Châu Á

Cuộc đua quyền lực kinh tế: Châu Á đứng trước ngã rẽ lịch sử?

Việc duy trì thế cân bằng giữa hai siêu cường không hề đơn giản. Nhiều nền kinh tế sản xuất quan trọng ở châu Á đã tận dụng lợi thế khi vừa giữ quan hệ tốt với Bắc Kinh, vừa có liên kết chặt chẽ với Mỹ.

Các nhà lãnh đạo châu Á luôn tránh việc phải chọn phe. Tuy nhiên, chiến lược "đi dây" này ngày càng trở nên mong manh khi các thỏa thuận thương mại toàn cầu đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, kéo theo những tác động đáng kể.

Dù "friendshoring" (dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia thân thiện) hay "China+1" (đa dạng hóa sản xuất ngoài Trung Quốc) thì đây chưa bao giờ là một cuộc rút lui hoàn toàn khỏi nền kinh tế lớn nhất châu Á, mà chỉ là cách để giảm rủi ro.

Cuộc đua quyền lực kinh tế: Châu Á đứng trước ngã rẽ lịch sử? - ảnh 1
Trung Quốc vẫn là công xưởng lớn nhất thế giới

Bài phát biểu của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim năm ngoái đã thể hiện rõ điều này: "Chúng tôi tự hào là một quốc gia trung lập và phi liên kết nhất", ông tuyên bố.

Ẩn sau những tuyên bố này là một câu hỏi hóc búa: Liệu nỗ lực của Mỹ nhằm giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc chỉ là một xu hướng tạm thời, hay đây là sự chuyển dịch mang tính chiến lược và lâu dài?

Tổng thống Donald Trump đã phần nào đưa ra câu trả lời. Đừng để bị phân tâm bởi những đồn đoán xoay quanh việc liệu thuế quan đối với Canada và Mexico có thực sự được áp dụng hay không.

Mới đây, ông Trump đưa ra hàng loạt tuyên bố mâu thuẫn về kế hoạch dành cho hai nước láng giềng. Việc áp thuế đối với họ sẽ không dễ dàng, đặc biệt khi chính ông từng ca ngợi thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) được ký kết trong nhiệm kỳ đầu của mình là một “mô hình lý tưởng”.

Tuy nhiên, một bản ghi nhớ mới được công bố nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ, năng lượng và nhiều ngành công nghiệp trọng yếu của Mỹ có thể là tín hiệu rõ ràng hơn về định hướng hiện tại của ông Trump. Đồng thời, ông cũng đang gây sức ép buộc Mexico kiểm soát lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, khi con số này ngày càng gia tăng.

Tương lai của thương mại không chỉ phụ thuộc vào điểm trung chuyển mà còn ở chính nơi sản xuất. Điều này báo hiệu một làn sóng gián đoạn thương mại mới, đồng thời làm gia tăng sức hút của các liên minh khu vực.

“Trong giai đoạn tiếp theo của quá trình 'nearshoring' (đưa chuỗi cung ứng về gần hơn với Mỹ), chúng tôi dự báo áp lực di dời năng lực sản xuất sẽ gia tăng”, các nhà kinh tế Seth Carpenter và Rajeev Sibal của Morgan Stanley nhận định. “Việc chỉ đơn thuần để hàng hóa đi qua các đối tác thân thiện sẽ không còn đủ nữa”, họ nhấn mạnh.

Quá trình chuyển dịch này không thể diễn ra ngay lập tức. Trung Quốc vẫn là công xưởng lớn nhất thế giới và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu để duy trì tăng trưởng, đặc biệt khi tiêu dùng nội địa còn yếu và thị trường bất động sản vẫn chìm trong khủng hoảng.

Về phía Mỹ, việc xây dựng lại một nền sản xuất đa dạng trong nước sẽ mất nhiều thời gian, nếu không muốn nói là khó khả thi. Điều này có thể khiến Mexico và Canada trở thành những mắt xích quan trọng hơn trong chiến lược công nghiệp của Mỹ, thay vì bị gạt ra ngoài lề.

Nếu các chuỗi cung ứng giá rẻ, hiệu quả và có tính linh hoạt cao không còn được ưu tiên, áp lực lạm phát có thể kéo dài trong nhiều năm tới. Trong khi đó, các nền kinh tế châu Á có khả năng sẽ ngày càng gắn chặt hơn với quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc.

Đối với việc toàn cầu hóa, sự phản đối chủ yếu nhắm vào lĩnh vực sản xuất, trong khi ngành dịch vụ ít chịu ảnh hưởng hơn. Đồng USD vẫn giữ vị thế là đồng tiền dự trữ hàng đầu, và trái phiếu Kho bạc Mỹ vẫn là tài sản tài chính quan trọng bậc nhất. Tuy nhiên, trong ngành công nghiệp chế tạo, một sự thay đổi sâu rộng đang diễn ra.

Câu hỏi đặt ra là quá trình này sẽ diễn ra theo hướng nào, và làm sao để các đồng minh chiến lược quan trọng của Mỹ ngoài khu vực Bắc Mỹ, như Nhật Bản và Hàn Quốc, không bị gạt ra ngoài lề. Chuỗi cung ứng luôn thay đổi theo thời gian, nhưng lần này, chúng sẽ phải chứng tỏ khả năng thích ứng và sức bền hơn bao giờ hết.

Chu My - nguoiquansat.vn

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn