Sau khi các lãnh đạo Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ tiếp tục đàm phán thay vì lập tức đưa ra biện pháp trả đũa, các doanh nghiệp vẫn không thể xây dựng kế hoạch dài hạn.
Lời đe dọa mới nhất từ Tổng thống Donald Trump vào thứ Bảy vừa qua – áp mức thuế 30% đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU – khiến các doanh nghiệp đối mặt với mức thuế chưa từng thấy kể từ cuối thế kỷ 19. Điều tồi tệ hơn, theo nhiều doanh nghiệp, là họ đang rơi vào trạng thái lấp lửng, không thể đưa ra quyết định chiến lược, tuyển dụng hay đầu tư.
“Phải thành thật mà nói, mức thuế 30% là rào cản gần như không thể vượt qua đối với thương mại song phương”, ông Maros Sefcovic – Ủy viên thương mại EU – phát biểu trước báo giới tại Brussels hôm thứ Hai. “Tình trạng bất ổn hiện tại do các mức thuế không có căn cứ gây ra không thể kéo dài mãi được”, ông nói thêm.

Liên minh châu Âu hiện là khối xuất khẩu lớn nhất sang Hoa Kỳ, chiếm 600 tỷ USD trong tổng số 3,2 nghìn tỷ USD hàng hóa nhập khẩu hàng năm của Mỹ.
Lời đe dọa mới nhất của ông Trump nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì doanh nghiệp châu Âu từng dự đoán. Nhiều công ty vẫn đang vận hành dựa trên giả định rằng các nhà đàm phán EU sẽ đạt được thỏa thuận giữ mức thuế 10% như đề xuất ban đầu của ông Trump, đồng thời tìm kiếm nhượng bộ trong các ngành then chốt như ô tô, thép và nhôm. Kể từ tháng 4, ông Trump đã liên tục thay đổi – từ dọa nâng thuế lên 20%, rồi 50%, rồi lại rút lại – khiến các lãnh đạo doanh nghiệp hoang mang.
Các công ty kỳ vọng cuối cùng sẽ đạt được một thỏa thuận có lợi hơn, nhưng cái giá phải trả cho chính sách thuế “như tàu lượn siêu tốc” đang ngày càng tăng khi thời hạn chót 1/8 do ông Trump đặt ra đang đến gần.
“Ngay cả khi đàm phán giúp tránh được mức thuế cao nhất, thì thời gian kéo dài quá lâu vẫn gây tổn thất kinh tế ngày một lớn”, ông Salomon Fiedler, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Berenberg, nhận định.
Nhiều công ty châu Âu ngần ngại không muốn công khai chỉ trích chính sách thuế, đặc biệt là các thương hiệu nổi tiếng với người tiêu dùng Mỹ. Các lãnh đạo doanh nghiệp lo sợ sẽ trở thành mục tiêu bị ông Trump công kích trên mạng xã hội.

Các đối tác kinh doanh của họ tại Mỹ cũng dè chừng không dám lên tiếng, ngay cả khi họ buộc phải gánh chịu mức giá cao hơn – và có thể sẽ chuyển phần chi phí đó sang người tiêu dùng Mỹ.
“Từ góc độ truyền thông, không doanh nghiệp nào muốn bị ông Trump điểm tên trên mạng xã hội”, bà Nadia Lovell, chiến lược gia cổ phiếu cấp cao tại UBS, cho biết trong một cuộc họp báo tuần trước.
Ông David Deissner, Giám đốc Quỹ Doanh nghiệp Gia đình Đức – tổ chức đại diện cho khoảng 600 công ty tại Đức – cho biết, nhiều công ty mô tả tình trạng hiện tại giống như “liên tục chuyển từ phanh sang ga”, đầy bất trắc.
Sự hỗn loạn này khiến các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu mỗi ngày đều phải trả lời hàng loạt câu hỏi: Sản xuất ở đâu, như thế nào để tránh thuế khi xuất sang Mỹ? Có nên gánh bớt chi phí thuế để chia sẻ với khách hàng Mỹ không?
“Ngay trong cùng một cuộc họp, các công ty khác nhau lại nói các cách khác nhau về sản phẩm mình sản xuất và cách họ ‘lách thuế’”, bà Eleonora Catella – Phó Giám đốc phụ trách đối ngoại tại BusinessEurope, tổ chức vận động hành lang đại diện cho các liên đoàn doanh nghiệp quốc gia ở châu Âu – cho biết.
Đặc biệt, các công ty sản xuất máy móc – từ máy bay, ô tô đến tủ lạnh – đang cân nhắc chuyển một phần hoạt động sang các quốc gia có mức thuế thấp hơn, hoặc gửi sản phẩm chưa hoàn chỉnh sang Mỹ để lắp ráp tại chỗ, bà Catella cho biết.
Tuy nhiên, họ cũng lo ngại các quốc gia mới nơi họ chuyển sản xuất có thể lại bị áp thuế bất ngờ trong tương lai, bà cảnh báo. “Họ hiểu rõ rằng đây chưa phải là hồi kết của câu chuyện”, bà nói.
Lời đe dọa mới của ông Trump có thể gây tổn hại sâu hơn đến nền kinh tế châu Âu, dù các công ty đang tìm mọi cách để giảm thiểu tác động.
Tổng Liên đoàn châu Âu (ETUC) cảnh báo hôm thứ Hai rằng mức thuế 20% có thể khiến ít nhất 700.000 việc làm tại EU bị đe dọa – chưa kể các mức thuế riêng cho từng ngành như ô tô, thép… Nếu mức thuế 30% thực sự được áp dụng, “hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn nhiều”, tổ chức này nhấn mạnh.
Tại Pháp, Viện Chính sách Vĩ mô và Quốc tế Paris cho biết, xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm tới 2%, đặc biệt nếu chính quyền Mỹ liên tục đưa ra các tuyên bố trái ngược và đột ngột. Chính phủ Pháp hiện đang thúc đẩy EU tăng tốc đàm phán thương mại với Úc và nhiều nước châu Á. Tuy nhiên, ngay cả khi doanh nghiệp Pháp mở rộng được thị trường mới, “điều đó cũng không thể bù đắp cho tổn thất từ thị trường Mỹ”, báo cáo cảnh báo.
Bộ Kinh tế Đức ngày thứ Hai cũng nhận định, thuế quan sẽ là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế Đức trong nửa cuối năm. Xuất khẩu của Đức sang Mỹ trong tháng 5 đã giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tệ hơn nữa, nhiều doanh nghiệp tin rằng ngay cả khi một thỏa thuận được ký kết trước ngày 1/8, nó vẫn có thể bị đảo ngược chỉ bằng một bài đăng trên mạng xã hội của ông Trump bất kỳ lúc nào.
“Chuyến tàu lượn thuế quan này sẽ còn tiếp diễn”, bà Inga Fechner, chuyên gia kinh tế cấp cao về thương mại toàn cầu tại Ngân hàng ING, nhận định. “Nếu ông Trump không hài lòng với thực tiễn thương mại, ông ấy hoàn toàn có thể đe dọa bằng những mức thuế mới”.
Theo The New York Times
Nhật Hạ - nguoiquansat.vn
Theo Thị trường tài chính
Bình luận
0 Bình luận