Sau nhiều năm lo ngại về giảm phát và cuộc chiến giá cả kéo dài trên diện rộng, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đang cho thấy dấu hiệu sẽ có động thái can thiệp quyết liệt nhằm giải bài toán tăng trưởng suy yếu và niềm tin thị trường lao dốc.
Trong những tuần gần đây, thông điệp từ Bắc Kinh đã thay đổi rõ rệt. Ông Tập cùng các quan chức cấp cao đã lần đầu tiên thẳng thắn thừa nhận mức độ gay gắt của cạnh tranh trong nước – yếu tố đang kéo tụt giá cả và lợi nhuận trong hàng loạt ngành công nghiệp, từ thép, pin mặt trời cho đến xe điện.
Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đã trải qua gần 3 năm liên tục giảm phát ở cấp độ sản xuất, trong khi căng thẳng thương mại với Mỹ ngày càng gia tăng.
Việc Bắc Kinh quyết liệt giải quyết tình trạng dư thừa công suất công nghiệp có thể là tin tốt với phần còn lại của thế giới, giúp hạ nhiệt xung đột và khôi phục niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu. Tuy nhiên, lộ trình phía trước lại đầy bất định.

Chính phủ Trung Quốc cần giảm sản lượng dư thừa mà không gây tổn hại đến tăng trưởng hay việc làm, trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài suy yếu và chưa có đột phá nào về một thỏa thuận thương mại lâu dài với Mỹ.
“Nếu làm đúng cách, đây có thể là bước đi tích cực cho thương mại toàn cầu, bởi nó giúp giảm bớt sức ép từ hàng hóa Trung Quốc tràn ra thị trường thế giới", bà Wendy Liu, chiến lược gia trưởng về cổ phiếu châu Á – Trung Quốc của JPMorgan Chase, nhận định. “Tuy nhiên, về ngắn hạn, chính sách này không có lợi cho tăng trưởng GDP hay việc làm, nên sẽ là một bài toán cân bằng khó khăn”.
Giá sản xuất rơi mạnh nhất trong gần một năm
Theo số liệu mới công bố, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 6 tiếp tục giảm tháng thứ 33 liên tiếp, với mức giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước – sâu nhất kể từ tháng 7/2023 và vượt mọi dự báo của giới phân tích. Diễn biến này càng nhấn mạnh tính cấp thiết của vấn đề.
Dù Bắc Kinh chưa công bố một kế hoạch cụ thể, nhưng sự lạc quan đang gia tăng về khả năng sắp có một gói giải pháp chính sách đồng bộ. Trong cuộc họp gần đây của cơ quan lãnh đạo kinh tế cấp cao thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, các nguyên nhân sâu xa của tình trạng dư cung đã được nêu rõ – từ việc các địa phương chạy đua đầu tư đến hệ thống thuế thiên về sản lượng hơn là hiệu quả.

Mặc dù không trực tiếp đề cập đến “giảm phát” – từ ngữ từng là điều cấm kỵ tại Bắc Kinh – nhưng giới quan sát cho rằng đây là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang nghiêm túc đối mặt với tình trạng cạnh tranh hỗn loạn và chiến tranh giá cả, đặc biệt trong ngành ô tô điện.
Một điểm đáng chú ý là các hiệp hội ngành nghề – vốn từng được kỳ vọng tự điều tiết sản lượng – đã không còn được nhắc đến trong báo cáo chính thức, điều có thể hàm ý Bắc Kinh sẽ chọn cách tiếp cận “trên xuống” với quyết tâm cao hơn.
Các tổ chức công nghiệp và truyền thông nhà nước cũng bắt đầu phản ánh sự thay đổi trong định hướng, kêu gọi chấm dứt các cuộc đua phá giá. Một số công ty trong các lĩnh vực như thép và kính xây dựng được cho là đã lên kế hoạch cắt giảm sản lượng. Giá thép thanh dùng trong xây dựng hiện đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 2017, trong khi giá kính cũng sát đáy 9 năm.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng lần đầu tiên trong nhiều năm xác định “giá cả duy trì ở mức thấp kéo dài” là một thách thức chính đối với nền kinh tế. Hồi tháng 5, PBOC từng công bố một phân tích sâu về áp lực giảm giá, chỉ ra rằng chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ không đủ để kích thích tăng trưởng nếu mô hình kinh tế tiếp tục lệch về đầu tư và sản xuất.
Tín hiệu cải tổ và những rào cản hiện hữu
Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) đã làm việc với các công ty năng lượng mặt trời, trong khi gần 3 chục doanh nghiệp xây dựng ký cam kết chống lại tình trạng “nội cuồng hóa” – một thuật ngữ mô tả cạnh tranh cực đoan do dư cung gây ra. Bắc Kinh cũng ra mắt nền tảng tiếp nhận khiếu nại từ nhà cung cấp về việc bị chậm thanh toán – một phần trong nỗ lực dẹp bỏ các hành vi kinh doanh thiếu công bằng.
Tuy nhiên, việc chưa có chính sách cụ thể khiến kỳ vọng vẫn còn dè dặt. Nhiều chuyên gia kỳ vọng Trung Quốc có thể tái sử dụng “kịch bản cải cách cung” từng được triển khai giai đoạn 2015–2017 – khi nước này mạnh tay cắt giảm công suất thép, than và thúc đẩy chương trình tái định cư đô thị giúp kích cầu bất động sản, từ đó vực dậy tăng trưởng và lợi nhuận công nghiệp.
Song hiện tại, bài toán đã phức tạp hơn: cầu nội địa yếu, xuất khẩu suy giảm, và các ngành cạnh tranh khốc liệt nhất như xe điện lại do tư nhân chi phối – khiến chính phủ khó áp đặt cắt giảm. Chính quyền địa phương cũng có thể kháng cự nếu các biện pháp khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn muốn duy trì năng lực sản xuất trong bối cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy chiến lược “đưa nhà máy quay lại Mỹ”. Trung Quốc được cho là đang xem xét “phiên bản mới” của chiến lược “Made in China 2025” nhằm đẩy mạnh sản xuất công nghệ cao.
Lựa chọn khó khăn: Cải cách mô hình tăng trưởng hay giữ tốc độ?
Theo Citigroup, sắp tới có thể xuất hiện các biện pháp cắt giảm công suất ở những ngành do doanh nghiệp nhà nước thống trị như than, thép và xi măng. Đồng thời, Chính phủ có thể siết các tiêu chuẩn về môi trường, lao động và chất lượng tại các ngành tư nhân.
Ngoài ra, Bắc Kinh có thể rút bớt trợ cấp, nhất là các khoản được ưu ái bởi chính quyền địa phương, hoặc giảm hoàn thuế xuất khẩu – điều đã được áp dụng với nhôm, đồng và pin vào cuối năm 2024.
Một số biện pháp khác nhằm ngăn chặn hành vi kinh doanh không lành mạnh như ép nhà cung ứng giảm giá hoặc chậm thanh toán cũng đang được triển khai. Từ tháng 3, quy định mới yêu cầu doanh nghiệp thanh toán trong vòng 60 ngày, và một số hãng xe lớn đã cam kết tuân thủ.
Các chuyên gia HSBC nhấn mạnh rằng những biện pháp từ phía cầu – như củng cố hệ thống an sinh xã hội, ổn định thị trường việc làm và bất động sản – cũng sẽ đóng vai trò then chốt. Chỉ số cổ phiếu bất động sản Trung Quốc hôm thứ Năm vừa qua đã tăng mạnh nhất gần 9 tháng, khi có đồn đoán sẽ có cuộc họp cấp cao nhằm vực dậy ngành này.
Tuy vậy, thay đổi lâu dài đòi hỏi cải cách sâu hơn với mô hình tăng trưởng hiện tại – vốn lệ thuộc vào đầu tư và sản xuất. Theo Morgan Stanley, Trung Quốc có thể phải điều chỉnh cách đánh giá thành tích của cán bộ địa phương, chuyển từ chỉ tiêu GDP sang các chỉ số như tiêu dùng và tăng trưởng thu nhập.
Hiện tại, giọng điệu của Bắc Kinh đã cứng rắn và rõ ràng hơn, nhưng hành động thực tế vẫn là một ẩn số. “Thông điệp đã sắc nét hơn, mục tiêu đã rõ ràng hơn”, các chuyên gia Morgan Stanley nhận định. “Nhưng chưa có mốc thời gian cụ thể, chưa có cơ chế thực thi nào được công bố. Khoảng cách giữa chẩn đoán và hành động vẫn còn rất xa”.
Thanh Lê - nguoiquansat.vn
Theo Thị trường tài chính
Bình luận
0 Bình luận