Bất động sản

Dù lãi suất đã giảm mạnh, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội vẫn khó giải ngân

Tính đến nay, mới có 97 dự án nhà ở xã hội tại 38/64 tỉnh, thành phố được công bố đủ điều kiện vay vốn.

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo kết quả thực hiện giám sát chuyên đề và trả lời chất vấn gửi Quốc hội, trong đó cập nhật tiến độ triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Triển khai từ tháng 4/2023 theo Nghị quyết 33, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được kỳ vọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.

Lãi suất cho vay của gói này thấp hơn 1,5-2% so với mặt bằng lãi suất trung và dài hạn của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước trong từng thời kỳ.

Kể từ khi triển khai, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, từ tháng 7 đến tháng 12/2023, lãi suất cho người mua nhà và chủ đầu tư lần lượt ở mức 8,2% và 8,7%. Sang nửa đầu năm 2024, mức lãi suất giảm xuống còn 7,5-8%, tiếp tục giảm thêm 1% trong nửa cuối năm. Từ đầu năm 2025, lãi suất cho vay đối với chủ đầu tư là 6,6%, còn người mua nhà là 6,1%.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Như vậy, tổng mức giảm lãi suất của gói tín dụng này đã vượt 2% kể từ khi triển khai, hiện thấp hơn mức vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100 (khoảng 6,6%/năm).

Về quy mô, chương trình đã được mở rộng lên 145.000 tỷ đồng với sự tham gia thêm của 5 ngân hàng thương mại cổ phần gồm HDBank, TPBank, VPBank, MBBank và Techcombank, mỗi đơn vị cam kết cho vay 5.000 tỷ đồng, bên cạnh 4 ngân hàng thương mại Nhà nước.

Dù vậy, tiến độ giải ngân vẫn rất chậm. Tính đến nay, mới có 97 dự án nhà ở xã hội tại 38/64 tỉnh, thành phố được công bố đủ điều kiện vay vốn. Tổng số tiền đã giải ngân ước đạt 3.400 tỷ đồng, tương đương hơn 2% quy mô gói tín dụng. Trong đó, khoảng 2.940 tỷ đồng giải ngân cho 21 dự án của chủ đầu tư, phần còn lại dành cho người mua nhà. Riêng 4 tháng đầu năm 2025, số vốn giải ngân đạt hơn 550 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng chỉ ra một số nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này, bao gồm nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, nhiều chủ đầu tư chưa đủ điều kiện vay vốn, không đáp ứng được yêu cầu về dư nợ và tài sản bảo đảm.

Ngoài ra, lãi suất vay dù đã giảm nhưng vẫn bị đánh giá là cao, thời hạn vay ngắn, khiến doanh nghiệp và người dân khó tiếp cận. Quy trình xác định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp, gây cản trở trong quá trình vay vốn ưu đãi.

Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng đề xuất cho phép các ngân hàng thương mại mở rộng chỉ tiêu, hạn mức tín dụng, theo hướng phần dư nợ cho vay nhà ở xã hội sẽ không tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã đồng thuận với đề xuất này, khẳng định khoản tín dụng 145.000 tỷ đồng từ 9 ngân hàng tham gia sẽ không tính vào hạn mức tín dụng chung.

Chính sách này sẽ được thực hiện đến năm 2030, với doanh số cho vay không vượt quá số tiền các ngân hàng đã đăng ký.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện cam kết về lãi suất ưu đãi, thời gian cho vay, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư dự án đủ điều kiện để giải ngân kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn vay nhà ở xã hội.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng gói tín dụng mới trị giá 30.000 tỷ đồng trong năm 2024, nhằm hỗ trợ người dân vay mua, thuê, xây dựng hoặc cải tạo nhà ở xã hội.

Việt Hoàng - nguoiquansat.vn

Theo reatimes.vn