Châu Mỹ

Nền kinh tế lớn nhất thế giới lung lay: Nhà đầu tư tháo chạy với tốc độ không tưởng, người dân phải thắt chặt chi tiêu

Ông Donald Trump từng hứa hẹn sẽ tạo nên một "cuộc bùng nổ kinh tế chưa từng có" khi quay lại Nhà Trắng. Thế nhưng sau 100 ngày cầm quyền, thị trường chứng khoán Mỹ lại phản ánh một thực tế trái ngược: Sắc đỏ phủ rộng, niềm tin lung lay.

Dù đã có những đợt phục hồi nhỏ, chỉ số S&P 500 vẫn giảm khoảng 8% kể từ ngày ông Donald Trump nhậm chức. Đây là kết quả tệ nhất cho 100 ngày đầu tiên của một Tổng thống Mỹ kể từ thời Gerald Ford năm 1974, sau sự kiện Richard Nixon từ chức.

Cú đảo chiều này khiến Phố Wall bất ngờ, đặc biệt sau hai năm liên tiếp thị trường tăng hơn 20% và kỳ vọng về một chính sách thúc đẩy tăng trưởng. Thay vào đó, Tổng thống Trump lại khơi mào các cuộc chiến thương mại, áp thuế gần như trên toàn bộ các đối tác, rồi sau đó liên tục thay đổi, tạm hoãn hoặc miễn trừ cho một số ngành nghề, khiến thị trường rơi vào tình trạng biến động mạnh.

Ngoài ra, các động thái như siết chặt nhập cư, sa thải hàng loạt nhân viên Liên bang cũng khiến giới đầu tư hoang mang, khiến chỉ số S&P 500 rơi vào một trong những đợt điều chỉnh nhanh nhất kể từ năm 1929. Mark Malek, Giám đốc đầu tư tại Siebert, nhận xét: "Đây là một ví dụ điển hình về rủi ro hệ thống – sự biến động tràn lan khắp các ngành và tài sản, được thổi bùng bởi những phát biểu và chính sách thay đổi liên tục".

Nền kinh tế lớn nhất thế giới lung lay: Nhà đầu tư tháo chạy với tốc độ không tưởng, người dân phải thắt chặt chi tiêu - ảnh 1
Ông Donald Trump từng hứa hẹn sẽ tạo nên một "cuộc bùng nổ kinh tế chưa từng có" khi quay lại Nhà Trắng

Sự đảo chiều chóng mặt

Ngay sau chiến thắng của ông Trump, nhà đầu tư kỳ vọng vào các chính sách nới lỏng quy định và giảm thuế, giúp S&P 500 ghi nhận mức tăng hậu bầu cử cao nhất lịch sử. Tuy nhiên, thay vì thúc đẩy tăng trưởng, những động thái áp thuế liên tiếp đã khiến thị trường lao đao.

Ngày 2/4, khi Tổng thống Trump công bố mức thuế cao nhất trong một thế kỷ, S&P 500 lao dốc hơn 10% chỉ trong hai phiên. Một tuần sau, thị trường hồi phục khi Nhà Trắng hoãn áp thuế thêm 90 ngày. Tuy vậy, các nhà giao dịch vẫn chật vật tìm kiếm hướng đi rõ ràng. Dave Lutz, chiến lược gia vĩ mô tại JonesTrading, mô tả ngắn gọn: "Hết cú sốc này đến cú sốc khác".

Theo dữ liệu mới nhất của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC), các nhà đầu cơ đã gia tăng đặt cược vào xu hướng giảm giá của S&P 500 lên mức cao nhất kể từ tháng 12. Những lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nhất gồm hàng tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ, với các công ty như Deckers Outdoor, Teradyne, Albemarle, Tesla, United Airlines và Norwegian Cruise Line đều chứng kiến cổ phiếu lao dốc.

Giá hàng hóa tăng do thuế mới, trong khi người tiêu dùng được dự báo sẽ thắt chặt chi tiêu nếu nền kinh tế chững lại.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới lung lay: Nhà đầu tư tháo chạy với tốc độ không tưởng, người dân phải thắt chặt chi tiêu - ảnh 2
Người tiêu dùng được dự báo sẽ thắt chặt chi tiêu

Mark Malek nhận định: "Xu hướng và động lực trên thị trường chứng khoán cực kỳ quan trọng vì nó phản ánh tâm lý nhà đầu tư. Một khi chúng bị tổn thương, việc phục hồi là rất khó".

Theo Deutsche Bank, tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu đang ở mức thấp lịch sử. Ngân hàng Bank of America cũng cảnh báo rằng các điều kiện để thị trường chứng khoán phục hồi bền vững vẫn chưa xuất hiện, khuyên nhà đầu tư nên tận dụng những đợt phục hồi ngắn để bán ra. Dữ liệu từ Goldman Sachs cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đã rút mạnh khỏi cổ phiếu Mỹ từ tháng 3.

Mây mù bao phủ chính sách thương mại

Một từ duy nhất mà giới đầu tư dùng để mô tả chiến lược thương mại của ông Trump: "Bất định". Paul Nolte, chiến lược gia thị trường tại Murphy & Sylvest Wealth Management, cho rằng: "Chúng tôi vẫn không rõ mục tiêu của chính quyền Trump với Canada hay châu Âu...là gì, cũng chẳng biết thế nào là thành công".

Chính sự thiếu rõ ràng này buộc nhà đầu tư phải phòng thủ, tránh rót vốn mạnh tay. Eric Sterner, Giám đốc đầu tư tại Apollon Wealth, cho rằng sự mơ hồ về thương mại đang kìm hãm hoạt động đầu tư và tuyển dụng của doanh nghiệp, đồng thời đe dọa chi tiêu tiêu dùng.

David Lefkowitz, phụ trách mảng cổ phiếu Mỹ tại UBS, dự báo lợi nhuận doanh nghiệp S&P 500 năm nay sẽ gần như không tăng trưởng. Mùa công bố lợi nhuận quý I cho thấy nhiều công ty Mỹ đang bối rối: Họ đồng loạt rút lại dự báo lợi nhuận, hạ kỳ vọng và đưa ra nhiều kịch bản khác nhau tùy tình hình. Ví dụ, United Airlines đã phát hành hai mức dự báo lợi nhuận – một cho kịch bản kinh tế ổn định, một cho trường hợp suy thoái.

Malek cho rằng suy thoái bắt đầu khi doanh nghiệp ngừng tuyển dụng, bắt đầu sa thải nhân sự và cắt giảm chi tiêu. Ông hiện tìm kiếm cơ hội trong các cổ phiếu tăng trưởng chất lượng cao đang bị bán tháo, nhưng rất thận trọng.

Theo khảo sát, các nhà kinh tế dự báo chiến tranh thương mại sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại trong năm nay và năm tới. Trong bối cảnh thị trường biến động, ông Jim Worden, Giám đốc đầu tư tại Wealth Consulting Group, cho biết đang ưu tiên cổ phiếu ngành y tế, tài chính, hàng tiêu dùng thiết yếu và những mã bị bán tháo mạnh.

Cùng lúc, ông James Abate, Giám đốc chiến lược tại Horizon Investments, cho biết công ty ông đang tăng mua cổ phiếu ngân hàng khu vực, nhận định đây là cơ hội để các nhà quản lý quỹ chủ động thể hiện năng lực.

Dù đã bước qua 100 ngày đầu tiên dưới nhiệm kỳ của ông Trump, Phố Wall vẫn giữ tâm lý hết sức thận trọng. "Chúng ta chưa vượt qua cơn hỗn loạn này và tôi không nghĩ nó sẽ sớm kết thúc", ông Eric Diton, Chủ tịch Wealth Alliance, nhận định.

 

 

Vĩnh Bằng - nguoiquansat.vn

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn