Một số nhà sản xuất Trung Quốc đang tạm ngừng hoạt động và tìm kiếm thị trường mới do tác động ngày càng rõ rệt từ các đợt áp thuế của Mỹ, theo nhận định từ các công ty và giới phân tích.
Nhân viên phải nghỉ việc
Tình trạng đơn hàng sụt giảm đã bắt đầu ảnh hưởng đến việc làm. “Tôi biết một số nhà máy đã cho một nửa công nhân tạm nghỉ trong vài tuần và ngừng phần lớn hoạt động sản xuất”, Cameron Johnson, chuyên gia tại công ty tư vấn Tidalwave Solutions có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết.
Ông nhấn mạnh rằng các nhà máy sản xuất đồ chơi, dụng cụ thể thao và hàng tiêu dùng giá rẻ (loại bán trong các cửa hàng Dollar Store) đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
“Dù chưa ở quy mô lớn, nhưng tình trạng này đang diễn ra tại các trung tâm xuất khẩu quan trọng như Nghĩa Ô và Đông Quan, nhiều người lo ngại nó sẽ lan rộng. Hiện các doanh nghiệp đang hy vọng thuế quan sẽ được hạ xuống để đơn hàng quay trở lại nhưng trong lúc này, họ buộc phải cho nhân viên nghỉ việc luân phiên và tạm dừng một phần sản xuất”, Johnson nói thêm.
Theo ước tính của Goldman Sachs, có khoảng 10 đến 20 triệu lao động Trung Quốc tham gia vào các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu sang Mỹ. Năm ngoái, tổng số lao động tại các thành phố của Trung Quốc đạt 473,45 triệu người.
Trong tháng này, Mỹ liên tiếp công bố các đợt áp thuế bổ sung, đẩy mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên hơn 100%. Bắc Kinh lập tức đáp trả bằng các biện pháp thuế quan tương tự. Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố các cuộc đàm phán với Trung Quốc đang diễn ra, phía Trung Quốc phủ nhận điều đó.
Ash Monga, nhà sáng lập kiêm CEO của công ty quản lý chuỗi cung ứng Imex Sourcing Services tại Quảng Châu, nhận định tác động từ việc tăng thuế lần này còn “lớn hơn nhiều” so với hồi đại dịch Covid-19. Ông lưu ý rằng với những doanh nghiệp nhỏ chỉ có vài triệu USD vốn, cú sốc thuế quan đột ngột có thể khiến họ phá sản.
Đáp ứng nhu cầu hỗ trợ ngày càng lớn, Monga cho biết sẽ ra mắt trang web “Tariff Help” nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ tìm kiếm nguồn cung ứng bên ngoài Trung Quốc.

Chuyển hướng bán hàng qua livestream
Sự gián đoạn kinh doanh buộc các nhà xuất khẩu Trung Quốc phải thử nghiệm những chiến lược bán hàng mới.
Woodswool, nhà sản xuất đồ thể thao có trụ sở tại Ninh Ba (gần Thượng Hải), đã nhanh chóng chuyển sang bán hàng trực tuyến qua livestream tại thị trường nội địa. Chỉ sau một tuần khai trương kênh bán hàng này, công ty đã nhận được hơn 30 đơn đặt hàng, với tổng giá trị hàng hóa khoảng 5.000 nhân dân tệ (690 USD).
“Chúng tôi đã bị hủy toàn bộ đơn hàng từ Mỹ”, ông Li Yan, Giám đốc nhà máy kiêm Giám đốc thương hiệu Woodswool, cho biết. Trước đây, hơn một nửa sản lượng của công ty xuất sang Mỹ. Giờ đây, công ty dự kiến một số dây chuyền sản xuất sẽ phải ngừng hoạt động trong vòng 2–3 tháng trong khi tìm kiếm thị trường mới.
Woodswool đang bán sản phẩm trực tuyến qua nền tảng livestream thương mại điện tử của Baidu. Ông Li cho biết công ty chọn sử dụng "nhân vật ảo" của Baidu vì chỉ mất hai tuần để triển khai, không cần tốn tiền xây dựng trường quay hay thuê nhân viên mới.
Baidu cho biết họ đã hợp tác với hàng trăm doanh nghiệp Trung Quốc để mở kênh bán hàng nội địa, sau khi công bố sẽ hỗ trợ 1 triệu doanh nghiệp bằng cách cung cấp trợ cấp và công cụ trí tuệ nhân tạo miễn phí — như "nhân vật ảo Huiboxing". Các nhân vật ảo này được tạo ra bằng công nghệ AI để mô phỏng người thật, tự động giới thiệu sản phẩm và tương tác với khách hàng. Baidu khẳng định hiệu quả đầu tư từ nhân vật ảo còn cao hơn cả sử dụng nhân viên thật.
Thách thức tại thị trường nội địa
JD.com là một trong những công ty đầu tiên công bố các biện pháp hỗ trợ tương tự, cam kết chi 200 tỷ nhân dân tệ (27,22 tỷ USD) để thu mua hàng hóa xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường nội địa. Công ty giao đồ ăn Meituan cũng cho biết sẽ hỗ trợ phân phối, song không nêu con số cụ thể. Tuy vậy, khoản hỗ trợ 27,22 tỷ USD vẫn chỉ chiếm 5% trong tổng kim ngạch 524,66 tỷ USD mà Trung Quốc đã xuất khẩu sang Mỹ trong năm ngoái.
Ông Michael Hart, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho biết: “Một số doanh nghiệp đã nói với chúng tôi rằng với mức thuế 125%, mô hình kinh doanh của họ không còn khả thi”. Ông cũng lưu ý, áp lực cạnh tranh giữa các công ty Trung Quốc đã tăng mạnh trong tuần qua.
Hart nhận định rằng thuế quan từ cả hai phía có khả năng sẽ được duy trì ở một mức nhất định, kèm theo một số ngoại lệ cho từng sản phẩm cụ thể. Ngoài ra, sản phẩm vốn được thiết kế cho người tiêu dùng vùng ngoại ô Mỹ không dễ dàng thích ứng với người dân sống trong căn hộ tại Trung Quốc.
Mặc dù nhiều nhà sản xuất đã lên các nền tảng như Xiaohongshu (RED) và Douyin để kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ, song theo bà Ashley Dudarenok, nhà sáng lập công ty tư vấn tiếp thị ChoZan, tâm lý mệt mỏi trong giới tiêu dùng đang gia tăng.
Tìm kiếm thị trường mới ngoài Mỹ
Ngày càng ít doanh nghiệp Trung Quốc nghĩ đến việc "trung chuyển" qua nước thứ ba, do Mỹ siết chặt kiểm soát. Thay vào đó, nhiều công ty đã chuyển hướng đầu tư sản xuất sang Ấn Độ và Đông Nam Á, hoặc tập trung vào các thị trường châu Âu và Mỹ Latinh.
Một số doanh nghiệp đã thành công với các tuyến thương mại khác. Ví dụ, ông Liu Xu điều hành công ty thương mại điện tử Beijing Mingyuchu, chuyên bán sản phẩm nhà tắm sang Brazil. Dù gặp khó khăn do tỷ giá biến động và chi phí vận chuyển cao, Liu tin rằng căng thẳng Mỹ-Trung sẽ không ảnh hưởng lớn đến giao thương với Brazil.
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Brazil đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2018–2024, tương tự như với Ghana. Tại Ghana, công ty Cotrie Logistics ra đời trong đại dịch để hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn cung và điều phối vận chuyển. CEO Bright Tordzroh cho biết, Cotrie hiện đạt doanh thu từ 300.000 USD đến 1 triệu USD mỗi năm và kỳ vọng xung đột thương mại Mỹ-Trung sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển hơn nữa.
Theo CNBC
Chung Khanh - nguoiquansat.vn
Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
Bình luận
0 Bình luận