Doanh nghiệp niêm yết

Nhận định ngành mía đường và cổ phiếu mía đường

Động thái mua đường của Chính phủ Thái Lan

Thái Lan là nước có sản lượng đường cao thứ 4 thế giới, sau Brazil - 32 triệu tấn, Ấn Độ 16 triệu tấn và Trung Quốc - 13 triệu tấn. Nhưng đây lại là nước xuất khẩu đường thứ nhì thế giới (sau Brazil). Do vậy, sản lượng xuất khẩu của Thái Lan sẽ có phần nào ảnh hưởng đến cung /cầu trên toàn cầu.

Năm 2010, sản lượng sản xuất của Thái Lan khoảng 6,8 - 7 triệu tấn, tiêu dùng nội địa khoảng 2- 2,2 triệu tấn, phần còn lại để xuất khẩu khoảng 4.8 triệu tấn. Do giá đường năm 2009 cao đã khuyến khích người dân tăng diện tích trồng mía cho vụ mùa 2010/2011 (từ tháng 11/2010).

Lo ngại rằng nguồn cung sẽ tăng trong năm tới và giá giảm, các nhà sản xuất của Thái Lan đã kí hợp đồng forward xuất khẩu với khối lượng lớn. Như vậy, việc mua tích trữ đường của Thái Lan là do đã kí hợp đồng xuất khẩu quá nhiều chứ không phải là sản lượng sản xuất giảm..

Thiếu hụt nội địa chủ yếu chỉ ở các tỉnh vùng hẻo lánh, không phải quy mô quốc gia vì lượng tồn kho hiện tại rất lớn (2,39 triệu tấn), đủ cung cấp cho 1 năm tiêu dùng.

Bên cạnh đó, lượng chính phủ mua lại 100.000 tấn là con số rất nhỏ so với quy mô của nước này. Thật sự, nguồn cung ròng của Thái Lan ra thế giới không có gì thay đổi lớn.

Thế giới có thiếu đường nghiêm trọng hay không?

Vụ 2008/2009, tổng cung đường thế giới là 151 triệu tấn trong khi nhu cầu thế giới là 161 triệu, thiếu hụt khoảng 10 triệu tấn. Vụ 2009/2010,con số dự báo tổng cung là 156 triệu tấn và tổng cầu khoảng 162 triệu tấn, thiếu hụt khoảng 6 triệu tấn(nguồn: FAO).

Như vậy năm nay thế giới vẫn tiếp tục thiếu đường, nhưng ở mức độ ít hơn năm ngoái do nguồn cung của Ấn Độ được cải thiện. Hiện tại giá đường thế giới đang bị chi phối bởi 2 yếu tố :

1) Giá đường cao trong năm qua đã khiến diện tích trồng mía tăng trong vụ tới (2010/2011) nên các dealer e ngại giá sẽ giảm nên không tích trữ như cùng kỳ năm ngoái. Cùng với nguồn cung tăng lên, đây là yếu tố khiến giá đường đã giảm 35% từ tháng 2 đến tháng 6. Giá đường trắng đã giảm từ 880 USD /tấn về 580 USD /tấn

2)  Tuy nhiên, đà giảm đã chững lại từ tháng 6 khi tình hình hạn hán trên thế giới dự kiến sẽ làm giảm năng suất mía cho vụ tới.

Như vậy, thế giới vấn thiếu đường trong năm nay và các chuyên gia dự phóng giá sẽ tăng nhẹ trong Q3. Tuy nhiên, mức độ thiếu không đến mức nghiêm trọng để có thể kỳ vọng giá đường đạt mức như năm ngoái.

Tình hình tại Việt Nam:

Đến cuối tháng 5/2010, lượng đường còn trong kho các nhà máy còn khoảng 336.000 tấn, cao hơn mức cùng kỳ năm trước là 116.000 tấn. Quota nhập khẩu còn 128.000 tấn.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ đường chỉ khoảng 60 – 80 ngàn tấn/tháng trong tháng 6,7,8 và chỉ tăng lên  110 – 120 ngàn tấn/tháng cho tháng 9,10 (lúc này các nhà máy đường tại miền Nam đã vào vụ mới).

Như vậy, tình hình cung cầu nội địa đã được cải thiện rất nhiều trong năm nay nên khả năng sẽ không xảy ra sốt giá.

Giá đường bán sỉ hiện nay từ các nhà máy (sau VAT) khoảng 16.000 – 16.500 đồng/kg cho đường RE, 15.000 – 15.500 đồng/kg cho đường RS.

Đây là mức giá khá tốt, chỉ giảm 10% -15% so với đỉnh giá là 17.000 – 18.000 đồng/kg. Như vậy, kết quả kinh doanh của các công ty đường cho cả năm 2010 vẫn rất tốt.

Tuy nhiên, triển vọng cho 2011 vẫn chưa rõ ràng vì vụ mới đến tháng 10 và 11 mới bắt đầu.
 
Nhận định ngành mía đường và cổ phiếu mía đường (1)
(Nguồn: SBS)
 
Các cổ phiếu trên sàn
 
Mới đây, ngày 2/7, cổ phiếu NHS của CTCP Đường Ninh Hòa chính thức được giao dịch tại HoSE, nâng tổng số cổ phiếu ngành mía đường trên sàn lên con số 5.
 
Trong đó, Đường Lam Sơn (LSS), Đường Biên Hòa (BHS) và Bourbon Tây Ninh (SBT) là những doanh nghiệp có quy mô lớn trong ngành. Còn NHS và Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai (SEC) có quy mô nhỏ hơn nhiều.
 
Năm 2009, nhờ sự tăng mạnh của giá đường mà hầu hết các doanh nghiệp mía đường đang niêm yết đều có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu cũng như lợi nhuận. Một số có EPS cao như NHS, LSS, BHS.
 
Một điểm cũng cần chú ý là năm trước các doanh nghiệp có khoản thu nhập bất thường từ việc hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính. Các doanh nghiệp lớn như LSS, BHS, SBT đều có danh mục đầu tư tài chính lớn.
 
Sang năm 2010, theo kết quả tính đến hết quý 1 thì hầu hết các doanh nghiệp này cũng đều công bố những kết quả khả quan:
  • BHS: lợi nhuận trước thuế đạt 34,9 tỷ đồng, bằng 43,7% kế hoạch năm và bằng 5,77 lần so với quý 1/2009. Năm 2010, BHS đặt chỉ tiêu 1.539,34 tỷ đồng doanh thu và 80 tỷ đồng LNTT.
  • SEC: lợi nhuận sau thuế quý 1 đạt 43,7 tỷ đồng, cao hơn lợi nhuận của cả năm 2009 là 39,4 tỷ.
  • SBT: LNST quý 1 đạt 76,1 tỷ đồng, bằng 29,1% so với kế hoạch năm là 260,5 tỷ.
  • LSS: LNST quý 1 là 68,11 tỷ đồng, tăng 30,57% so với quý IV/2009 và tăng 82,06% so với cùng kỳ năm 2009. 

Các cổ phiếu trên hiện có P/E trong khoảng từ 4,5-6,5 (dựa trên EPS bốn quý gần nhất tính đến Q1/2010). Đây là một mức khá hấp dẫn so với các nhóm ngành khác.

Chỉ tiêu (tỷ đồng)
BHS
LSS
NHS
SBT
SEC
Doanh thu thuần
1189.4
1099.6
283.0
770.6
193.7
LN gộp
161.9
227.4
76.4
202.9
48.2
Doanh thu tài chính
13.6
40.4
4.6
31.8
4.3
Chi phí tài chính
3.3
-15.1
-2.6
-21.5
1.4
Lợi nhuận thuần HĐKD
127.9
212.1
70.8
222.7
42.9
LNTT
128.1
212.0
71.3
225.9
43.2
LN sau thuế Cty mẹ
120.1
158.3
64.2
210.0
39.4
EPS (đồng)
6480
5534
9476
1484
3127
Biên LN gộp
13.6%
20.7%
27.0%
26.3%
24.9%
Biên LN ròng
10.1%
14.4%
22.7%
27.3%
20.4%
Kết quả kinh doanh 2009 của các cổ phiếu mía đường
(Theo BCTC năm 2009 đã kiểm toán)
K.A.L
Theo SBS