Kinh tế thế giới

‘Đòn thuế’ của ông Trump lộ điểm yếu trước sự cứng rắn của Trung Quốc

Sau hơn một tháng căng thẳng, thỏa thuận giảm thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đã phơi bày sự bế tắc trong chiến lược áp thuế của Tổng thống Trump, khi chiến lược gây áp lực không thể đẩy lùi một Trung Quốc cứng rắn và quyết liệt.

Sắc lệnh mà Tổng thống Donald Trump ký đầu tháng 4, áp thuế 145% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, từng được xem là minh chứng rõ nét cho sức mạnh chính sách thương mại Mỹ. Tuy nhiên, chỉ sau vài tuần, hiệu ứng lan rộng toàn cầu của nó lại buộc chính quyền Washington phải nhanh chóng đánh giá lại tính bền vững của biện pháp cứng rắn này.

Các rào cản thuế quan do Mỹ áp đặt đã khiến chuỗi cung ứng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gần như tê liệt. Nhiều doanh nghiệp Mỹ buộc phải xoay trục nhập khẩu sang các thị trường khác có mức thuế ưu đãi hơn. Trong khi đó, hàng loạt nhà máy tại Trung Quốc buộc phải đóng cửa, còn các nhà nhập khẩu Mỹ thì đối mặt với nguy cơ phá sản. Nhưng chính những tổn thất này lại khiến Mỹ trở thành bên chịu áp lực đầu tiên phải nhượng bộ.

z6603109037910_1eccc7315cf93042e0dc9d8b09785bb3.jpg
Các rào cản thuế quan do Mỹ áp đặt đã khiến chuỗi cung ứng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gần như tê liệt

Cuộc đàm phán tại Geneva cuối tuần qua đã khép lại với một kết quả bất ngờ: thuế suất giữa hai nước giảm mạnh, vượt ngoài dự đoán của nhiều nhà phân tích. Thuế nhập khẩu vào Mỹ đối với hàng Trung Quốc hạ từ 145% xuống còn 30%, trong khi Trung Quốc cũng điều chỉnh thuế hàng hóa Mỹ từ 125% xuống 10%. Hai bên đồng thuận nối lại đối thoại, hướng đến ổn định quan hệ song phương.

Áp lực trong nước khiến Mỹ "xuống thang"

Dù ban đầu thể hiện lập trường cứng rắn, chính quyền Trump đã phải đối diện với thực tế rằng mức thuế cao là con dao hai lưỡi. Nhiều doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là các nhà bán lẻ và sản xuất, nhanh chóng cảm nhận hậu quả: giá thành tăng, nguồn hàng khan hiếm, chi phí sản xuất leo thang. Giới chức kinh tế Mỹ đã phải thừa nhận rằng con đường đối đầu thuế quan với Trung Quốc không thể kéo dài.

"Chúng tôi đi đến kết luận rằng cả hai nước đều có lợi ích chung và không bên nào mong muốn tách rời hoàn toàn", Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent phát biểu tại Geneva – một tuyên bố trái ngược hẳn với các quan điểm cứng rắn trước đó của ông.

Bản thân Tổng thống Trump cũng dần thay đổi giọng điệu. Từ chỗ khẳng định Mỹ nắm thế thượng phong, ông nay tuyên bố chỉ cần Trung Quốc đồng ý đàm phán đã là một thắng lợi. "Nếu không đạt được thỏa thuận trong 90 ngày tới, mức thuế sẽ tăng trở lại, dù không tới 145%", ông nói hôm 12/5.

Trung Quốc kiên định

Trong hơn một tháng đối mặt với áp lực thuế quan khốc liệt, Trung Quốc không nhượng bộ mà giữ vững lập trường, đồng thời mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác. Số liệu tháng 4 cho thấy hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại tăng tương ứng 21% với các quốc gia Đông Nam Á. Điều này cho thấy Bắc Kinh vẫn có dư địa để duy trì đà xuất khẩu.

Giới quan sát nhận định Trung Quốc đã đúng khi lựa chọn phản ứng quyết liệt thay vì lùi bước trước sức ép từ Mỹ. “Thỏa thuận Geneva là một bước rút lui gần như hoàn toàn của Washington. Chủ tịch Tập Cận Bình đã đúng khi chọn cách đáp trả mạnh mẽ”, Scott Kennedy, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.

Đình chiến nhưng tương lai vẫn bất định

Dù việc hạ thuế tạo ra "khoảng thở" tạm thời cho doanh nghiệp hai bên, các chuyên gia cho rằng 90 ngày là quá ngắn để giải quyết tận gốc những bất đồng thương mại kéo dài suốt nhiều năm. “Chưa từng có tiền lệ cho việc tái khởi động thương mại nhanh chóng như thế này. Các công ty cần thời gian để điều chỉnh”, Giám đốc Cảng Los Angeles Gene Seroka đánh giá.

Wendy Cutler, Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, nhận định ba tháng là không đủ để tháo gỡ các tranh chấp sâu sắc, đặc biệt là vấn đề thặng dư thương mại ngày càng lớn của Trung Quốc. "Thông thường, những cuộc đàm phán như vậy kéo dài cả năm", bà nói.

Trong khi đó, chính quyền Trump xem việc tái khởi động thỏa thuận thương mại năm 2020 – vốn từng thất bại vì Trung Quốc không thực hiện cam kết mua hàng Mỹ – như một nền tảng cho các cuộc thương lượng mới. Bộ trưởng Bessent cho rằng đây có thể là "điểm khởi đầu", đồng thời hé lộ mục tiêu sẽ là mở rộng thị trường Trung Quốc cho doanh nghiệp Mỹ.

Không ít nhà phân tích tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục dùng các công cụ gây áp lực như thuế quan và vấn đề kiểm soát fentanyl – một loại ma túy tổng hợp gây nhức nhối trong xã hội Mỹ – để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ. Tuy nhiên, khả năng thành công vẫn còn bỏ ngỏ.

“Cả hai bên đã tự mở ra cho mình một cơ hội đàm phán, nhưng không ai dám chắc Trung Quốc sẽ chấp nhận những gì”, Myron Brilliant, cố vấn cấp cao tại DGA-Albright Stonebridge Group, nhận định.

Thanh Lê - nguoiquansat.vn

Theo Thị trường tài chính