Đây là thương hiệu được lập nên bởi những sĩ phu yêu nước, sản phẩm này từng tạo tiếng vang lớn tại Đông Dương.
Ít ai biết rằng, nước mắm Liên Thành là một thương hiệu mang dấu ấn sâu đậm trong lịch sử hiện đại Việt Nam với lịch sử hơn trăm năm lưu giữ hương vị cổ truyền. Đặc biệt, những nhà sáng lập nên thương hiệu này còn từng góp phần đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) vào Sài Gòn, khởi đầu cho hành trình tìm đường cứu nước năm 1911.
Theo tư liệu từ Bảo tàng Lịch sử TP. HCM và nhiều nguồn sử học, vào năm 1910, các nhà sáng lập Công ty Liên Thành đã sử dụng uy tín và sự khôn khéo để xin giấy thông hành cho người thanh niên Nguyễn Tất Thành (dưới tên Văn Ba) từ Phan Thiết vào Sài Gòn dạy học. Sau đó, chính Liên Thành cũng bố trí chỗ ở cho Người tại trụ sở công ty ở Chợ Lớn – nay là di tích số 5 Châu Văn Liêm (Quận 5), nơi Người lưu trú trước khi lên tàu sang Pháp ngày 5/6/1911. Không chỉ giúp đỡ Người nơi ăn chốn ở, Liên Thành còn ủng hộ tài chính là 18 đồng bạc Đông Dương làm lộ phí cho hành trình vượt đại dương tìm đường cứu nước.
Liên Thành Thương Quán – tên tiếng Pháp là Société de Lien Thanh – được thành lập ngày 6/6/1906 tại Bình Thuận bởi các sĩ phu yêu nước như Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh (hai con trai nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông), Ngô Văn Nhượng, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi và Trần Lệ Chất. Đây là một trong những tổ chức kinh doanh Việt đầu tiên do người Việt sáng lập, với mục tiêu gây quỹ và tạo sinh kế phục vụ phong trào Duy Tân. Thương quán hoạt động cương lĩnh "Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh".
![]() |
Liên Thành Thương Quán |
Liên Thành nhanh chóng phát triển thành mô hình đa chức năng: Liên Thành Thư xã (truyền bá sách báo yêu nước), Dục Thanh Học hiệu (trường học dạy tư tưởng tiến bộ cho con em lao động) và Liên Thành Thương Quán (sản xuất – kinh doanh nước mắm, thuốc bắc, khách sạn...). Đặc biệt, việc chọn nước mắm – một ngành thuần Việt chưa bị tư bản Pháp hay Hoa kiều thâu tóm – là quyết định chiến lược nhằm duy trì nguồn thu bền vững.
Về ngôi trường Dục Thanh (thành lập năm 1907), đây là ngôi trường đặc biệt được lập nhờ nhà của ông Nguyễn Trọng Lội là người sáng lập viên Công ty Liên Thành có cổ phần lớn nhất, ông còn hiến 10 mẫu đất lấy huê lợi từ đó trang trải cho hoạt động của Trường và học phí của học sinh. Học sinh ở đây được học những nội dung, tư tưởng tiến bộ, được giáo dục tinh thần yêu nước, trường Dục Thanh đã chú trọng việc dạy chữ Quốc ngữ, Thầy giáo dạy ở đây có nhiều người nổi tiếng như Lương Thúc Kỳ, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Đình Phiên… đặc biệt người thanh niên Nguyễn Tất Thành, cũng đã từng dạy ở trường này một thời gian trước khi vào Sài Gòn trên đường bôn ba tìm đường cứu nước.
Năm 1917, Tổng cuộc Liên Thành chính thức chuyển từ Phan Thiết vào Sài Gòn. Tới năm 1922, sản phẩm nước mắm Liên Thành tham gia đấu xảo thuộc địa tại Marseille (Pháp) và tạo tiếng vang lớn. Từ đó, thương hiệu mở rộng phân cuộc khắp miền Nam, vươn sang Campuchia và cả châu Âu.
![]() |
Công ty Liên Thành hiện tại |
Liên Thành không chỉ nổi bật nhờ chất lượng nước mắm mà còn tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật: từ kiểm nghiệm chống hàng giả, hợp tác với hãng Nhật Kubota để sản xuất động cơ thuyền, đến xây dựng nhà máy phân bón từ phế phẩm nước mắm vào năm 1960 – một phát kiến được các nhà vườn Đà Lạt hưởng ứng.
Dưới thời ông Trần Lệ Chất và sau đó là ông Huỳnh Văn Dậu, công ty duy trì uy tín qua từng thế hệ. Một minh chứng đặc biệt cho tinh thần giữ chữ tín của Liên Thành là câu chuyện của gia đình nhà sử học Dương Trung Quốc. Năm 1976, sau ngày đất nước thống nhất, gia đình ông bất ngờ nhận được thư mời vào Sài Gòn để nhận lại cổ phần mà ông nội ông từng mua từ gần 70 năm trước. Dù chiến tranh khiến hồ sơ thất lạc và đại hội cổ đông đã kết thúc vài ngày trước, đại diện công ty vẫn trân trọng tiếp đón, kiểm tra sổ sách và chi trả phần cổ tức còn lại – dù giá trị không lớn. Nhưng với ông Dương Trung Quốc, đó là minh chứng hùng hồn cho tinh thần tín nghĩa mà Liên Thành duy trì suốt nhiều thập kỷ.
Năm 1979, Liên Thành được hiến tặng cho Nhà nước với điều kiện giữ nguyên thương hiệu và bàn thờ tổ sáng lập. Sau đó, công ty trải qua giai đoạn quốc hữu hóa, phân tách thành nhiều xí nghiệp địa phương. Mãi đến năm 2001, Liên Thành mới được cổ phần hóa trở lại với tên gọi Công ty Cổ phần Chế biến Thủy hải sản Liên Thành, trụ sở đặt tại số 243 Bến Vân Đồn, Quận 4 – nơi vẫn giữ nguyên bàn thờ tổ tiên như lời hứa với tiền nhân.
![]() |
Các sản phẩm nước mắm của Liên Thành ngày nay. Ảnh: Liên Thành |
Hiện nay, nước mắm Liên Thành tiếp tục sản xuất với quy trình truyền thống tại Phan Thiết, trong nỗ lực gìn giữ một hồn cốt văn hóa ẩm thực Việt. Tuy nhiên, trên thương trường hiện đại, thương hiệu từng vang danh này đang gặp thách thức lớn khi cạnh tranh với các hãng nước mắm công nghiệp đổ tiền vào quảng bá và chiếm lĩnh thị phần.
Liên Thành không chỉ là một thương hiệu nước mắm mà còn là một phần quan trọng trong dòng chảy của lịch sử.
Hồng Hà - nguoiquansat.vn
Theo Kiến thức Đầu tư
Bình luận
0 Bình luận