Giữa những biến động dữ dội, Techcombank vẫn vững vàng trên đỉnh CASA, mở lối cho hành trình bứt phá dài hạn. Kết quả quý I/2025 và chiến lược mới từ Đại hội cổ đông hé lộ những bước đi đầy tham vọng.
Trong bối cảnh lãi suất cao kéo dài và cuộc đua giành nguồn vốn trên thị trường ngày càng quyết liệt, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) đã thể hiện bản lĩnh vững vàng nhờ chiến lược giữ CASA ổn định và kiểm soát rủi ro chặt chẽ. Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBankS Research) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcap (Vietcap Securities), Techcombank khởi đầu năm 2025 với nền tảng tài chính bền bỉ, dù chịu áp lực giảm biên lãi thuần.
![]() |
Techcombank tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025: Sẵn sàng bứt phá trong kỷ nguyên mới. |
Theo đó tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh trong quý I đạt 11.611 tỷ đồng, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận trước thuế đạt 7.236 tỷ đồng, giảm 7,2% so với cùng kỳ. Theo Vietcap Securities, "Techcombank đã có một khởi đầu vững chắc trong bối cảnh còn nhiều bất ổn liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ", nhờ tập trung phát huy thế mạnh CASA, chủ động trong tăng trưởng tín dụng và duy trì chất lượng tài sản ổn định.
CASA: Tấm lá chắn trước sóng gió chi phí vốn
Giữa lúc mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức cao và áp lực chi phí vốn đè nặng lên toàn hệ thống ngân hàng, Techcombank vẫn kiên định duy trì tỷ lệ CASA ở nhóm đầu thị trường. Theo Vietcap Securities, "tỷ lệ CASA của Techcombank trong quý I/2025 đạt 35,1%, tuy giảm 5,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ nhưng vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu". Nếu tính cả số dư sinh lời tự động, tỷ lệ CASA mở rộng đạt tới 39,4%, cho thấy nền tảng vốn giá rẻ của Techcombank vẫn rất ổn định.
Nhờ CASA cao, chi phí vốn trong quý I/2025 của Techcombank được duy trì ở mức 3,28%, giảm 11 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm trước. Đây là yếu tố then chốt giúp ngân hàng có thể duy trì mức lãi suất cho vay cạnh tranh mà vẫn đảm bảo lợi nhuận biên. Tuy vậy, dưới áp lực chung của toàn thị trường, biên lãi thuần (NIM) của ngân hàng đã giảm xuống còn 3,57%, thấp hơn 79 điểm cơ bản so với quý I/2024.
Theo Vietcap Securities, "nguyên nhân chủ yếu của sự suy giảm NIM là do lợi suất tài sản sinh lãi giảm mạnh tới 101 điểm cơ bản, trong khi chi phí vốn chỉ giảm nhẹ". Điều này phản ánh sự cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng, đặc biệt ở các sản phẩm cho vay mua nhà, nơi Techcombank vốn có thế mạnh. Bên cạnh đó, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) được duy trì ở mức 80,1%, thấp hơn nhiều so với trần 85% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, cho thấy ngân hàng vẫn còn dư địa tăng trưởng tín dụng mà không gây áp lực thanh khoản.
Tăng trưởng tín dụng chủ động, bảo vệ chất lượng tài sản
Không chỉ giữ vững CASA, Techcombank còn khẳng định bản lĩnh ở mặt trận tăng trưởng tín dụng. Theo Vietcap Securities, dư nợ cho vay của ngân hàng tăng 4,1% trong quý I/2025, vượt nhẹ mức tăng trưởng 3,9% của toàn hệ thống. Đáng chú ý, tăng trưởng đến từ cả hai mảng doanh nghiệp và bán lẻ, với mức tăng lần lượt 4,3% và 3,8% so với cuối năm 2024.
Trong phân khúc doanh nghiệp, cho vay các nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp tăng mạnh 14,8%/quý, nâng tổng dư nợ lên 215 nghìn tỷ đồng. Động lực tăng trưởng đến từ sự phục hồi của thị trường bất động sản công nghiệp, đặc biệt tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam. Ở phân khúc bán lẻ, cho vay ký quỹ chứng khoán ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 17,6%, cho thấy tín hiệu tích cực từ nhu cầu đầu tư cá nhân.
Chất lượng tài sản được bảo vệ nghiêm ngặt. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) quý I/2025 duy trì ở mức 1,23%, tăng nhẹ 6 điểm cơ bản so với cùng kỳ nhưng vẫn thuộc nhóm thấp so với toàn ngành. Tỷ lệ nợ nhóm 2 giảm còn 0,82%, cho thấy khả năng kiểm soát tốt rủi ro trong danh mục tín dụng. Ngoài ra, Techcombank đã xử lý 526 tỷ đồng nợ xấu, tương đương 0,08% tổng dư nợ, qua đó duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao 112%.
Chi phí tín dụng quý I/2025 đạt 0,66%, thấp hơn mức 0,87% cùng kỳ. Việc giảm chi phí dự phòng rủi ro cho phép Techcombank tiết kiệm nguồn lực để phục vụ tăng trưởng tín dụng mới và mở rộng quy mô hoạt động, đồng thời bảo vệ lợi nhuận trước những biến động khó lường của nền kinh tế.
Định vị chiến lược dài hạn: Vững nền tảng, mở rộng tầm nhìn
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, Techcombank đã đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 31.500 tỷ đồng, tăng trưởng 14,4% so với năm 2024. Theo VPBankS Research, định hướng chiến lược tiếp tục tập trung vào củng cố CASA, thúc đẩy tín dụng bán lẻ và đa dạng hóa nguồn thu ngoài lãi.
Thu nhập ngoài lãi trong quý I/2025 đạt 3.306 tỷ đồng, chiếm 28,5% tổng thu nhập hoạt động. Dù giảm 12,1% so với cùng kỳ, nguồn thu ngoài lãi vẫn đóng vai trò then chốt trong việc giảm sự phụ thuộc vào thu nhập lãi thuần, đồng thời giúp ngân hàng tăng sức đề kháng trước những biến động bất thường của lãi suất thị trường.
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) quý I/2025 đạt 28,3%, tăng 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung ngành ngân hàng, đây vẫn là mức rất cạnh tranh, tạo điều kiện cho Techcombank tiếp tục đầu tư mạnh vào ngân hàng số, phát triển sản phẩm mới và cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Với nền móng CASA vững chắc, khả năng kiểm soát chi phí hiệu quả, chất lượng tín dụng ổn định và chiến lược kinh doanh rõ ràng, Techcombank đang từng bước khẳng định vị thế của một ngân hàng dẫn đầu xu hướng, sẵn sàng bứt phá mạnh mẽ trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Trường Thanh - nguoiquansat.vn
Theo Kiến thức Đầu tư
Bình luận
0 Bình luận