quan đầu não, bắt sống 22 tên và thu giữ 17 khẩu súng các loại.

Trong ký ức đồng đội, Trần Can là người dễ mến, một tiểu đội trưởng xuất sắc, luôn được anh em chiến sĩ kính trọng và yêu quý. Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209 Sông Lô, thuộc Sư đoàn 312, người từng là Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, xúc động nhớ lại: “Anh Can là người đồng đội mà tôi thân thiết trong chiến đấu và còn trực tiếp đề nghị khen thưởng sau này. Khi tôi về tiểu đoàn, Trần Can là tổ trưởng một tổ ba người trong Chiến dịch Tây Bắc và Bản Hoa.
Suốt quá trình cùng nhau chiến đấu, công tác, tôi luôn theo dõi, bồi dưỡng anh vì nhận thấy phẩm chất tích cực và tinh thần chiến đấu kiên cường. Từ tổ trưởng, anh được cất nhắc làm tiểu đội trưởng trong trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến trận đánh cuối cùng, Trần Can đã đảm nhận vai trò chỉ huy đại đội chỉ trong ba tháng”.

Tại trận đánh mở màn trên đồi Him Lam, Trần Can, giờ đây là chỉ huy Đại đội 366, giương cao lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng”, dẫn đầu đơn vị vượt qua cửa mở, xông thẳng tới sở chỉ huy đại đội địch trên đỉnh đồi. Quân địch dựa vào lô cốt chống trả quyết liệt, nhưng tiểu đội của ông bí mật áp sát, dùng khối bộc phá 10kg phá hủy lô cốt, tiêu diệt viên quan ba chỉ huy.
Đại tá Nguyễn Hữu Tài kể lại: “Sau hơn một giờ chiến đấu ác liệt, đơn vị chúng tôi đã hoàn toàn tiêu diệt tiêu diệt gọn Đại đội Lê dương số 11 của địch. Khi đồng chí Trần Can cắm lá cờ chiến thắng lên đỉnh cứ điểm Him Lam vào khoảng 21h ngày 13/3/1954, cả đơn vị vỡ òa trong niềm vui và tự hào. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ ôm nhau, reo hò, sung sướng trước chiến công vang dội. Đó là lần đầu tiên quân ta đánh thắng một cứ điểm trong một tập đoàn cứ điểm kiên cố của địch và lá cờ đó cũng lá cờ chiến thắng đầu tiên của ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ được đích thân bác Hồ trao tặng”.

Sau chiến thắng Him Lam, Trần Can tiếp tục chiến đấu ở nhiều mặt trận, từ chi viện cho Tiểu đoàn 154 phòng ngự đồi D đến hỗ trợ trung đoàn bạn giữ vững chiến hào tại đồi C1. Trận cuối cùng của ông diễn ra tại cứ điểm 507, bên bờ sông Nậm Rốm, cách Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khoảng 300m. Ông dẫn đầu tiểu đội xông lên, áp đảo địch, chiếm nửa cột cờ. Địch bắn đại bác dữ dội và phản công quyết liệt.
Trong cuộc giành giật khốc liệt, ông cùng đồng đội đánh lui bốn đợt tấn công của địch. Đến đợt phản công thứ năm, hai bên giằng co bằng lựu đạn và đánh giáp lá cà. Dù cán bộ Đại đội 366 bị thương rút lui và bản thân cũng bị thương, Trần Can vẫn thay thế chỉ huy, tiếp tục phá hàng rào địch.

Đồng chí Trần Can hy sinh vào sáng 7/5/1954 khi quân ta chiếm được một phần cứ điểm 507. Chiến thắng đến vào ngay chiều hôm đó sau khi Đại đội 360 do đồng chí Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật đánh chiếm toàn bộ cứ điểm 507 và nhanh chóng vượt cầu Mường Thanh, tiến thẳng vào hầm chỉ huy bắt sống tướng De Castries và Bộ tham mưu của chúng. Ngay sau đó, toàn bộ quân địch tại Điện Biên Phủ đồng loạt giơ cờ trắng đầu hàng. Lúc đó là 17 giờ 30 phút.
Hiện nay, ở TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên có một con đường và một trường học mang tên Trần Can.
Minh Phát - nguoiquansat.vn
Theo Thị trường tài chính
Bình luận
0 Bình luận