Giải trí

Diễu binh, diễu hành kỷ niệm 30/4 khác duyệt binh như thế nào?

Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 30/4 tới đây, tại TPHCM sẽ diễn ra lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia. Nhiều người băn khoăn diễu binh, diễu hành là gì? Diễu binh và duyệt binh khác nhau như thế nào?

Diễu binh, diễu hành

Chia sẻ với VietNamNet, Đại tá Dương Văn Thụy, nguyên Trưởng ban Tổng kết và biên soạn lịch sử, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam cho biết: Diễu binh là hoạt động di chuyển có tổ chức của các đơn vị quân đội hoặc lực lượng vũ trang trên đường phố hoặc quảng trường.

Các đội hình diễu binh thường bước đều, mang theo cờ, vũ khí, phương tiện quân sự để phô diễn sức mạnh quân sự.

w anh 5 khoi quan nhac 36907.jpg
Khối nữ quân nhạc tham gia tổng duyệt lễ diễu binh nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: VietNamNet

Mục đích chính là tuyên truyền, thể hiện sức mạnh của quốc gia và tạo khí thế trong các dịp lễ lớn như ngày Quốc khánh hoặc kỷ niệm chiến thắng lịch sử.

Còn diễu hành trong từ điển tiếng Việt do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên viết nêu rõ: “Diễu hành: Đoàn người đi thành hàng ngũ diễu qua trước lễ đài hoặc trên đường phố để biểu dương sức mạnh”.

Khi nào duyệt binh?

Đối với lễ duyệt binh, Đại tá Dương Văn Thụy cho biết, đây là một nghi thức trang trọng, thể hiện sức mạnh quân sự, tinh thần kỷ luật và sự uy nghiêm của lực lượng vũ trang. Đây cũng là dịp để quân đội ra mắt, biểu dương lực lượng trước công chúng và các lãnh đạo cấp cao của đất nước.

“Do đó, thành phần tham gia duyệt binh thường là các lực lượng quân sự tinh nhuệ thuộc nhiều quân, binh chủng khác nhau. Ngoài vũ khí cá nhân, các đơn vị duyệt binh còn trình diễn nhiều loại khí tài, thiết bị quân sự hiện đại như: xe tăng, xe bọc thép, pháo binh, máy bay… nhằm khẳng định tiềm lực quân sự và sức mạnh quốc phòng của quốc gia", Đại tá Thụy chia sẻ.

Như vậy duyệt binh và diễu binh tuy có nhiều điểm tương đồng nhau nhưng khác biệt rõ nét nhất là về mục đích thực hiện. Mục đích của duyệt binh mang tính chất kiểm tra trình độ tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, thể hiện sức mạnh, tinh thần của quân đội, sự đánh giá của chỉ huy đối với các lực lượng.

Mục đích của diễu binh là nhằm cổ vũ, biểu dương lực lượng vũ trang trước công chúng hoặc chào mừng các sự kiện lớn của đất nước.

"Tuy khác nhau về mục đích nhưng duyệt binh và diễu binh đều là những hoạt động góp phần củng cố tinh thần yêu nước, niềm tự hào của dân tộc và khẳng định sức mạnh, vị thế to lớn của lực lượng vũ trang nhân dân”, Đại tá Dương Văn Thụy nói.

vna_potal_quang_truong_ba_dinh_–_noi_ghi_dau_nhieu_su_kien_trong_dai_cua_dat_nuoc_111738981_stand.jpg
Lực lượng quân đội tham gia duyệt binh năm 1955. Ảnh: TTXVN

Tại Việt Nam, các lễ duyệt binh thường được tổ chức vào những dịp trọng đại trong lịch sử dân tộc, đặc biệt là vào các ngày lễ kỷ niệm lớn. Một số lễ duyệt binh ở Hà Nội tiêu biểu từng diễn ra gồm:

Ngày 1/1/1955: Lễ duyệt binh đầu tiên của QĐND Việt Nam, tổ chức tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, nhằm ra mắt lực lượng sau chiến thắng lịch sử tại Điện Biên Phủ.

Ngày 2/9/1975: Lễ duyệt binh đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử dân tộc khi non sông thu về một mối.

Ngày 2/9/1985: Một trong những cuộc duyệt binh lớn nhất, kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam. Sự kiện có sự tham gia của khoảng 30.000 người cùng nhiều khí tài, thiết bị quân sự hiện đại.

N. Huyền - nguoiquansat.vn

Theo vietnamnet.vn