Ngày 9/11, dữ liệu công bố bởi Cơ quan Thống kê Philippines cho thấy nền kinh tế quốc gia này tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 3/2023, được hỗ trợ bởi sự phục hồi trong chi tiêu của chính phủ.
GDP quý 3/2023 của Philippines phục hồi đà tăng. Ảnh: Nikkei Asia
Theo số liệu chính thức, nền kinh tế Philippines tăng trưởng 5,9% trong quý 3, vượt qua dự báo 4,7% được hãng tin Reuters tổng hợp từ các chuyên gia kinh tế trước đó. Sự phục hồi tích cực này nhờ vào chi tiêu công tăng 6,7%, đảo ngược lại mức giảm 0,7% ghi nhận được trong quý 2 cùng năm.
Nhận định về tình hình, Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Arsenio Balisacan trong một cuộc họp báo ngày 9/11 cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ duy trì được động lực này trong thời gian còn lại của năm và những năm tới”.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế của Philippines nói chung vẫn ghi nhận một số lo ngại, đặc biệt là liên quan tới lạm phát. Trong tháng 9, tỷ lệ lạm phát tăng từ mức 5,3% của tháng 8 lên 6,1%, phản ánh chi phí sống ngày càng cao gây áp lực lên chi tiêu của các hộ gia đình.
Thêm vào đó, việc số liệu GDP của quý 3 đạt 5,9% và số liệu GDP 3 quý đầu năm 2023 đạt 5,5% cũng làm tăng khả năng nước này bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng đề ra trước đó của chính phủ. Theo Nikkei Asia trích dẫn ông Domini Velasquez, nhà kinh tế trưởng tại China Banking Corp. ở Manila, nền kinh tế Philippines được dự báo sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay, thấp hơn mục tiêu của chính phủ là 6% đến 7%.
Trong khi đó, ông Leonardo Lanzona, nhà kinh tế tại Đại học Ateneo De Manila ở Manila, nhận định các yếu tố hạn chế tăng trưởng trong quý 2 vẫn tồn tại trong quý 3, "áp lực lạm phát vẫn chiếm ưu thế, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm và tình trạng chi tiêu dưới mức trong khu vực chính phủ kéo dài”.
Để hạ nhiệt lạm phát, chính phủ Philippine đã can thiệp trên hai khía cạnh. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã áp trần giá gạo vào tháng 8, trong khi Ngân hàng Trung ương Philippines (Bangko Sentral ng Pilipinas) quyết định tăng lãi suất lên mức 6,5%, cao nhất trong 16 năm trong cuộc họp khẩn cấp hồi tháng 10.
Tuy nhiên, quyết định này vấp phải nhiều đánh giá trái chiều từ các chuyên gia. Bản thân ông từng đưa ra cảnh báo vào tháng 10 rằng một đợt tăng lãi suất khác có thể gây tổn hại cho nền kinh tế và người tiêu dùng Philippines.
Tại một quốc gia ASEAN khác là Indonesia, chính phủ nước này ngày 6/11 cũng vừa công bố tăng trưởng GDP quý 3/2023 đạt 4,94% - chậm hơn dự kiến và đánh dấu tốc độ yếu nhất trong 2 năm trở lại đây.
Cụ thể, dữ liệu công bố bởi Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) cho thấy tăng trưởng chi tiêu hộ gia đình, lĩnh vực vốn chiếm hơn một nửa GDP, giảm nhẹ từ ngưỡng 5,22% của quý trước xuống 5,06% trong quý 3/2023. Trong khi đó, tốc độ sụt giảm xuất khẩu trong quý 3/2023 là 4,26%, cao hơn so với mức giảm 2,97% của quý 2 trước đó.
Nhìn chung, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ ghi nhận kinh tế tăng trưởng chậm lại trong năm 2023 do giá hàng hóa giảm, tăng trưởng toàn cầu suy yếu và lãi suất trong nước tăng. Ngân hàng Trung ương Indonesia dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia đạt từ 4,5% đến 5,3% cho cả năm nay.
Ngân Hà
Theo Asean Times
Bình luận
0 Bình luận