Kinh tế thế giới

Cảnh sát đột kích nhà máy thuốc lá giả vận hành như ‘cơ sở quân sự’: 100 tấn hàng lậu, công nhân ăn ngủ ngay tại chỗ

Pháp triệt phá cơ sở sản xuất trái phép quy mô lớn, thu giữ hơn 100 tấn hàng hóa và bắt giữ nhiều nghi phạm vận hành theo mô hình khép kín.

Mô hình hoạt động

Giữa tháng 1/2023, một nhà máy sản xuất thuốc lá giả quy mô lớn, vận hành như một cơ sở công nghiệp hiện đại nhưng hoàn toàn bất hợp pháp, đã bị lực lượng chức năng Pháp triệt phá trong một chiến dịch phối hợp quy mô lớn với Europol. Đây là lần đầu tiên tại Pháp phát hiện một cơ sở sản xuất thuốc lá giả hoạt động theo mô hình khép kín, với ba khu vực chức năng riêng biệt và hàng chục tấn sản phẩm lậu được thu giữ.

Chiến dịch điều tra được kích hoạt sau khi Europol phát hiện những dấu hiệu nghi vấn trong chuỗi cung ứng thuốc lá tại châu Âu và chia sẻ thông tin với phía Pháp vào cuối năm 2022. Sau nhiều tuần điều tra, hơn 60 sĩ quan thuộc lực lượng Hiến binh Quốc gia Pháp đã bất ngờ đột kích vào một cơ sở bí mật – nơi sau đó được xác định là nhà máy sản xuất thuốc lá giả đầu tiên từng được phát hiện trên lãnh thổ Pháp.

Cảnh sát đột kích nhà máy thuốc lá giả vận hành như ‘cơ sở quân sự’: 100 tấn hàng lậu, công nhân ăn ngủ ngay tại chỗ - ảnh 1
(Ảnh: europol)

Cơ sở này được tổ chức gần như một nhà máy hiện đại, chia làm ba khu vực: một khu sản xuất với dây chuyền chế biến nguyên liệu thô thành thuốc lá đóng hộp mang nhãn hiệu giả của các thương hiệu nổi tiếng; một khu lưu trữ chứa hàng chục tấn thuốc lá giả đã thành phẩm; và một khu sinh hoạt khép kín với khoảng 15 giường ngủ, bếp và phòng sinh hoạt chung, cho phép công nhân sống biệt lập tại chỗ để duy trì hoạt động liên tục và tránh bị phát hiện.

Cảnh sát đột kích nhà máy thuốc lá giả vận hành như ‘cơ sở quân sự’: 100 tấn hàng lậu, công nhân ăn ngủ ngay tại chỗ - ảnh 2
(Ảnh: europol)

Đột kích chớp nhoáng

Khi ập vào hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 100 tấn sản phẩm phi pháp, bao gồm:

  • 55 tấn thuốc lá giả đã đóng gói, tương đương khoảng 19,4 triệu điếu thuốc
  • 15 tấn thuốc lá nguyên liệu
  • 50 tấn vật liệu đóng gói (giấy, bộ lọc, nhãn mác)
  • 18 tấn chất thải từ quá trình sản xuất

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ máy móc nhà xưởng, thiết bị điện tử, phương tiện vận chuyển, cùng hơn 1 tấn thực phẩm – sau đó được chuyển tặng cho ngân hàng thực phẩm. Toàn bộ số thuốc lá và nguyên liệu bị thu giữ đã bị tiêu hủy. Giá trị thị trường ước tính của lô hàng giả lên tới 17 triệu euro (tương đương hơn 400 tỷ đồng).

Đáng chú ý, chín nghi phạm đã bị bắt giữ tại chỗ, phần lớn mang quốc tịch Moldova. Những người này được cho là sống và làm việc ngay trong nhà máy, hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài – một chiến thuật quen thuộc trong các tổ chức sản xuất hàng giả tinh vi nhằm hạn chế rò rỉ thông tin.

Cảnh báo về tội phạm xuyên biên giới

Trong suốt chiến dịch, Europol đóng vai trò then chốt khi cung cấp hỗ trợ phân tích chuyên sâu, đối chiếu dữ liệu theo thời gian thực và hỗ trợ điều tra viên Pháp tại hiện trường. Đây là một phần trong nỗ lực của Trung tâm Tội phạm Tài chính và Kinh tế châu Âu (EFECC) – đơn vị thuộc Europol, thành lập năm 2020 nhằm hỗ trợ các cuộc điều tra tội phạm kinh tế có tổ chức.

Vụ triệt phá không chỉ gây rúng động giới chức Pháp mà còn phơi bày rõ nét quy mô và mức độ tinh vi ngày càng gia tăng của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Theo Europol, hoạt động buôn bán thuốc lá giả hiện đang khiến Liên minh châu Âu thất thu khoảng 10 tỷ euro tiền thuế mỗi năm. Sản phẩm hàng giả không qua kiểm định cũng đặt ra nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng do chứa các chất phụ gia không rõ nguồn gốc.

Sau vụ việc, Europol phát đi cảnh báo mạnh mẽ: các băng nhóm đang lợi dụng mức giá cao và chính sách thuế của thuốc lá hợp pháp để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ hàng giả trên khắp thị trường châu Âu. Những vụ triệt phá như tại Pháp và trước đó là tại Tây Ban Nha (với nhà máy ngầm sâu 4m dưới lòng đất) là hồi chuông cảnh tỉnh cho các chính phủ về nhu cầu cấp bách trong việc hiện đại hóa hệ thống kiểm soát chuỗi cung ứng, siết chặt các biện pháp phòng chống buôn lậu và đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn hiệu quả các tổ chức tội phạm xuyên biên giới.

Theo 2F, KS, europol

Kiều Trang - nguoiquansat.vn

Theo Thị trường tài chính