Sau thời gian dài bí vốn, khó tiếp cận tín dụng ngân hàng thì gần đây, doanh nghiệp bất động sản đón nhận tin vui khi liên tục xuất hiện những thương vụ trợ vốn của ngân hàng.
Tín dụng bất động sản đang có sự tăng mạnh trở lại để giúp cho các dự án được hồi sinh. Ảnh: Bảo Chương
Novaland vừa công bố Nghị quyết về việc bảo lãnh cho khoản vay của công ty liên quan với hạn mức tại Ngân hàng MB (MBBank - MBB). Ghi nhận, MBBank dự kiến giải ngân tối đa 10.000 tỉ đồng cho Delta-Valley (công ty thành viên của NVL), dư nợ của Delta-Valley tại MBBank tối đa tại mọi thời điểm là 6.000 tỉ đồng.
Mục đích vay nhằm thanh toán tiền sử dụng đất, nhu cầu đầu tư, xây dựng và phát triển Dự án Tổ hợp Khu du lịch Thung Lũng Đại Dương theo Quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Bình Thuận cấp ngày 16.4.2019 cùng các sửa đổi, bổ sung tại từng thời điểm, nằm trên khu đất có diện tích 986,33ha...
Công ty bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng được MBBank cấp gói tín dụng hơn 6.000 tỉ đồng cho chủ đầu tư và khách hàng mua sản phẩm ở 2 dự án khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 và 2 (tỉnh Bình Dương). Hai dự án này có tổng mức đầu tư hơn 10.800 tỉ đồng, dự kiến triển khai từ đầu năm 2024.
Một dự án khác có quy mô 5.000 căn hộ là Astral City (Bình Dương) của Tập đoàn Danh Khôi cũng vừa khởi động trở lại sau khi được Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank - VPB) rót 1.200 tỉ đồng. Nút thắt khó khăn tài chính được tháo gỡ, dự án dự kiến chào thị trường năm 2024.
Ngoài những dự án trên, thị trường bất động sản phía Nam cũng ghi nhận nhiều thương vụ tài trợ vốn của ngân hàng. Tiêu biểu là Tập đoàn Hưng Thịnh được Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank - LPB) đồng ý cấp gói tín dụng 5.000 tỉ đồng, tài trợ cho các dự án bất động sản của Tập đoàn và các công ty thành viên, giải ngân theo tiến độ cụ thể.
Báo cáo về thị trường bất động sản vừa được Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra cho thấy, vào cuối quý III/2023, dư nợ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và dư nợ lĩnh vực xây dựng của các tổ chức tín dụng tăng khoảng 13,4% kể từ đầu năm, nhanh hơn tăng trưởng tín dụng toàn ngành, chiếm lần lượt 7,7% và 8,3% tổng dư nợ.
Các chuyên gia phân tích nhận định rằng sau giai đoạn siết tín dụng đối với doanh nghiệp bất động sản, các ngân hàng bắt đầu đẩy mạnh giải ngân cho chủ đầu tư. Nguyên nhân được cho là bởi thị trường bất động sản đã có tín hiệu phục hồi sau các nỗ lực hỗ trợ về lãi suất, pháp lý (Nghị quyết 33, Thông tư 10); hoạt động cơ cấu lại danh mục khi khả năng hấp thụ vốn của các phân phúc khác còn yếu.
Đồng thời, ngân hàng tăng cho vay để đáp ứng nhu cầu gia tăng của doanh nghiệp bất động sản trong điều kiện mặt bằng lãi suất ngân hàng giảm và kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp không thuận lợi.
VCBS dự báo, tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản và xây dựng vẫn sẽ tiếp tục tăng nhanh, nhưng sẽ có sự phân hóa về khả năng tiếp cận vốn giữa các phân khúc và doanh nghiệp trên thị trường.
Theo đó, tín dụng sẽ tập trung vào phân khúc bất động sản bình dân phục vụ nhu cầu ở thực, bất động sản khu công nghiệp và xây dựng hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, một phần tín dụng sẽ được giải ngân cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về tài chính với mục đích tái cấu trúc nợ.
"Sự phân hóa mạnh mẽ sẽ bắt đầu thể hiện từ năm 2024 giữa các khu vực, phân khúc và doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn nghiêm trọng về thanh khoản có thể phải chấp nhận rời khỏi thị trường, hoặc chuyển nhượng dần danh mục dự án, mảng kinh doanh để xử lý các nghĩa vụ nợ.
Các doanh nghiệp quy mô lớn có dự án bị tắc nghẽn về pháp lý, nguồn vốn vẫn tích cực được hỗ trợ để tránh rủi ro nợ xấu và tình trạng dự án treo nhiều năm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp dự báo sẽ khó khôi phục vị thế và quy mô phát triển dự án như trước đó”, VCBS đánh giá.
BẢO CHƯƠNG
Theo Báo Lao Động
Bình luận
0 Bình luận