Lợi nhuận quý 4/2023 có thể tiếp tục tăng 30%
Ngày 6/12 vừa qua, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) công bố sản lượng tiêu thụ thép xây dựng, HRC và phôi thép của HPG trong tháng 11 đạt 709.000 tấn. Đây là mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 4/2022, tăng trưởng 11,7% so với tháng trước và 60% so với cùng kỳ.
![]() |
Sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn Hòa Phát theo tháng. |
Tính chung cả hai tháng 10 và 11/2023, tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng, HRC và phôi thép của Tập đoàn Hòa Phát đạt 1,34 triệu tấn, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, sản lượng tiêu thụ mỗi tháng đã tăng 18% so với mức trung bình trong quý 3/2023. Sản lượng tiêu thụ phục hồi được kỳ vọng sẽ giúp bù đắp cho việc biên lợi nhuận của Tập đoàn Hòa Phát thu hẹp trong quý 4 so với quý 3/2023 do chi phí đầu vào cao hơn.
Các kết quả trên của Tập đoàn Hòa Phát đã vượt ước tính của một số tổ chức tài chính. Mặc dù đã dự báo sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn Hòa Phát sẽ tăng lên trong quý 4/2023 nhưng kết quả của tháng 11/2023 vẫn cao hơn kỳ vọng.
![]() |
Tình hình kinh doanh những năm gần đây của Hòa Phát. |
Do đó, Chứng khoán VNDirect (VND) nhận định, nhu cầu thép yếu hơn dự kiến và việc chậm trễ đi vào hoạt động dự án Dung Quất 2, đồng thời do tác động của môi trường lãi vay cao kéo dài hơn dự kiến đối với chi phí tài chính của Hòa Phát, do đó mức lợi nhuận ròng cả năm 2023 của HPG sẽ điều chỉnh giảm từ mức 7.544 tỷ đồng xuống 6.448 tỷ đồng, tương ứng tăng 23,6% so với kết quả đạt được năm 2022. Lợi nhuận sau thuế quý 4 dự báo đạt 2.616 tỷ đồng, tăng đáng kể so với khoản lỗ 2.000 tỷ đồng trong quý 4/2022 và tăng 30% so với kết quả quý 3/2023.
Nhiều tín hiệu tích cực trong dài hạn
Thứ nhất, thị trường bất động sản phục hồi giúp gia tăng sản lượng tiêu thụ thép. Mặc dù sản lượng thép xây dựng trong nước của Hòa Phát trong quý 3/2023 giảm 3,7% so với cùng kỳ nhưng vẫn tăng 12% so với quý trước do thị trường bất động sản Việt Nam trên đà phục hồi. Với lãi suất vay đang trong xu hướng giảm và vấn đề pháp lý đang được tích cực tháo gỡ, các chuyên gia kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phục hồi vào năm 2024, từ đó, hỗ trợ nhu cầu thép, với sản lượng tiêu thụ kỳ vọng tăng 8%/21% so với cùng kỳ năm 2024 - 2025.
Thứ hai, nhu cầu phục hồi từ Trung Quốc đang hỗ trợ giá thép tăng. Tháng 11/2023, chính phủ Trung Quốc đã bổ sung thêm 137 tỷ USD nợ chính phủ để hỗ trợ xây dựng, cùng với một loạt biện pháp được đưa ra trước đó, nhằm ổn định lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn. Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc, tồn kho thép đã chạm đáy, theo đó được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức thấp nhất của năm 2023. Nguồn cung sụt giảm do biên lợi nhuận gộp của nhà sản xuất thép Trung Quốc ở mức thấp kỷ lục trong 6 năm, sẽ đẩy giá bán trung bình lên vào năm 2024.
Thứ ba, chi phí đầu vào ổn định chủ yếu do nhu cầu than cốc hạ nhiệt. Giá than cốc được kỳ vọng sẽ ổn định trở lại với việc nguồn cung từ Úc duy trì mức cao do mức đầu tư thăm dò khai thác vẫn lớn và các ảnh hưởng từ thời tiết giảm bớt. Trong khi đó, tăng trưởng nhu cầu toàn cầu được dự báo sẽ giảm nhẹ.
Thứ tư, Dung Quất 2 củng cố triển vọng tăng trưởng dài hạn Khu Liên hợp Dung Quất 2 dần đi vào hoạt động từ nửa cuối năm 2025 có thể cải thiện tốc độ tăng trưởng kép 2025 - 2027 lên 30% khi bổ sung thêm 6 triệu tấn HRC vào công suất hiện tại.
Dựa theo nhiều tín hiệu tích cực đã đưa ra, các chuyên gia VNDirect dự báo doanh thu của Hòa Phát năm 2024 sẽ đạt 130.145 tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2023) và lợi nhuận ròng đạt 14.202 tỷ đồng (tăng 120% so với năm 2023) và năm 2025 lợi nhuận ròng có thể lên tới 23.316 tỷ đồng.
Bình luận
0 Bình luận