Investing.com - Đầu tuần này, CTCP FPT (HM:FPT) là một trong số ít công ty Việt Nam được tham dự hội nghị thượng đỉnh kinh doanh với các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Chủ tịch FPT, ông Trương Gia Bình cho biết Việt Nam có thể xây dựng vị thế vững chắc về AI và theo đó, cả Việt Nam cũng như FPT đều có cơ hội phát triển nhanh hơn nữa trong lĩnh vực kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, FPT cho biết đã ký kết hợp tác với công ty Landing AI của Mỹ để tăng cường năng lực đào tạo. Họ cũng đã tham gia vào các cuộc đàm phán với gã khổng lồ AI NVIDIA (NASDAQ:NVDA) và các công ty Việt Nam khác để sử dụng AI cho lưu trữ đám mây, chăm sóc sức khỏe và các ứng dụng khác.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, ông Bình cho biết “những cơ hội mới” chủ yếu nằm trong lĩnh vực bán dẫn, nhờ vào Đạo luật CHIPS của Hoa Kỳ được thông qua năm ngoái.
Ông cho biết, đạo luật mới sẽ khiến "thay đổi cuộc chơi" vì nó tạo điều kiện cho các đối tác nước ngoài, "ngoại trừ Trung Quốc", có thể mở rộng khả năng phát triển, và cam kết hỗ trợ của Mỹ nhằm thúc đẩy lĩnh vực chip của Việt Nam càng khẳng định điều đó.
FPT đã công khai đơn đặt hàng hơn 25 triệu chip cho đến năm 2025, nhưng ông Bình tiết lộ thêm tổng đơn đặt hàng mới là 67 triệu chip trong cùng kỳ, cho các khách hàng ở Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực thiết bị y tế và nhiều ứng dụng điện tử.
Trái ngược với việc mảng lắp ráp gia công các sản phẩm chủ yếu được thực hiện tại Việt Nam nhờ công nghệ thường được bắt nguồn từ các nước phát triển khác, FPT lại có chip được thiết kế sản xuất tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan - một kiểu chuỗi cung ứng đảo ngược so với những gì gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc Samsung, công ty lắp ráp khoảng một nửa số điện thoại thông minh của họ ở Việt Nam đang triển khai.
Ngoài ra, về kế hoạch niêm yết quốc tế, chủ tịch FPT cho biết kế hoạch mở rộng của FPT hiện không bao gồm việc niêm yết công khai tại Mỹ. “Có lẽ một ngày nào đó!” ông nhấn mạnh về việc chưa có kế hoạch cụ thể vào lúc này.
Ông Bình cho biết, việc niêm yết thành công trên Nasdaq của nhà sản xuất ô tô điện Việt Nam VinFast (NASDAQ:VFS) vào tháng 8 đã chưa thể “lôi kéo” được ông ngay lập tức.
FPT có doanh thu tại Mỹ từ 250-300 triệu USD mỗi năm và đặt mục tiêu tăng con số này lên 1 tỷ USD trước năm 2030. Bình cho biết khả năng niêm yết tại Mỹ chỉ có thể được xem xét khi đạt được quy mô lớn hơn tại thời điểm đó và cũng tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng.
Ông cho biết công ty cần đầu tư nhiều hơn vào các dịch vụ giáo dục của mình. FPT đã tiếp nhận hàng nghìn sinh viên trong mảng giáo dục của mình và đặt mục tiêu tối đa hóa sản lượng đào tạo trong lực lượng lao động kỹ thuật chip của Việt Nam mà các chuyên gia ước tính cần phải tăng gấp 10 lần trong thập kỷ tới, lên mức 50.000 lao động.
Dong Nghi
Theo vn.investing.com
Bình luận
0 Bình luận