Theo kết luận thanh tra, các thương nhân đầu mối kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch kinh doanh riêng của từng đơn vị, cho nên khi nhập khẩu xăng dầu về bán, nhưng bị lỗ thì nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu dừng không nhập khẩu xăng dầu. Trong đó, Công ty TNHH Petro Bình Minh từ năm 2018 đến hết năm 2021 không thực hiện nhập khẩu.
Nguồn cung xăng dầu bị gián đoạn do các doanh nghiệp không nhập đủ số lượng xăng dầu được giao. Ảnh: Nguyễn Tuấn
Nhiều doanh nghiệp không nhập khẩu xăng dầu
Kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, điều hành xăng dầu đã nêu rõ, Bộ Công Thương là cơ quan điều phối khối lượng xăng dầu nhập khẩu và tổng nguồn xăng dầu, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước, nhưng bộ này không hướng dẫn, quản lý các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu xăng dầu theo quý. Hệ quả dẫn đến không có kế hoạch, tiến độ chung để quản lý.
Cũng theo kết luận thanh tra, các thương nhân đầu mối kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch kinh doanh riêng của từng đơn vị, cho nên khi nhập khẩu xăng dầu về bán, nhưng bị lỗ thì nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu dừng không nhập khẩu xăng dầu.
Trong đó, Công ty TNHH Petro Bình Minh (từ năm 2018 đến hết năm 2021) và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tổng hợp Hòa Khánh (từ năm 2019 đến hết năm 2021) đều không thực hiện nhập khẩu.
Đến cuối năm, các đơn vị chưa nhập khẩu xăng dầu đủ hạn mức tối thiểu lại báo cáo Bộ Công Thương xin điều chỉnh. Mặc dù, các văn bản của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không nêu rõ lý do điều chỉnh hoặc lý do không phù hợp, thời gian gửi báo cáo chậm hơn theo quy định, nhưng đều được Bộ Công Thương chấp thuận.
Trao đổi với Lao Động về vấn đề này ngày 8.1, TS Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, việc nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối đã được Bộ Công Thương phân giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp.
Khi đã phân giao, Bộ Công Thương phải kiểm tra xem doanh nghiệp có nhập không, nhập thế nào, có đảm bảo hạn mức không? Trong trường hợp này, Bộ Công Thương không kiểm tra, hoặc kiểm tra cho có, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không thực hiện chức trách của mình.
"Việc không kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có dòng tiền từ vay ưu đãi từ ngân hàng sử dụng trái mục đích, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản.
Khi thị trường này biến động mạnh mẽ, cuốn vào “cơn lốc” suy giảm thì nguồn tiền của những doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu kia cũng bị ảnh hưởng", ông Phong nói.
Để xảy ra tình trạng này, ông Phong cho rằng, còn có trách nhiệm của các ngân hàng thương mại. Bởi ngân hàng khi cho doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có khoản vay ưu đãi thì phải kiểm tra, giám sát dòng tiền vốn vay như thế nào, thực hiện có đúng mục đích không, nhất là đây lại là vay ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, tránh tình trạng doanh nghiệp không nhập khẩu xăng dầu phục vụ thị trường trong nước, theo TS Nguyễn Minh Phong, thời gian tới nên thay đổi hình thức dự trữ quốc gia, và nên thành lập quỹ dự trữ quốc gia riêng về xăng dầu.
Nhà nước cũng nên sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, có thể học kinh nghiệm ban hành Luật Dự trữ nguyên liệu xăng dầu như Nhật Bản… đồng thời, nên đầu tư cho hệ thống dự trữ xăng dầu, bảo đảm mạch máu của nền kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp không thực hiện đủ tổng nguồn nhập khẩu xăng dầu được giao. Ảnh: Nguyễn Hải
Bộ Công Thương điều hành thiếu công bằng
Theo kết luận thanh tra, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có vai trò như nhau, nhưng do cách quản lý, điều hành thiếu khách quan, công bằng của Bộ Công Thương, dẫn đến một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải thực hiện nhiệm vụ của một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu còn lại. Do đó, nhiều thương nhân không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ khi cần thiết.
Kết luận thanh tra nêu dẫn chứng, năm 2022, Bộ Công Thương chỉ giao cho 10/32 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu trong quý II/2022 với tổng sản lượng là 2,4 triệu m3 xăng dầu, nhưng có 9/10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập thiếu 589.035 m3 xăng; 6/10 nhập thiếu 628.637 tấn dầu.
Qua đó cho thấy, trong trường hợp nguồn cung xăng dầu đòi hỏi cấp thiết, việc điều hành xuất, nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công Thương không hiệu quả. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu.
Cũng theo kết luận thanh tra, từ ngày 1.1.2017 đến ngày 31.12.2021, có 27 thương nhân đầu mối với 48 lượt đơn vị nhập khẩu xăng dầu không đạt hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công Thương đã kiểm tra và xử lý 6 đơn vị, còn 26 thương nhân đầu mối với 42 lượt vi phạm chưa được kiểm tra, xử lý.
Cường Ngô
Theo Báo Lao Động
Bình luận
0 Bình luận