Dù giá bán sản phẩm không có nhiều chênh lệch so với thị trường nhưng biên lợi nhuận gộp của Hoàng Hà Mobile rất thấp. Kết quả là Hoàng Hà Mobile đóng thuế thu nhập doanh nghiệp rất khiêm tốn, từ đó bị nghi ngờ trốn thuế.
Trên thị trường điện thoại di động, một số hệ thống phân phối nổi bật có thể kể đến như Thế giới di động, FPT Shop, CellphoneS,… và Hoàng Hà Mobile. Trong đó, Hoàng Hà Mobile gây chú ý vì khẳng định sản phẩm do mình phân phối có giá thấp nhất.
Trên website của mình, Hoàng Hà Mobile đã có “Giải đáp một số thắc mắc của khách hàng”. Câu hỏi đầu tiên là “Tại sao Hoàng Hà Mobile rẻ hơn so với các đại lý khác?” Nhà phân phối này trả lời: “Do chúng tôi lấy lợi nhuận thấp và cập nhật giá liên tục theo giờ với phương châm giá luôn phải tốt nhất trên thị trường. Chúng tôi luôn mong muốn khách hàng có được những sản phẩm tốt với giá rẻ nhất”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đúng là Hoàng Hà Mobile có lợi nhuận rất thấp, thấp hơn nhiều so với đối thủ. Nhưng kết quả này không đến từ giá sản phẩm của Hoàng Hà Mobile thấp nhất mà đến từ giá nhập (Giá vốn hàng bán) quá cao.
Kết quả là Hoàng Hà Moblie đóng thuế thu nhập doanh nghiệp rất khiêm tốn, từ đó bị nghi ngờ trốn thuế.
Thực tế cho thấy giá bán sản phẩm không có nhiều chênh lệch lớn giữa các hệ thống. Tuy nhiên, Hoàng Hà Mobile gây bất ngờ khi có biên lợi nhuận gộp thấp hơn rất nhiều so với các đơn vị còn lại.
Ví dụ, chiếc điện thoại di động “hot” nhất hiện nay có thể kể đến là iPhone 15 Pro Max đều được bán tại tất cả các nhà phân phối. Giá cho bản 1TB tại Hoàng Hà Mobile là 44,89 triệu đồng/chiếc. Còn tại Thế giới di động và FPT Shop, mức giá sản phẩm này là 44,99 triệu đồng/chiếc và 44,490 triệu đồng.
Có thể thấy giá bán giữa các hệ thống có chênh lệch rất thấp, chưa tới 1%. Đồng thời, mức chiết khấu mà các hãng dành cho các nhà phân phối khác nhau cũng không có nhiều chênh lệch. Thế nhưng, biên lợi nhuận gộp của Hoàng Hà Mobile lại rất khiêm tốn.
Cụ thể, trong năm 2022, Hoàng Hà Mobile ghi nhận Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 4.855 tỷ đồng, tăng 1.243 tỷ đồng, tương đương 34,4% so với năm 2021. Thế nhưng, Giá vốn hàng bán lên tới 4.565 tỷ đồng nên Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ là 286 tỷ đồng.
Kết quả là biên lợi nhuận gộp năm 2022 của Hoàng Hà Mobile chỉ là 5,9%. Con số này cuối năm 2021 còn thấp hơn khi đạt 4,3%, thấp hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh.
Tại Thế giới di động, năm 2022, công ty ghi nhận Doanh thu và Giá vốn đạt 134.722 tỷ đồng và 102.543 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp công ty là 30.862 tỷ đồng. Như vậy, biên lợi nhuận gộp năm 2022 của Thế giới di động là 23,1%, cao gấp 3,9 lần Hoàng Hà Mobile.
Tại FPT Shop, năm 2022, Doanh thu và Giá vốn của công ty này đạt 30.277 tỷ đồng và 25.463 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp công ty là 4.703 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 15,7%, cao gấp 2,66 lần tại Hoàng Hà Mobile.
Dễ dàng thấy giá bán ra của Hoàng Hà Mobile, Thế giới di động và FPT Shop không có nhiều trong lệch. Cùng với đó, chiết khấu mà các hãng dành cho các hệ thống phân phối cũng chênh nhau rất ít. Thế nhưng, biên lợi nhuận gộp của Hoàng Hà Mobile lại đuối hơn hẳn so với đối thủ.
Biên lợi nhuận gộp rất thấp trong khi phải chi rất nhiều tiền cho hoạt động bán hàng (266 tỷ đồng trong năm 2022) nên Lợi nhuận trước thuế của Hoàng Hà Mobile là rất thấp.
Lợi nhuận trước thuế năm 2022 của hệ thống phân phối này dù tăng rất mạnh, tăng 1,1 tỷ đồng, tương đương 23,9% so với năm 2021 nhưng cũng chỉ đạt 5,7 tỷ đồng. Vì vậy, Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 khá khiêm tốn, đạt 1,1 tỷ đồng. Con số này năm 2021 thậm chí còn thấp hơn, chỉ là 920 triệu đồng.
Số tiền hơn 1,1 tỷ đồng chi cho Thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ đủ để mua gần 26 chiếc iPhone 15 Pro Max. Như vậy, 1 đồng doanh thu chỉ giúp Hoàng Hà Mobile nộp 0,0002 đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Con số này tại Thế giới di động và FPT Shop cao hơn nhiều, lần lượt là 0,013 và 0,029.
Người Việt đổ xô đặt mua iPhone 15 vì giá hấp dẫn, doanh nghiệp bán lẻ ICT sẽ đột phá nửa cuối năm?
Bình luận
0 Bình luận