Kinh tế thế giới

Nền kinh tế thứ hai Đông Nam Á lung lay: Tăng trưởng lao dốc, khủng hoảng chính trị rình rập

Động thái này diễn ra trong bối cảnh liên minh cầm quyền vốn đã rạn nứt, nay càng thêm mong manh.

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan tiếp tục leo thang sau khi Tòa án Hiến pháp đình chỉ Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra vào ngày 1/7, đẩy tương lai chính trị của bà, triển vọng kinh tế đất nước và cả một dòng họ chính trị quyền lực vào tình trạng bất định.

Tòa án cho biết quyết định đình chỉ là do bà Paetongtarn bị cáo buộc vi phạm đạo đức theo hiến pháp, sau khi xuất hiện đoạn ghi âm rò rỉ trong đó bà có lời lẽ chỉ trích quân đội và được cho là đứng về phía Campuchia trong tranh chấp biên giới.

Bà có 15 ngày để phản hồi cáo buộc. Trong thời gian này, Phó Thủ tướng Suriya Jungrungreangkit sẽ tạm thời điều hành một chính phủ chuyển tiếp yếu ớt.

Nền kinh tế thứ hai Đông Nam Á lung lay: Tăng trưởng lao dốc, khủng hoảng chính trị rình rập - ảnh 1
Bà Paetongtarn Shinawatra phát biểu với giới truyền thông tại Bangkok sau khi bị đình chỉ vào ngày 1/7

Khủng hoảng chính trị ập đến đúng lúc Thái Lan đang phải vật lộn với tăng trưởng chậm chạp, nợ hộ gia đình cao, ngân sách năm 2025 chưa được thông qua, và rủi ro từ các chính sách thuế của Donald Trump nếu ông trở lại Nhà Trắng. Hồi tháng 5, chính phủ Thái Lan đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2025 xuống chỉ còn 1,3%, giảm hẳn 1 điểm phần trăm.

Tình hình thêm phần bấp bênh khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sethaput Suthiwartnarueput sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 30/9, nhưng người kế nhiệm vẫn chưa được bổ nhiệm.

“Không ai đang cầm lái con tàu, và Thái Lan đang trôi vô định”, giáo sư Thitinan Pongsudhirak từ Đại học Chulalongkorn ở Bangkok nhận định. “Dự luật ngân sách cần phải được thông qua, nhưng điều đó sẽ rất khó dưới một chính phủ liên minh yếu kém và thiếu ổn định”.

Trong bối cảnh hỗn loạn đó, đảng Bhumjaithai – đối tác lớn nhất trong liên minh cầm quyền – đã rút lui vào tháng trước sau nhiều tuần mâu thuẫn nội bộ. Hiện không có gì đảm bảo các đảng còn lại sẽ tiếp tục ở lại.

Tương lai bất định

Tòa án chưa đưa ra thời hạn phán quyết cuối cùng, nhưng theo các chuyên gia, nếu quá trình kéo dài, khoảng trống quyền lực sẽ càng trở nên nguy hiểm.

“Thái Lan có vẻ đang đối mặt với một cuộc bế tắc chính trị kéo dài, có thể làm suy yếu thêm nền kinh tế vốn đã mong manh", chuyên gia Napon Jatusripitak từ Viện ISEAS-Yusof Ishak cảnh báo.

Bóng ma quân đội tiếp tục bao trùm chính trường Thái Lan – lực lượng này từng thực hiện hàng chục cuộc đảo chính kể từ khi chế độ quân chủ tuyệt đối chấm dứt vào năm 1932.

Chính các đảng phái thân quân đội đã hậu thuẫn để bà Paetongtarn lên nắm quyền, sau khi đảng đối lập không thể thành lập chính phủ trong cuộc bầu cử cách đây hai năm. Thỏa hiệp này cũng tạo điều kiện để cha bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, trở về nước sau nhiều năm sống lưu vong.

Nền kinh tế thứ hai Đông Nam Á lung lay: Tăng trưởng lao dốc, khủng hoảng chính trị rình rập - ảnh 2
Ông Thaksin Shinawatra đến Bangkok sau khi trở về từ nơi lưu vong vào năm 2023

Dù bị đình chỉ chức Thủ tướng, Paetongtarn vẫn chưa bị loại khỏi chính phủ. Trước khi phán quyết được công bố vài giờ, bà đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Văn hóa trong đợt cải tổ nội các - động thái được cho là nhằm giữ bà ở lại chính trường. Nội các mới sẽ tuyên thệ nhậm chức vào thứ Năm.

Tuy nhiên, uy tín của bà đã bị tổn hại nghiêm trọng: một khảo sát gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà Paetongtarn chỉ còn 9,2%, và hàng nghìn người đã xuống đường kêu gọi bà từ chức.

“Tôi tôn trọng phán quyết của tòa”, Paetongtarn phát biểu hôm thứ Ba. “Tôi vẫn là công dân Thái Lan và sẽ tiếp tục cống hiến cho đất nước trong thời gian bị đình chỉ”.

Dù vậy, lo ngại chính phủ sẽ sụp đổ trước khi kịp thông qua ngân sách đang ngày càng lớn. Kế hoạch tài khóa 2026 – dự kiến trình vào tháng 8 – có thể bị đình trệ. Kinh tế trưởng Burin Adulwattana từ Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn cảnh báo: nếu chính phủ “xác sống” không thể thông qua ngân sách, đồng baht và thị trường chứng khoán sẽ chịu thêm áp lực lớn.

Nhà đầu tư vẫn hoài nghi

Tỷ giá baht giảm 0,1% sáng thứ Tư. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm gần như đi ngang, sau khi giảm 3 điểm cơ bản trong phiên trước. Chỉ số chứng khoán SET – hiện là thị trường tệ nhất thế giới trong năm nay – đã bật tăng 1,9% hôm thứ Ba nhờ kỳ vọng rằng việc đình chỉ Paetongtarn sẽ giúp giảm căng thẳng chính trị. Tuy nhiên, triển vọng này vẫn còn nhiều nghi ngờ.

“Việc bà Paetongtarn bị đình chỉ càng khiến dự báo tăng trưởng trở nên bất định, trong bối cảnh kinh tế đã chịu sức ép từ thuế quan của Mỹ”, chuyên gia Lavanya Venkateswaran từ Ngân hàng OCBC (Singapore) nhận xét. “Câu hỏi lớn là: chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Và câu trả lời cần đến sớm, vì rủi ro là rất lớn”.

Nếu cuối cùng tòa tuyên bà Paetongtarn vi phạm hiến pháp, bà sẽ chính thức bị bãi nhiệm. Quốc hội khi đó sẽ tổ chức bỏ phiếu chọn người kế nhiệm từ danh sách ứng viên được đệ trình trước cuộc bầu cử năm 2023. Nếu điều đó xảy ra, bà sẽ trở thành thành viên thứ ba trong gia tộc Shinawatra bị loại khỏi ghế Thủ tướng, sau cha bà Thaksin và cô ruột Yingluck.

Các ứng viên tiềm năng bao gồm ông Chaikasem Nitisiri (đảng Pheu Thai), ông Anutin Charnvirakul (Bhumjaithai), ông Pirapan Salirathavibhaga (đảng Quốc gia Thống nhất) và ông Jurin Laksanawisit (đảng Dân chủ).

Cựu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha – người từng dẫn đầu cuộc đảo chính gần nhất – cũng đủ điều kiện để trở lại. Dù khả năng đảo chính quân sự luôn hiện hữu ở Thái Lan, làn sóng bất mãn với kinh tế yếu kém dưới thời ông Prayuth từng khiến chính quyền của ông phải chấp nhận tổ chức bầu cử.

Thanh Lê - nguoiquansat.vn

Theo Thị trường tài chính