Diễn biến này xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ kinh tế với Nga và đẩy mạnh thương mại ở những lĩnh vực không liên quan đến trừng phạt.
Theo hãng tin Bloomberg, ngày 16/1, các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đang thắt chặt hạn chế cấp vốn cho khách hàng Nga sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các công ty tài chính nước ngoài với cáo buộc hỗ trợ Moskva trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Vào tháng 12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp cho phép “các biện pháp trừng phạt thứ cấp nhằm vào các tổ chức tài chính” hợp tác với các doanh nghiệp liên quan đến tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga.
Các hạn chế mới cho phép Washington nhắm mục tiêu vào các tổ chức đang cung cấp hàng hóa và dịch vụ tài chính cho Nga và tạo điều kiện cho các giao dịch xuyên biên giới. Các ngân hàng bị trừng phạt sẽ bị từ chối truy cập vào hệ thống tài chính Mỹ.
Cụ thể, ít nhất hai ngân hàng đã yêu cầu xem xét lại hoạt động kinh doanh ở Nga của họ trong những tuần gần đây, tập trung vào các giao dịch xuyên biên giới, đồng thời yêu cầu giấu tên khi thảo luận về một vấn đề nội bộ. Theo đó, các ngân hàng sẽ cắt đứt quan hệ với các khách hàng nằm trong danh sách trừng phạt và sẽ ngừng cung cấp bất kỳ dịch vụ tài chính nào cho ngành công nghiệp quân sự Nga bất kể loại tiền tệ hay địa điểm giao dịch.
![]() |
Các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đang thắt chặt kiểm soát việc cấp vốn dối với khách hàng Nga |
Những người cho vay đang tăng cường thẩm định khách hàng, bao gồm kiểm tra xem đăng ký kinh doanh, người thụ hưởng được ủy quyền và người kiểm soát cuối cùng của họ có đến từ Nga hay không. Họ cho biết, việc xem xét sẽ được mở rộng với các khách hàng không phải người Nga tiến hành kinh doanh ở Nga hoặc chuyển các mặt hàng quan trọng sang Nga thông qua một nước thứ ba.
Động thái này đánh dấu sự leo thang các biện pháp kiềm chế mà các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã áp dụng ít nhất là từ đầu năm 2022, sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra, dẫn đến làn sóng trừng phạt từ các nước phương Tây nhằm vào Nga.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết vào tháng trước rằng họ sẽ sử dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các ngân hàng tạo điều kiện cho Nga thực hiện các thỏa thuận mua sắm thiết bị cần thiết liên quan đến hoạt động quân sự ở Ukraine, mở rộng cuộc chiến tài chính nhằm vào Moskva.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã tăng mạnh trong thời gian nổ ra xung đột ở Ukraine và Bắc Kinh đã trở thành nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn nhất của Moskva, với lượng than xuất khẩu tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2020.
Trong bối cảnh bị các quốc gia phương Tây áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt, Nga đã thúc đẩy mối quan hệ với Trung Quốc. Với việc mất đi thị trường năng lượng phương Tây, Nga ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào doanh thu từ hoạt động xuất khẩu dầu sang Trung Quốc.
Trong năm đầu tiên Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã cho Moscow vay hàng tỷ USD khi các ngân hàng phương Tây ngừng hoạt động tại nước này.
Các lệnh trừng phạt đã tước đi khả năng tiếp cận của ngân hàng trung ương Nga với khoảng một nửa dự trữ quốc tế của nước này, khiến họ chỉ sở hữu vàng và nhân dân tệ.
Việc sử dụng đồng tiền Trung Quốc đã tăng lên với tỷ trọng thanh toán bằng đồng nhân dân tệ tăng lên 27% tính đến tháng 9 năm ngoái, so với mức 15% vào cuối năm 2021.
>> 'Gã khổng lồ tài chính' Zhongzhi được Toà án chấp nhận đơn xin phá sản
Bình luận
0 Bình luận