Vĩ mô

Gỡ khó về thuế, cơ chế tài chính

Sửa đổi quy định về chính sách thuế, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế tự chủ tài chính, đặt hàng... sẽ góp phần hỗ trợ các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn hiện tại.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) sửa đổi với đề xuất bổ sung hoạt động báo chí khác (ngoài báo in) vào đối tượng được ưu đãi thuế thu nhập DN.

Nên áp dụng đồng đều thuế suất 10%

Ngoài hoạt động báo in đã được hưởng thuế suất thuế thu nhập DN ưu đãi ở mức 10%, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế suất ưu đãi đối với thu nhập của các cơ quan báo chí từ các hoạt động báo chí khác là 15% - giảm 5% so với hiện hành.

Bộ Tài chính dẫn kiến nghị của các cơ quan báo chí cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho rằng bên cạnh hoạt động báo in, các cơ quan báo chí hiện có nhiều loại hình báo chí khác cũng phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu như báo nói, báo hình, báo điện tử. Trong khi đó, cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ, mạng xã hội, nguồn thu từ quảng cáo của các cơ quan báo chí sụt giảm rất lớn. Việc hạch toán riêng các nguồn thu để khai, nộp thuế cũng ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan báo chí.

"Cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN cho tất cả loại hình báo chí để tạo điều kiện hỗ trợ báo chí" - Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Tại một hội thảo về kinh tế báo chí mới đây, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT-TT, nêu rõ các cơ quan báo chí đang gặp hàng loạt khó khăn liên quan chính sách thuế, cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước. Bộ TT-TT đề xuất thống nhất áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN cho tất cả loại hình báo chí để không chỉ hỗ trợ cơ quan báo chí mà còn tạo thuận lợi cho việc hạch toán, quản lý thuế.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, đề xuất của Bộ TT-TT về việc thống nhất áp dụng chính sách ưu đãi thuế suất thuế thu nhập DN 10% cho mọi loại hình báo chí là hoàn toàn hợp lý.

Về phía cơ quan báo chí, ông Lê Trần Nguyên Huy, quyền Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận, bày tỏ mong muốn chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN cho báo chí sớm được thông qua để giúp các cơ quan báo chí giảm căng thẳng trong bối cảnh doanh thu sụt giảm và có thêm nguồn lực đầu tư cho công nghệ, nội dung.

Cho rằng mức thuế thu nhập cá nhân 20% theo quy định hiện hành là khá cao trong bối cảnh các cơ quan báo chí gặp khó khăn, thách thức trong việc khai thác nguồn thu, ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long, kiến nghị miễn thuế thu nhập DN đối với cơ quan báo chí hoặc có chính sách miễn, giảm linh hoạt từng năm theo biến động của nền kinh tế.

https://cdn.stockproxx.com/2024/6/21/thue.webp
Các cơ quan báo chí cần được hỗ trợ cơ chế, chính sách tài chính để vượt qua khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh trên môi trường số ngày càng gay gắt. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tiếp sức báo chí trước áp lực số hóa

Theo bà Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - bối cảnh công nghệ số phát triển đặt báo chí trước áp lực cạnh tranh rất lớn với các nền tảng truyền thông xã hội. Do đó, việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính để báo chí phát triển phù hợp xu hướng truyền thông hiện đại mà vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị là rất cần thiết.

"Dịch vụ báo chí là dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu. Vì thế, nhà nước cần hỗ trợ và bảo đảm các điều kiện để cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ" - bà Nguyễn Thị Mai Thoa phân tích.

Ông Lê Thanh Tuấn cho hay Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long đã đẩy mạnh nguồn thu từ sản xuất nội dung số thông qua đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị, cập nhật các hình thức quảng cáo mới, thu phí người dùng... Tuy nhiên, trước những khó khăn phải đối mặt, cơ quan báo chí này kiến nghị không khống chế thời lượng quảng cáo trong các chương trình giải trí và cho phép thu phí người dùng qua hình thức trả phí thuê bao hoặc phí nội dung trên hạ tầng OTT.

Tại phiên thảo luận chủ đề "Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí" trong khuôn khổ Hội báo Toàn quốc năm 2024, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, nêu rõ sự bùng nổ và xâm nhập sâu sắc của công nghệ số đã làm thay đổi căn bản thị trường báo chí trên 3 khía cạnh: hành vi tiêu thụ tin tức, cấu trúc thị trường và nguồn thu. Riêng về nguồn thu, khảo sát cho thấy trong năm 2021, tổng doanh thu hầu hết khối cơ quan báo chí giảm 30% đến hơn 40% so với năm 2020. Giai đoạn sau đại dịch COVID-19, không nhiều cơ quan báo chí tăng doanh thu trong khi nhiều cơ quan ghi nhận sự sụt giảm.

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Quang Đồng kiến nghị miễn, giảm thuế GTGT với toàn bộ sản phẩm báo chí; đơn giản hóa thủ tục hành chính với các gói truyền thông chính sách; tạo thuận lợi trong thực hiện nghĩa vụ kiểm soát tương tác người dùng khi báo chí hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội...Về dài hạn, có thể đẩy mạnh xã hội hóa để tăng đầu tư cho năng lực công nghệ, tập trung ngân sách cho một số cơ quan báo chí cốt lõi để xây dựng nhóm đơn vị truyền thông chủ lực. 

Theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương, các cơ quan báo chí đang từng ngày, từng giờ mong mỏi việc hoàn thiện cơ chế tài chính để có điều kiện phát triển thuận lợi hơn.

 

MINH CHIẾN - VĂN DUẨN - HOÀI DƯƠNG

Theo Người lao động