Châu Âu

Châu Âu ngư ông đắc lợi khi ông Trump 'tấn công' các trường đại học Mỹ

Châu Âu đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho giới nghiên cứu toàn cầu, với chiến lược đầu tư mạnh mẽ nhằm thu hút nhân tài và khẳng định vai trò là thành trì của tự do khoa học.

Giữa bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cắt giảm ngân sách nghiên cứu và siết chặt chính sách đối với các trường đại học hàng đầu như Harvard và Columbia, châu Âu đang tìm cách trở thành điểm đến thay thế cho giới trí thức và các nhà khoa học bị ảnh hưởng tại Mỹ.

Nhiều lãnh đạo châu Âu xem những chính sách can thiệp vào quyền tự do học thuật của Washington là cơ hội để thu hút các tài năng khoa học trên toàn cầu, đồng thời lên tiếng chỉ trích những quyết sách mà họ cho là “sai lầm nghiêm trọng” trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu của Mỹ.

Châu Âu ngư ông đắc lợi khi ông Trump 'tấn công' các trường đại học Mỹ - ảnh 1
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Đại học Sorbonne ở Paris vào ngày 5/5

Phát biểu tại Đại học Sorbonne (Paris) trong sự kiện "Chọn châu Âu vì khoa học" do chính phủ Pháp phối hợp với Liên minh châu Âu tổ chức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ quan ngại về xu hướng loại bỏ các chương trình nghiên cứu chỉ vì chúng đề cập đến các khái niệm "đa dạng" - vốn là nền tảng của nhiều chương trình nghiên cứu và chính sách tuyển dụng tại các trường đại học hàng đầu.

Hiện nay, nhiều chương trình nghiên cứu và giảng dạy tại Mỹ đã bị cắt giảm chỉ vì đề cập đến các chủ đề liên quan đến bình đẳng giới, chủng tộc, và đại diện văn hóa. Đồng thời, việc chính phủ can thiệp vào quyền tự chủ của các trường trong việc tuyển dụng nhân sự và lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu bị xem là đe dọa trực tiếp đến sự đa dạng học thuật và tự do tư tưởng.

“Cách đây vài năm, không ai có thể tưởng tượng rằng một trong những nền dân chủ lớn nhất thế giới lại loại bỏ các chương trình nghiên cứu chỉ vì từ 'đa dạng' xuất hiện trong nội dung giảng dạy,” ông Macron nói.

Nhắc đến việc các nhà chức trách Mỹ thu hồi thị thực của nhiều sinh viên, học giả, và các nhà nghiên cứu, ông cho rằng: “Thật khó tin khi một quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc sâu sắc vào khoa học tự do lại có thể phạm phải sai lầm như vậy.”

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen - công bố khoản đầu tư trị giá 566 triệu USD trong hai năm tới, với mục tiêu biến châu Âu thành "nam châm thu hút các nhà nghiên cứu" toàn cầu. Bà khẳng định nguồn tài trợ này sẽ dành cho "những người giỏi nhất và thông minh nhất" từ khắp nơi trên thế giới.

Tương tự Tổng thống Macron, bà von der Leyen không trực tiếp nhắc đến Mỹ, nhưng lên tiếng cảnh báo về môi trường toàn cầu nơi mà "nghiên cứu cơ bản, tự do và cởi mở đang bị nghi ngờ". “Đó là một sai lầm to lớn!” bà nhấn mạnh.

Tại châu Âu, nhiều người tin rằng chính quyền Trump đã rời bỏ lập trường ủng hộ truyền thống của Mỹ đối với tự do, dân chủ và quyền tự do học thuật, khi công khai ủng hộ các nhà lãnh đạo độc tài và chỉ trích giới học thuật trong nước.

Dù gây ra lo ngại, diễn biến này đồng thời mở ra cơ hội cho châu Âu, nơi đang triển khai chiến lược thu hút các nhà khoa học hàng đầu đến với những trường đại học độc lập và năng động – một phần trong nỗ lực rộng lớn nhằm “tái vũ trang” châu Âu như một cường quốc trí thức độc lập.

Về lâu dài, Ủy ban châu Âu có kế hoạch tăng gấp đôi ngân sách hỗ trợ các nhà nghiên cứu chuyển đến châu Âu, đồng thời đưa quyền tự do nghiên cứu khoa học trở thành quy định pháp lý thông qua một văn kiện mang tên Đạo luật Khu vực Nghiên cứu châu Âu.

“Ưu tiên hàng đầu là đảm bảo rằng khoa học tại châu Âu luôn tự do và cởi mở – đó chính là danh thiếp của chúng tôi,” bà von der Leyen khẳng định. “Trong bối cảnh các mối đe dọa đang gia tăng trên toàn cầu, châu Âu sẽ không nhân nhượng với các nguyên tắc của mình. Châu Âu phải tiếp tục là nơi bảo vệ giá trị của tự do khoa học và học thuật”.

Cuộc tấn công của chính quyền Trump vào khoa học và các mối đe dọa nhằm vào các trường đại học là động lực chính thúc đẩy hội nghị tại Paris, với sự tham dự của các bộ trưởng chính phủ và các nhà nghiên cứu hàng đầu từ khắp châu Âu. Trong bối cảnh đó, Mỹ ngày càng bị nhìn nhận như một đối thủ chiến lược, và việc châu Âu mở rộng cánh cửa đón các nhà khoa học Mỹ được xem là một phản ứng dài hạn nhằm đối phó với thách thức này.

Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh thông điệp gửi tới các nhà khoa học trên toàn cầu, đặc biệt là phụ nữ: “Nếu bạn yêu tự do, hãy đến và cùng chúng tôi bảo vệ tự do.”

Ông cũng công bố khoản đầu tư trị giá 113 triệu USD để hỗ trợ các nhà nghiên cứu quốc tế, đồng thời khẳng định điều này không nhằm thay thế các nhà khoa học châu Âu mà để củng cố hệ sinh thái nghiên cứu chung.

Lo ngại của châu Âu bắt đầu gia tăng khi chính quyền Trump thực hiện các biện pháp cắt giảm ngân sách, bao gồm đóng băng tài trợ khoa học và cắt giảm nhân sự tại các tổ chức hàng đầu của Mỹ. Mức độ bất mãn lên cao khi chính phủ Mỹ tiếp tục tấn công các chương trình thúc đẩy sự đa dạng trong học thuật và can thiệp sâu vào quyền tự chủ đại học.

Ông Alan M. Garber, Chủ tịch Đại học Harvard, cảnh báo rằng chính phủ Mỹ đang cố gắng áp đặt cho các trường “ai họ được phép tuyển dụng, và những lĩnh vực nào họ được phép nghiên cứu,” điều chưa từng có tiền lệ trong một nền dân chủ lớn.

Tham khảo The New York Times (NYT)

Vũ Bấc - nguoiquansat.vn

Theo Thị trường tài chính