Trước nhu cầu vốn lớn, Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) chỉ tăng cường đòn bẩy tài chính ở mức hạn chế. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của công ty hiện vượt hơn 2 lần, cao hơn đáng kể so với mức trung bình ngành.
CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (Mã HHV - HoSE) ghi nhận tổng tài sản gần 38.300 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9, trong đó phần lớn là tài sản dài hạn, chiếm đến 97%. Các khoản tiền mặt, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn chỉ đạt khoảng 450 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Đèo Cả duy trì ở mức 28.200 tỷ đồng, chiếm 73,6% nguồn vốn, với gần 19.700 tỷ đồng là nợ vay. Trong cơ cấu nợ vay, gần 1.000 tỷ đồng là vay ngắn hạn và hơn 18.900 tỷ là nợ vay dài hạn. VietinBank hiện là chủ nợ lớn nhất với tổng dư nợ hơn 18.800 tỷ đồng, phần lớn là khoản vay dài hạn từ 15 đến 26 năm, bảo đảm bằng quyền thu phí các dự án BOT mà Đèo Cả quản lý.
![]() |
Thuyết minh chi tiết một số hợp đồng vay vốn của HHV |
Hiện tại, Đèo Cả vận hành 15 trạm thu phí thuộc các dự án BOT lớn, bao gồm chuỗi hầm Đèo Cả, Cù Mông, Cổ Mã, Hải Vân và các cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Phước Tượng - Phú Gia. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn về dòng tiền tại các dự án BOT quan trọng, đặc biệt là tại các dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả và cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Những áp lực tài chính này khiến công ty phải phụ thuộc vào việc đàm phán giãn, hoãn nợ với các ngân hàng, trong bối cảnh một số dự án BOT chưa đạt hiệu quả tài chính như mong đợi.
Sau 9 tháng, Đèo Cả chịu chi phí lãi vay lên tới 602 tỷ đồng, tăng 103 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, mặc dù nợ vay có xu hướng giảm nhẹ. Trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, công ty ghi nhận đã chi 815 tỷ đồng để trả lãi vay, điều này gây ảnh hưởng đến hiệu quả sinh lời. Mặt khác, số tiền công ty vay mới trong kỳ chỉ vỏn vẹn 324 tỷ đồng, trong khi đã chi tới 732 tỷ đồng để trả nợ gốc, cho thấy Đèo Cả đang hạn chế sử dụng thêm đòn bẩy tài chính. Xu hướng này đã diễn ra từ năm 2021, với giá trị nợ vay mới luôn dưới mức nghìn tỷ đồng.
Cuối quý III/2024, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Hạ tầng giao thông Đèo Cả ở mức hơn 2 lần, cao hơn mức trung bình ngành là 1,2 lần, do phần lớn tài sản là các tuyến BOT được tài trợ từ nợ vay dài hạn.
Được biết, CTCP Tập đoàn Đèo Cả hiện là công ty mẹ của HHV, sở hữu và nắm quyền biểu quyết trực tiếp và gián tiếp tại các công ty con đầu tư vào HHV.
Quốc Trung - nguoiquansat.vn
Theo Kiến thức đầu tư
Bình luận
0 Bình luận