Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ có tuần tăng mạnh nhất một năm trở lại đây, giá dầu quay đầu giảm

Đà tăng trên thị trường chứng khoán Mỹ nối dài sang phiên thứ năm liên tiếp khi thị trường lao động bộc lộ tín hiệu suy yếu, điều mà Cục Dự trữ liên bang (Fed) luôn muốn nhìn thấy trong cuộc chiến chống lại áp lực giá cả trong suốt hơn một năm qua.

https://cdn.stockproxx.com/2023/11/4/chung-khoan-my.jpg

Theo đó, chỉ số chứng khoán Mỹ Dow Jones Industrial Average tăng 222,24 điểm, tương đương 0,66%, lên 34.061,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,94% lên 4.358,34 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng mạnh nhất với 1,38% lên 13.478.28 điểm.

Chốt tuần vừa qua, chỉ số Dow Jones có thêm 5,07%, mạnh nhất kể từ tháng 10/2022. Trong khi đó, hai chỉ số S&P 500, Nasdaq cũng tăng lần lượt 5,85% và 6,61%, tốt nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Trong tháng 10, kinh tế Mỹ ghi nhận 150.000 việc làm mới, thấp hơn dự báo 170.000 đơn vị của Dow Jones và chỉ bằng một nửa so với mức tăng 297.000 đơn vị của tháng 9. Tỷ lệ thất nghiệp tháng vừa qua cũng cao hơn so với tháng trước đó với 3,9%, vượt kỳ vọng của thị trường. Thu nhập bình quân theo giờ của người lao động cũng chỉ tăng 0,2% trong cùng giai đoạn, nằm dưới dự báo tăng 0,3%.

Cùng với số liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp trước đó, báo cáo việc làm tháng 10 giúp củng cố kỳ vọng Fed sẽ không tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới khi quá trình thắt chặt tiền tệ suốt hơn một năm qua đã phát huy tác dụng.

“Báo cáo việc làm mới nhất giúp giải tỏa áp lực lạm phát, kéo giảm nhu cầu tiếp tục tăng lãi suất của Fed. Tuy nhiên, mức tăng thực tế vẫn đủ để thể hiện sức mạnh của nền kinh tế khi cao hơn con số trung tính 100.000”, Michelle Cluver, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Global X, nhận định.

Dữ liệu việc làm thấp hơn kỳ vọng cũng giúp hạ nhiệt đà tăng lợi suất trái phiếu chính phủ, nguyên nhân khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh trước khi bước sang tháng 11. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm “đi lùi” 9 điểm cơ bản xuống còn 4,57%, xa dần ngưỡng 5% thiết lập trong tuần trước, cao nhất 16 năm trở lại đây. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm cũng mất 13 điểm cơ bản, còn 4,8%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu quay lại xu hướng giảm sau phiên đi lên trước đó.

Cụ thể, giá dầu Brent giảm 1,92 USD, tương đương 2,3%, xuống 84,89 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 1,95 USD, hay 2,4%, còn 80,51 USD/thùng. Cả hai chỉ số giá dầu giảm hơn 6% trong tuần vừa qua.

Thủ lĩnh Hezbollah - Sayyed Hassan Nasrallah lần đầu tiên lên tiếng về cuộc xung đột Hamas-Israel khi cảnh báo rủi ro xung đột có thể lan rộng. Tuy nhiên, ông phủ nhận khả năng tạo áp lực đối với Israel tại vùng biên giới với Li Băng.

“Cho tới thời điểm hiện tại, cuộc xung đột chưa gây ra những xáo trộn lớn đối với cung và cầu năng lượng toàn cầu”, John Kilduff, Chuyên gia tới từ Again Capital LLC, nhận định.

Ở một diễn biến khác, một báo cáo độc lập cho thấy hoạt động dịch vụ và doanh số bán lẻ tại Trung Quốc chỉ tăng nhẹ trong tháng 10. Trong khi đó, tình hình tuyển dụng và niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp lại suy yếu. Trước đó, dữ liệu từ Cục Thống kê nước này cho thấy hoạt động sản xuất và dịch vụ đều yếu hơn so với tháng 9.

Tuy nhiên, đà giảm thu hẹp sau khi báo cáo việc làm tại Mỹ được công bố với tốc độ tăng trưởng thấp hơn dự báo, làm gia tăng khả năng Fed sẽ sớm dừng tăng lãi suất. Cũng trong tuần vừa rồi, Ngân hàng trung ương Mỹ đã có lần thứ hai liên tiếp không tăng lãi suất điều hành. Ngân hàng trung ương châu Âu và Anh (BoE) cũng làm điều tương tự trong cuộc họp mới nhất.

Theo Bloomberg