Doanh nghiệp chưa niêm yết

Chuỗi Thanh Hằng Beauty Medi: Vỏ bọc hào nhoáng đang che phủ bức tranh tài chính ảm đạm?

Trong lĩnh vực làm đẹp, Thanh Hằng Beauty Medi được coi là một trong những thương hiệu tiên phong mở đường tại Việt Nam. Thanh Hằng Beauty Medi ra đời từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, việc "làm đẹp" còn lạ lẫm với đông đảo người dân Việt Nam.

Là thương hiệu làm đẹp nổi tiếng lâu năm, Thanh Hằng Beauty luôn biết cách khiến mọi người trầm trồ với mỗi sự kiện đặc biệt của chuỗi. Trong dịp kỷ niệm sinh nhật 35 năm với chủ đề "The Birth of Venus" được đánh giá vô cùng đẳng cấp, được so sánh với các show diễn thời trang quốc tế và quy tu đông đảo những khách mời nổi tiếng đã gây được tiếng vang lớn.

https://cdn.stockproxx.com/2023/11/8/thanh-hang-beauty-1.jpg

"The Birth of Venus" là sự kiện kỷ niệm 35 năm kiến tạo thương hiệu của nữ doanh nhân Đặng Thanh Hằng

Được biết doanh thu mỗi năm của Thanh Hằng Beauty Medi lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là mức lợi nhuận ít ỏi thu về mỗi năm của hệ thống làm đẹp này lại khiến nhiều nhiều người hoài nghi về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp này.

Chân dung bà chủ Thanh Hằng

Bà là chủ của "đế chế làm đẹp "Thanh Hằng Beauty Medi Health Care - Skin Clinic" - Doanh nhân Đặng Thanh Hằng sinh năm 1967 tại Hà Nội với niềm đam mê làm đẹp từ khi còn bé.

Đặng Thanh Hằng khởi nghiệp từ một cửa hàng thẩm mỹ nhỏ ở Chợ Hôm, khi ấy làm đẹp vẫn còn là điều xa xỉ với phụ nữ Việt Nam. Để có thể "chiêu mộ" được những bác sĩ đẳng cấp quốc tế, doanh nhân Thanh Hằng chia sẻ đã phải bay hàng trăm chuyến trong 3 năm mở Beauty Medi. Bởi những bác sĩ danh tiếng chỉ hợp tác với những thương hiệu lớn nhằm đảm bảo đẳng cấp và thương hiệu cá nhân của mình. Không chỉ phải trả mức lương cao, những dụng cụ mà bác sĩ yêu cầu cũng đắt hơn gấp 100 lần thông thường. Dần dần thương hiệu "Thanh Hằng Beauty Medi Health Care - Skin Clinic" đã trở thành thương hiệu uy tín trong lĩnh vực làm đẹp ở thị trường Việt Nam. Xác định tập trung và phân khúc khách hàng cao cấp chuỗi làm đẹp Thanh Hằng thậm chí từng được ví như không có đối thủ ở Việt Nam.

Chuỗi Thanh Hằng Beauty Medi: Vỏ bọc hào nhoáng đang che phủ bức tranh tài chính ảm đạm?
Bà chủ của "đế chế làm đẹp "Thanh Hằng Beauty Medi Health Care - Skin Clinic" - Đặng Thanh Hằng

“Tôi kinh doanh theo lứa tuổi, ở mỗi lứa tuổi, tôi chọn 1 mảng kinh doanh từ kinh doanh cửa hiệu mỹ phẩm xa xỉ những năm 90, tới Ảnh viện áo cưới HongKong - Thanh Hằng Jessica năm 90, rồi Phòng khám thẩm mỹ Thanh Hằng Beauty Medi & phòng khám da liễu H&H. Nhưng tất cả đều không tách rời chữ Đẹp” – chia sẻ của doanh nhân Thanh Hằng.

Kết quả kinh doanh ảm đạm qua những con số biết nói

Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ Trường Giang (Công ty Trường Giang) là công ty chủ quản của Viện chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp Thanh Hằng Beauty Medi (Thanh Hằng Beauty Medi).

Năm 2022, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty Trường Giang đạt 115 tỷ đồng, tăng 83,7 tỷ đồng, tương đương 265% so với con số 31,6 tỷ đồng năm 2021 do ảnh hưởng của thời gian diễn ra đại dịch covid 19.

Tuy nhiên, trong năm 2022, khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi, doanh thu công ty cải thiện mạnh nhưng lợi nhuận vẫn là con số bé tí hon, chỉ đạt 236 triệu đồng. Với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận/vốn của công ty chỉ là… 0,236% - một con số rất khiêm tốn.

Khoản lợi nhuận khiêm tốn 236 triệu đồng không đủ bù đắp cho những khoản thua lỗ trước đó nên tại ngày 31/12/2022, công ty vẫn gánh lỗ lũy kế 20,3 tỷ đồng. Vì vậy, Vốn chủ sở hữu chỉ còn 79,7 tỷ đồng.

Trong năm 2021 và 2020, lợi nhuận sau thuế của công ty cũng chỉ là 251 triệu đồng và 56 triệu đồng.

Chuỗi Thanh Hằng Beauty Medi: Vỏ bọc hào nhoáng đang che phủ bức tranh tài chính ảm đạm?Trong bảng lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền kinh doanh của chuỗi khá bấp bênh trong 3 năm qua. Cụ thể, năm 2020, dòng tiền kinh doanh dương 9,6 tỷ đồng, nhưng năm tiếp theo (2021) lại âm tới 25,3 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Về lý thuyết, dòng tiền âm có nghĩa rằng công ty chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ không thu được tiền về. Rất may, tình trạng âm dòng tiền kinh doanh đã được công ty cải thiện vào năm 2022, với con số dương gần 50 tỷ đồng.

Liên quan đến hoạt động tín dụng, giai đoạn 2020 - 2022, công ty này cũng tích cực đem các tài sản đi thế chấp tại các ngân hàng. Cụ thể, vào tháng 7/2020, Công ty Trường Giang sử dụng 1 xe ô tô nhãn hiệu Mitsubishi Pajero biển số 51A-881.38 và 1 xe ô tô nhãn hiệu Honda CRV biển số 51F-639.27 làm tài sản bảo đảm cho khoản vay tại chi nhánh ngân hàng Indovina Hà Nội.

Đến tháng 2/2021, Công ty Trường Giang tiếp tục sử dụng 1 xe ô tô nhãn hiệu Mitsubishi Pajero biển số 30E-304.40 làm tài sản bảo đảm tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Quang Trung. Tháng 3/2021, sử dụng các thiết bị như máy điều trị sóng siêu âm làm tài sản cho thuê tài chính với Công ty Cho thuê tài chính TNHH MTV Quốc tế Chailease.

Tháng 4/2022, lại sử dụng 1 xe ô tô Volvo XC60 B6 với biển số 51K-239.36 làm tài sản bảo đảm tại Ngân hàng TNHH MTV Shinhan - chi nhánh TP. HCM. Mới đây nhất, hồi tháng 2/2023, Công ty Trường Giang cũng sử dụng 1 ô tô nhãn hiệu KIA có biển số 51K-644.80 làm tài sản bảo đảm Ngân hàng VPBank - chi nhánh Thăng Long.

Con số nợ bất ngờ

Tài sản của công ty tăng đều đặng từ 170 tỷ năm 2020 lên 204 tỷ năm 2021 và cập nhật mới nhất năm 2022 là 258 tỷ đồng.

Trong khi lượng tiền mặt nắm giữ chỉ giao động ở mức vài trăm triệu đồng, thì tài sản của công ty chủ yếu là tài sản dài hạn, đặc biệt là các khoản phải thu, chi phí trả trước và đặc biệt là các khoản đầu tư tài chính.

Trong 3 năm qua, công ty đã chi hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào công ty con và đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Khoản tiền này tăng từ 39 tỷ đồng vào năm 2020, lên mức 71,5 tỷ đồng vào các năm 2021 và 2022.

Chuỗi Thanh Hằng Beauty Medi: Vỏ bọc hào nhoáng đang che phủ bức tranh tài chính ảm đạm?Về nguồn vốn, trong khi vốn chủ sở hữu ngày một sụt giảm từ 101,3 tỷ đồng vào năm 2020, xuống 94,6 tỷ đồng vào năm 2021 và 79,7 tỷ đồng vào năm 2022 thì nợ phải trả của chủ quản công ty Thanh Hằng Beauty Medi lại có chiều hướng tăng mạnh trong 3 năm qua.

Cụ thể, nợ phải trả tăng từ mức 69,1 tỷ đồng vào năm 2020 (tương đương 40% tổng tài sản), lên 109 tỷ đồng vào năm 2021 (tương đương 53% tổng tài sản). Tính đến tháng 12/2022, tổng số nợ phải trả của Thanh Hằng Beauty Medi đã chiếm gần 70% tổng tài sản của doanh nghiệp này, tương đương số nợ là 178,2 tỷ đồng.

Phần lớn nợ phải trả của công ty là nợ dài hạn, trong đó toàn bộ là nợ vay. Nợ vay dài tăng từ mức 53,3 tỷ đồng vào năm 2020, lên 97,5 tỷ đồng vào năm 2021. Đến cuối năm ngoái, nợ vay dài hạn của doanh nghiệp này là 155,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, vào năm 2020 Thanh Hằng Beauty Medi này còn bị tố tư vấn dịch vụ phẫu thuật ngực chưa được cấp phép. Công ty Trường Giang còn gây thắc mắc khi số lao động chính thức trên giấy tờ chỉ có 5 nhân viên theo thông tin về thuế và trong hợp đồng tín dụng, nhưng khi chia sẻ trên báo chí đại diện công ty lại khẳng định công ty có 200 cán bộ nhân viên.

Mai Chi

Theo Kiến thức Đầu tư