Doanh nghiệp

Loạt doanh nghiệp ở Quảng Nam chậm đóng bảo hiểm xã hội với số tiền lớn

Trong 5 tháng đầu năm, các đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nợ hơn 322 tỷ đồng BHXH, BHYT, BHTN. Trong đó, khối doanh nghiệp chậm đóng hơn 246 tỷ đồng.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Nam vừa có báo cáo về tình hình chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh.

Khối doanh nghiệp chậm đóng hơn 246 tỷ đồng

Theo đó, trong 5 tháng đầu năm, các đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nợ hơn 322 tỷ đồng BHXH, BHYT, BHTN. Trong đó, khối doanh nghiệp chậm đóng hơn 246 tỷ đồng.

Đặc biệt có 1.184 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, với số tiền chậm đóng hơn 151 tỷ đồng. Các đơn vị khó thu (các đơn vị giải thể, phá sản, mất tích, ngừng hoạt động…) với số tiền chậm đóng hơn 38 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 2.257 lao động tại 108 đơn vị đã giải thể, phá sản bị ảnh hưởng quyền lợi do đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN không có khả năng thu hồi.

Một số doanh nghiệp có số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN lớn như: Công ty TNHH May Minh Hoàng II hơn 8,9 tỷ đồng, Công ty cổ phần Gạch men Anh Em DIC 4,7 tỷ đồng, Công ty Cổ Phần Tập Đoàn ROYAL CAPITAL 4,6 tỷ đồng, Công ty TNHH Khu Du Lịch Vinacapital Hội An 4,3 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN của các đơn vị hành chính - sự nghiệp, Đảng, Đoàn thể, cán bộ xã, phường, thị trấn…hơn 10 tỷ đồng.

Một số cơ quan hành chính - sự nghiệp có số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN lớn như: Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam 870 triệu đồng, Trường cao đẳng Y tế Quảng Nam 860 triệu đồng, Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Nam 746 triệu đồng…

https://cdn.stockproxx.com/2024/6/12/quang-nam.jpg

Loạt doanh nghiệp ở Quảng Nam chậm đóng bảo hiểm xã hội với số tiền lớn. Ảnh: T.V.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, trong thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện công tác thu, thu hồi tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN. Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng vẫn còn cao, đặc biệt có nhiều đơn vị phát sinh chậm đóng số tiền lớn, thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Có nhiều đơn vị đã ngừng tham gia BHXH, không còn sử dụng lao động, mất khả năng thanh toán, tuy nhiên chưa làm thủ tục giải thể, phá sản nên số tiền chậm đóng không thu hồi được, càng ngày càng phát sinh thêm tiền lãi chậm đóng. Trong số 1.184 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, có 557 đơn vị không còn lao động tham gia BHXH với số tiền chậm đóng hơn 73 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các đơn vị có số lao động nhỏ chiếm tỷ lệ lớn cũng gây khó khăn cho công tác thu hồi tiền chậm đóng do thường xuyên không phối hợp, không có người ở công ty, không liên lạc được, thay đổi địa chỉ, nhân sự liên tục. Toàn tỉnh có 565 đơn vị dưới 10 lao động chậm đóng từ 3 tháng trở lên với số tiền chậm đóng hơn 27 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều đơn vị đã thực hiện hết các giải pháp: Làm việc trực tiếp, thanh tra, xử phạt… nhưng vẫn không khắc phục tình trạng chậm đóng hoặc sau khi làm việc thì đơn vị chuyển tiền, tuy nhiên sau đó lại vi phạm chậm đóng trở lại.

Nhiều giải pháp trong thời gian tới

Để tăng cường công tác thu, thu hồi tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, ông Nguyễn Thanh Danh, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Quảng Nam cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nhất là các hành vi vi phạm pháp luật về chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN. Thường xuyên công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH của người lao động.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp phối hợp, đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động thực hiện trích nộp BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, kịp thời, nhằm đảm bảo được tiến độ thu BHXH, BHYT, BHTN theo quy định, giảm tiền chậm đóng.

Thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN, thanh tra đột xuất đối với các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN. Kiên quyết xử lý vi phạm đối với các đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định.

Chủ động phối hợp với Công an tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra liên ngành, làm việc với các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN đảm bảo hiệu lực, hiệu quả với các hình thức linh hoạt.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp thực hiện kiểm tra, thanh tra các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh; Thành lập các đoàn thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

Đặc biệt, chỉ đạo Thanh tra nhà nước tăng cường thanh tra trách nhiệm đối với người đứng đầu trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Thành Vân

Theo Nhà Đầu tư