Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với tình trạng thiếu cá tuyết, nguyên liệu chính được sử dụng trong nhiều món ăn truyền thống trên khắp lục địa, Hiệp hội ngành đánh cá Nga nói với hãng tin TASS.
German Zverev, Giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất cá toàn Nga cho biết, sản lượng thu hoạch giảm cùng với các hạn chế thương mại với Nga, nước sản xuất cá tuyết hàng đầu thế giới, đã đẩy giá sản phẩm tăng cao, buộc một số nước EU phải tìm kiếm các lựa chọn rẻ hơn.
“Mặc dù giá tăng đáng kể, một số người tiêu dùng vẫn chưa thể thích ứng, trong khi đó nhiều người đã chọn các sản phẩm cá trắng rẻ hơn, chủ yếu là cá minh thái”, giám đốc nhận định.
Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với tình trạng thiếu cá tuyết, nguyên liệu chính được sử dụng trong nhiều món ăn truyền thống trên khắp lục địa. Ảnh minh họa: RT.
Trích dẫn một báo cáo gần đây của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), ông tuyên bố rằng các doanh nghiệp chế biến cá đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung phù hợp. Theo ông, thị trường đã trở nên mất cân bằng do nhu cầu ổn định và nguồn cung giảm dần.
Báo cáo mới nhất của FAO đã cảnh báo về “sự sụt giảm đáng kể” trữ lượng cá tuyết Đại Tây Dương trong năm nay. Tài liệu cho biết ngành công nghiệp chế biến cá cũng bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Nga.
“Lệnh cấm thương mại với Liên bang Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine đang gây thiệt hại cho các nhà chế biến châu Âu. Họ chỉ không nhận đủ nguyên liệu thô mà thôi”, báo cáo viết.
Các mặt hàng thực phẩm, ngoại trừ các sản phẩm cao cấp như trứng cá muối, được miễn lệnh trừng phạt của EU đối với Nga. Tuy nhiên, tháng 10 năm ngoái Na Uy, một nhà sản xuất cá tuyết hàng đầu khác, đã đình chỉ tất cả nhập khẩu thủy sản của Nga thông qua một cửa khẩu biên giới quan trọng, với lý do cơ sở hạ tầng không đầy đủ.
Các lệnh trừng phạt cũng cản trở khả năng của Nga trong việc tiến hành ngoại thương và thực hiện các giao dịch, bằng cách loại nước này ra khỏi hệ thống tài chính phương Tây.
Hai loài cá tuyết phổ biến nhất là cá tuyết Đại Tây Dương được Na Uy và Nga thu hoạch trên khắp Bắc Đại Tây Dương và cá tuyết Thái Bình Dương, đến từ Biển Bering và Biển Barents và Vịnh Alaska. Vào tháng 12, Nga đã cấm thu hoạch cá ở hai khu vực quan trọng ở Thái Bình Dương, với lý do sản lượng đánh bắt loài này giảm.
FAO than thở rằng động thái trên sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân ngành công nghiệp và thị trường, nơi giá cá tuyết đã “cao ngất ngưởng”.
Hiệp hội Nga cho biết, năm 2023, EU đã nhập khẩu hơn 284.000 tấn cá tuyết (không bao gồm phi lê muối), trích dẫn dữ liệu từ cơ sở dữ liệu thương mại toàn cầu của Liên hợp quốc Comtrade. Cá tuyết đông lạnh chiếm gần một nửa số lô hàng. Thị phần nhập khẩu cá tuyết đông lạnh của Nga vào EU đứng ở mức 54,7% và Na Uy chiếm 21%.
Điệp Nguyễn (Theo RT)
Theo Congluan.vn
Bình luận
0 Bình luận