Các nhà môi giới bất động sản cảnh báo giá nhà sẽ còn giảm thêm nữa.
3 năm trước, hàng nghìn người Mỹ đổ xô đến Cape Coral – một thành phố ven biển phía Tây bang Florida, nổi tiếng với hệ thống kênh rạch dày đặc hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Họ mua nhà qua mạng, không cần xem trực tiếp, mong tìm được một “miếng đất thiên đường” để nghỉ dưỡng hoặc đầu tư Airbnb trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thúc đẩy xu hướng sống xa đô thị.

Giá nhà tại đây đã tăng vọt gần 75% chỉ trong 3 năm, chạm mốc 419.000 USD – biến Cape Coral từ nơi dành cho người về hưu và nhà đầu tư nhỏ lẻ thành điểm đến của làn sóng đầu cơ mới. Nhưng hiện tại, mọi thứ đã xoay chiều chóng mặt.
Giờ đây, biển “For Sale” xuất hiện dày đặc trên từng dãy phố. Các buổi mở cửa nhà mẫu vắng bóng người, tỷ lệ thu hồi nhà thế chấp đang tăng. Một số công trình xây dựng bị bỏ dở, phần thô được rao bán với giá rẻ để cắt lỗ. Đường phố yên ắng đến mức nhiều xe bắt đầu phóng nhanh vì không còn giao thông.
“Cape Coral đang là thị trường nhà đất tệ nhất nước Mỹ”, môi giới địa phương José Echevarria nói. “Và tôi nghĩ đáy vẫn chưa tới”.

Theo dữ liệu từ Homes.com, giá nhà ở khu vực Cape Coral–Fort Myers đã giảm 11% trong hai năm tính đến tháng 5 – mức giảm lớn nhất trong số các thành phố lớn tại Mỹ. 52% số căn nhà tại đây đã phải giảm giá, theo công ty dữ liệu bất động sản Parcl Labs. Các khu vực lân cận như Sarasota hay Tampa cũng đang chịu áp lực tương tự.
Cape Coral hiện còn giữ một "danh hiệu" khác: tỷ lệ chủ nhà “âm vốn” (nợ nhiều hơn giá trị nhà) cao nhất nước Mỹ, gần 8%.
Nhà rẻ vẫn không ai mua
Một ngôi nhà từng được nhà đầu tư mua vào đỉnh sốt để cho thuê Airbnb, đầy đủ nội thất và có hồ bơi, ban đầu được rao bán với giá 675.000 USD. Sau nhiều lần hạ giá, hiện chỉ còn chưa đến 500.000 USD – thấp hơn 100.000 USD so với giá mua. Dù vậy, vẫn không ai hỏi mua sau một năm rao bán.
“Ngày mai chúng tôi sẽ lại hạ giá tiếp”, Echevarria nói.
Trong khi nhiều thị trường nhà đất tại Mỹ chật vật vì lãi suất vay mua nhà cao, Cape Coral hứng chịu gần như mọi vấn đề có thể khiến thị trường lao dốc: giá nhà quá cao, thuế và bảo hiểm leo thang, thiên tai, làn sóng quay lại văn phòng sau đại dịch, và nhà đầu tư rút lui sau khi thị trường cho thuê trở nên bão hòa.
Vào thời đỉnh cao của cơn sốt di cư về Florida, quận Lee – nơi Cape Coral tọa lạc – chỉ có khoảng 3.500 căn nhà đang rao bán. Giờ con số này là 12.000.
“Với nguồn cung quá lớn, nhu cầu yếu và hơn một nửa số người bán phải giảm giá, tôi nghĩ xu hướng giảm này sẽ còn tiếp diễn,” đồng sáng lập Parcl Labs, Jason Lewris nhận định.

Julie và Tim Gaines sống ở một khu vực được xem là cao cấp nhất Cape Coral, trong căn nhà có trần cao, tủ gỗ tự nhiên và hồ bơi riêng. Sau 15 lần giảm giá suốt hai năm, họ vẫn chưa bán được.
“Tôi chỉ hy vọng nếu có bán được thì cũng không bị lỗ đến mức phải vay thêm để bù vào”, Julie nói.
Không chỉ nhà ở, thị trường căn hộ cũng lao dốc. Tính đến tháng 5, 64% các dự án chung cư đang phải đưa ra ưu đãi lớn để hút khách – gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Cape Coral cũng là nơi liên tục hứng chịu bão lớn mỗi năm từ 2022 đến nay. Nhiều nhà bị ngập, trong khi các công ty bảo hiểm rút khỏi thị trường, đẩy phí bảo hiểm tăng vọt.
Thêm vào đó, các quy định mới được ban hành sau vụ sập chung cư ở Miami năm 2021 khiến nhiều chủ sở hữu căn hộ đối mặt với phí cải tạo lên tới hàng trăm nghìn USD. Không kham nổi chi phí, họ buộc phải bán tháo.
“Thiên đường” không còn như mơ
“Nơi đây là thiên đường, nhưng không có việc làm,” Sherri Sprinkle – người chuyển từ Chicago tới Cape Coral năm 2022 – nói. Sau khi bị sa thải khỏi công ty xây dựng, cô mở một tiệm phun xăm thẩm mỹ nhưng gặp khó vì vắng khách trong mùa thấp điểm. “Chi phí sống không tương xứng với mức lương. Ai cũng đang chật vật tìm việc”.
Nhiều nhà thầu xây dựng đã rút lui khỏi dự án khi không còn đủ lợi nhuận. Một căn nhà đang xây dở được rao bán với giá 190.000 USD – tường bê tông đã xong, nhưng chưa có mái, cửa sổ hay cửa ra vào. Một số phòng đã có vết mốc và mạng nhện do tiếp xúc lâu ngày với thời tiết.
Các nhà đầu tư nhỏ cũng đang tháo chạy. Một số người cho thuê qua Airbnb nhưng không cạnh tranh nổi với các khu căn hộ giá rẻ. Khi người Mỹ quay lại du lịch quốc tế, lượng khách đặt phòng giảm mạnh.

“Tôi có người cô phải bán nhà lỗ 200.000 USD vì không chịu nổi nữa,” Echevarria kể. “Một là mất 49.000 USD mỗi năm, hai là bán lỗ lấy khoản khấu trừ thuế".
Cape Coral từng là “tâm chấn” trong cuộc khủng hoảng vay dưới chuẩn năm 2008. Khi đó, tín dụng rẻ và thiếu kiểm soát khiến giới đầu cơ ồ ạt mua nhà không cần đặt cọc. Khi người thuê rút lui, họ phá sản hàng loạt.
Sean Dean – người từng sở hữu 5 căn nhà thời điểm ấy – cho biết chỉ trong hai tuần, toàn bộ khách thuê dọn đi. Anh phải bán hai căn, còn lại ba căn bị ngân hàng siết nợ.
“Lúc đó tôi không thể thoát hàng nổi”, Dean nói.
Lần này, nhiều giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt và luật vay mua nhà đã chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, sự bất định kinh tế và chi phí sở hữu nhà ngày càng cao đang khiến giá bất động sản lao dốc một lần nữa.
Keith Brochu – người chuyển từ New Jersey đến Cape Coral – đang rao bán căn nhà ven kênh có lối ra vịnh Mexico để dọn vào sâu đất liền.
“Thuế và phí bảo hiểm lũ lụt sẽ tăng rất mạnh trong 5 năm tới. Ở lại chẳng còn đáng nữa,” anh nói.
Theo WSJ
Thùy Dương - nguoiquansat.vn
Theo Thị trường tài chính
Bình luận
0 Bình luận