Doanh nghiệp niêm yết

Doanh nghiệp mía đường “căng” với nguyên liệu

Từ đầu năm đến nay, giá đường trên thế giới và trong nước liên tục tăng mạnh. Đây được xem là một yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất đường trong việc gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, nhiều nhà máy đường đang phải hoạt động dưới công suất do thiếu nguyên liệu, cộng với sự cạnh tranh khốc liệt từ các loại đường nhập khẩu là những trở ngại lớn mà các doanh nghiệp ngành mía đường phải đối mặt.

Theo dự báo của Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), thặng dư đường thế giới niên vụ 2010/2011 sẽ ở mức 196.000 tấn, thấp hơn nhiều so với dự báo dư 1,29 triệu tấn đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết xấu làm giảm sản lượng ở các nước sản xuất đường quan trọng.

Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng đường bình quân là 1,5 triệu tấn/năm, năng lực sản xuất của các nhà máy khoảng 1 triệu tấn, còn thiếu 500.000 tấn. Lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất đường cùng chung một quan điểm là muốn tạo thêm nguồn cung thì Nhà nước cần có chính sách tốt cho người trồng mía, chứ không phải cứ thiếu đường thì nhập khẩu. Hiện nay, do thiếu nguyên liệu, đa số nhà máy mía đường chỉ chạy trong niên vụ từ tháng 11 đến tháng 5, điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới biên lợi nhuận của ngành.

Xét 5 doanh nghiệp ngành mía đường đang niêm yết là CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS), CTCP Đường Biên Hòa (BHS), CTCP Bourbon Tây Ninh (SBT), CTCP Mía đường - Nhiệt điện Gia Lai (SEC) và CTCP Đường Ninh Hòa (NHS) thì LSS là công ty dẫn đầu về sản lượng và thị phần.

Thế mạnh chủ yếu của LSS là chủ động được nguồn nguyên liệu, tỷ lệ thu hồi đường cao hơn mức trung bình ngành, chi phí khấu hao hàng năm thấp, giúp giảm giá thành và giá bán cạnh tranh. Năm 2010, lợi nhuận trước thuế của LSS đạt 392,4 tỷ đồng, tăng 85% so với năm 2009 và vượt 57% kế hoạch. Theo lãnh đạo LSS, năm 2011, LSS đặt mục tiêu tăng trưởng 15 - 20%, với doanh thu dự kiến đạt 1.800 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 450 tỷ đồng. LSS đang lên kế hoạch phát triển kinh doanh với các dự án như dự án xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ đường, dự án nhiên liệu sinh học với đối tác Nga và PVOil...

BHS cho biết, hiện nay, giá đường RE (đường tinh luyện) bán trong nước ở mức trên 20.000 đồng/kg, mức giá này đảm bảo cho doanh nghiệp và người trồng mía đều có lãi. Với mức giá bán trên, doanh nghiệp có thể lãi xấp xỉ 5.000 đồng/kg nếu hoạt động hết công suất và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, mức lãi này chưa tính vào chi phí đầu tư vùng nguyên liệu và một số chi phí khác. Năm 2010, lợi nhuận sau thuế của BHS là 145,87 tỷ đồng, tăng 21,47% so với mức 120,09 tỷ đồng của năm 2009. BHS phấn đấu duy trì được mức tăng trưởng trong năm 2011. Tuy vậy, theo BHS, giá đường sau một thời gian tăng mạnh đã có dấu hiệu chững lại. Do vậy, lựa chọn hướng đi đúng đắn để đối phó với điều kiện và giá cả biến động của thị trường là điều mà các doanh nghiệp sản xuất đường phải tính đến.

Đối với SBT, để tránh tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp này đang triển khai đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía ở Tây Ninh, Bình Phước… Đồng thời, SBT tập trung cho Dự án Khu trung tâm thương mại Espace Bourbon Tây Ninh và Dự án Khu công nghiệp Bourbon An Hoà để đảm bảo tỷ lệ sinh lời trên đồng vốn trong thời gian tới.

Tại SEC, niên vụ ép mía 2010 - 2011 của SEC bắt đầu từ giữa tháng 11/2010 tới tháng 4/2011, với công suất khai thác 2.500 tấn mía/ngày. Vào mùa thu hoạch, một số ruộng mía ở vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai thường bị cháy do thời tiết khô hanh. Tổng số diện tích mía của SEC bị cháy tại vùng nguyên liệu đầu năm 2011 khoảng 2%, cụ thể là 100 héc-ta trên tổng diện tích 5.380 héc-ta. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu và nâng công suất nhà máy đường 2.500 - 3.500 tấn mía/ngày, Công ty đã triển khai chiến lược mới cho các vụ mùa tiếp theo thông qua việc nghiên cứu trồng thử nghiệm vùng diện tích mía nguyên liệu 7.000 héc-ta. Theo SEC, với tình hình hiện nay, Công ty dự kiến trong năm 2011 sẽ đạt tổng doanh thu 480 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 79,2 tỷ đồng.

Trên TTCK, theo xu thế giảm điểm chung của thị trường, nhóm cổ phiếu ngành mía đường trong những phiên gần đây có diễn biến giảm giá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các cổ phiếu ngành mía đường có mức giảm ít hơn so với chỉ số chứng khoán và P/E bình quân của nhóm cổ phiếu này đang ở mức thấp.

Theo Hải Vân
ĐTCK