Kinh tế thế giới

CEO Nvidia Jensen Huang chỉ ra ngành học hot nhất để đón đầu làn sóng AI tiếp theo

Theo ông, thế hệ robot thông minh trong tương lai sẽ cần khả năng suy luận vật lý để hoạt động trong thế giới thực, từ hiểu lực ma sát đến dự đoán chuyển động.

Nếu còn là một sinh viên đại học, CEO Nvidia Jensen Huang cho biết ông sẽ tập trung theo đuổi các ngành khoa học vật lý thay vì phần mềm.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh hôm 16/7, CEO Nvidia được một phóng viên hỏi: “Nếu bây giờ là phiên bản 22 tuổi vừa tốt nghiệp năm 2025 nhưng vẫn mang trong mình tham vọng như hiện tại, ông sẽ chọn hướng đi nào?”.

Trả lời câu hỏi đó, ông Huang cho hay: “Nếu là Jensen 20 tuổi mới tốt nghiệp, có lẽ tôi sẽ chọn các ngành khoa học vật lý hơn là khoa học phần mềm”. Ông chia sẻ thêm rằng bản thân từng tốt nghiệp đại học sớm hai năm, ở tuổi 20.

Khoa học vật lý, khác với khoa học sự sống, là lĩnh vực nghiên cứu các hệ thống vô tri như vật lý, hóa học, thiên văn và khoa học trái đất.

CEO Nvidia Jensen Huang chỉ ra ngành học hot nhất để đón đầu làn sóng AI tiếp theo - ảnh 1
CEO Nvidia Jensen Huang. Ảnh: CNBC

Dù không giải thích lý do chọn khoa học vật lý nếu được quay lại thời sinh viên, Huang thời gian gần đây thường đề cập đến khái niệm “AI vật lý” – làn sóng tiếp theo của trí tuệ nhân tạo.

Phát biểu tại diễn đàn The Hill & Valley ở Washington hồi tháng 4, ông chia sẻ rằng thế giới đã trải qua nhiều giai đoạn AI khác nhau trong hơn một thập kỷ qua.

“AI hiện đại thực sự bùng nổ cách đây khoảng 12–14 năm, khi mô hình AlexNet ra đời và mở ra bước đột phá lớn trong lĩnh vực thị giác máy tính”, ông nói.

AlexNet là mô hình học sâu được công bố năm 2012, giúp máy tính có thể nhận dạng hình ảnh, và được xem là cú hích khởi đầu cho làn sóng AI hiện tại.

CEO Huang gọi giai đoạn đầu này là “AI nhận thức” (Perception AI). Tiếp theo là “AI tạo sinh” (Generative AI) – nơi các mô hình không chỉ hiểu được ý nghĩa thông tin mà còn có thể chuyển đổi chúng thành hình ảnh, ngôn ngữ, mã code và nhiều định dạng khác.

“Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên gọi là ‘AI lý luận’ (Reasoning AI)… nơi AI có thể hiểu, tạo ra nội dung, giải quyết vấn đề và nhận biết những tình huống chưa từng có tiền lệ”, Huang giải thích.

CEO Nvidia Jensen Huang chỉ ra ngành học hot nhất để đón đầu làn sóng AI tiếp theo - ảnh 2
CEO Nvidia Jensen Huang cho biết ông sẽ chọn học ngành khoa học vật lý thay vì phần mềm, bởi đây chính là nền tảng cho làn sóng AI tiếp theo. Ảnh: Vuk'uzenzele

Ông nói thêm: “AI lý luận cho phép chúng ta tạo ra một dạng robot kỹ thuật số mà chúng tôi gọi là AI tác tử (agentic AI). Đây là các robot lao động kỹ thuật số có khả năng suy nghĩ và hiện là trọng tâm phát triển của nhiều công ty công nghệ như Microsoft hay Salesforce”.

Theo Huang, làn sóng tiếp theo sẽ là “AI vật lý”.

“Giai đoạn kế tiếp đòi hỏi chúng ta phải hiểu những nguyên lý như định luật vật lý, lực ma sát, quán tính, mối quan hệ nhân – quả”, ông nói.

Khả năng suy luận vật lý – chẳng hạn như hiểu rằng một vật thể vẫn tồn tại ngay cả khi khuất tầm nhìn – sẽ đóng vai trò lớn trong giai đoạn mới này. Ứng dụng bao gồm dự đoán đường đi của một quả bóng, tính toán lực cần thiết để cầm nắm một vật thể mà không làm hỏng nó, hay nhận biết khả năng có người đi bộ phía sau xe ô tô.

“Khi bạn tích hợp AI vật lý vào một thực thể vật lý – tức là robot – bạn sẽ có ngành robot học. Điều này hiện rất quan trọng vì chúng tôi đang xây dựng hàng loạt nhà máy tại Mỹ”, Huang nhấn mạnh.

Cuối cùng, ông kết luận: “Hy vọng trong 10 năm tới, khi thế hệ nhà máy mới ra đời, chúng sẽ được tự động hóa cao và giúp chúng ta đối phó với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng trên toàn cầu”.

Thiên Kim - nguoiquansat.vn

Theo Thị trường tài chính