Để thực hiện tuyến đường sắt này, Việt Nam cần khoảng 300 bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, tuy nhiên hiện tại mới chỉ có 88 bộ.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 342/TB-VPCP, truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình triển khai dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Phó Thủ tướng khẳng định đây là một dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, đóng vai trò động lực phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh – quốc phòng. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương liên quan khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, tái định cư, và lựa chọn một số hạng mục trọng điểm như nhà ga, khu tái định cư để tổ chức lễ khởi động trong năm 2025.
Dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng có chiều dài khoảng 419km, bắt đầu từ điểm nối ray tại biên giới tỉnh Lào Cai nối với đường sắt Trung Quốc, kết thúc tại ga Lạch Huyện (TP. Hải Phòng). Tổng mức đầu tư lên tới 203.231 tỷ đồng, tương đương 8,37 tỷ USD.
![]() |
Cần khoảng 300 bộ tiêu chuẩn cho dự án xây dựng đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng |
Liên quan đến các dự án đường sắt điện khí hóa nói chung và tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng nói riêng, đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết cần khoảng 300 bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, tuy nhiên hiện tại mới chỉ có 88 bộ. Để đảm bảo tiến độ triển khai, Bộ Xây dựng đang gấp rút hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn phù hợp cho các tuyến đường sắt điện khí hóa và tốc độ cao.
Ban Quản lý dự án Đường sắt đã trình báo cáo lên Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng để tham mưu Bộ Xây dựng xây dựng định hướng, báo cáo Chính phủ ban hành hệ thống tiêu chuẩn đầy đủ và cập nhật.
Về tiến độ, công tác biên dịch và thu thập tài liệu đã đạt 88 bộ tiêu chuẩn về đường sắt điện khí hóa, quá trình biên dịch hoàn tất từ 30/5/2025.
Với đường sắt tốc độ cao, Ban đã phối hợp với Đại học Giao thông Vận tải và Đại học Công nghệ GTVT để hoàn tất biên dịch trước ngày 30/6.
Theo Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng, ngành xây dựng hiện sở hữu khoảng 1.476 tiêu chuẩn và 128 quy chuẩn, bao phủ các lĩnh vực quy hoạch, thiết kế, thi công, vật liệu, cơ khí, giao thông… Tuy nhiên, hệ thống này vẫn tồn tại nhiều bất cập về định hướng, mô hình quản lý, quy trình thực hiện và khả năng hội nhập quốc tế.
Riêng trong lĩnh vực đường sắt, đặc biệt là đường sắt đô thị, điện khí hóa và tốc độ cao, hệ thống tiêu chuẩn còn nhiều thiếu hụt. Là cơ quan chủ trì, Cục Đường sắt Việt Nam đã tiến hành rà soát, chuyển đổi gần 11 bộ quy chuẩn, 126 tiêu chuẩn quốc gia và ban hành 36 tiêu chuẩn cơ sở. Hiện nay, Cục cũng đang đề xuất xây dựng thêm 8 bộ tiêu chuẩn Việt Nam phục vụ cho các dự án đường sắt điện khí hóa.
Long Vũ - nguoiquansat.vn
Theo Kiến thức Đầu tư
Bình luận
0 Bình luận