Tài chính ngân hàng

Ngân hàng nỗ lực, tăng trưởng tín dụng khởi sắc

Có thể nói trong thời gian qua, dù sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu nhưng các ngân hàng rất nỗ lực bằng nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, thúc tín dụng tăng trưởng tín dụng. Điển hình như tính đến hết quý I, so với cuối năm 2023, tín dụng tại OCB tăng 4,6%, Techcombank (mã TCB) tăng hơn 3%, thậm chí HDBank (mã HDB) tăng trưởng 6% - mức cao nhất toàn hệ thống.

Nền kinh tế đã “ngấm” vốn rẻ

Tính đến ngày 28/3, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 0,9% so với cuối năm ngoái, thấp hơn so với cùng kỳ. Nhưng nếu so với cách đó một tháng, tăng trưởng tín dụng đã có tín hiệu tích cực, sau tháng 1 và 2 tăng trưởng âm. Dữ liệu trên cho thấy cầu vốn đã có sự cải thiện.

Có thể nói trong thời gian qua, dù sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu nhưng các ngân hàng rất nỗ lực bằng nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, thúc tín dụng tăng trưởng tín dụng. Điển hình như tính đến hết quý I, so với cuối năm 2023, tín dụng tại OCB tăng 4,6%, Techcombank tăng hơn 3%, thậm chí HDBank tăng trưởng 6% - mức cao nhất toàn hệ thống.

https://cdn.stockproxx.com/2024/4/12/ngan-hang.jpg

Nguồn vốn đáp ứng nhu cầu chính đáng, hợp lý, lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng của nền kinh tế

Một trong những giải pháp được các ngân hàng triển khai rất tích cực trong thời gian qua là giảm lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy tín dụng, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Lãnh đạo Agribank cho biết, lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường của ngân hàng tối thiểu 5%/năm; lãi suất cho vay trung - dài hạn thông thường tối thiểu 6%/năm; lãi suất cho vay đối với tiêu dùng qua thẻ tín dụng của ngân hàng chỉ là 13%/năm, gần như mức lãi suất thấp nhất trong hệ thống.

Ngoài giảm lãi suất trực tiếp các khoản vay, Agribank còn đang triển khai rất nhiều gói tín dụng ưu đãi, đối tượng khách hàng được hưởng cũng đa dạng như gói tín dụng 15.000 tỷ đồng tài trợ các dự án đầu tư thuộc 6 ngành trọng điểm và dự án thuộc lĩnh vực xanh với lãi suất ưu đãi dành cho các khoản vay trung - dài hạn, cố định trong năm đầu tiên chỉ từ 6,0%/năm…

Lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết, từ đầu tháng 4/2024, ngân hàng này đã thực hiện giảm lãi suất cho vay ở mức 0,5 điểm phần trăm/năm với các khách hàng có khoản vay hiện hữu trong thời hạn 3 tháng, quy mô của gói giảm lãi suất này lên tới 265.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vietcombank hiện cũng đang triển khai nhiều gói cho vay mới với mức lãi suất giảm tới 1,5 điểm phần trăm/năm so với mặt bằng lãi suất của tháng 3/2024.

Các NHTMCP tư nhân cũng rất tích cực giảm lãi suất để thu hút khách hàng vay vốn, như tại ACB đang cho vay với lãi suất chỉ từ 4,6%/năm đối với doanh nghiệp và 6%/năm đối với cá nhân. Techcombank đang triển khai hàng loạt gói vay ưu đãi cho từng đối tượng khách hàng. Trong đó, với doanh nghiệp lớn, Techcombank triển khai gói ưu đãi lãi suất cho khách hàng vay mới với mức lãi suất chỉ từ 5,5%/năm; với khách hàng hiện hữu, ngân hàng vẫn đang duy trì biểu lãi suất ưu đãi cho các khách hàng có lịch sử tín dụng tốt cũng như chọn Techcombank là ngân hàng giao dịch chính, sử dụng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp do ngân hàng cung cấp với mức lãi suất dao động từ 4,5 - 6,5%/năm.

Theo cập nhật của NHNN đến thời điểm này, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4 và 0,6 điểm phần trăm/năm so với cuối năm 2023.

Với nguồn cung vốn rẻ ngày càng gia tăng, số lượng doanh nghiệp “ngấm” vốn rẻ cũng nhiều hơn. Lãnh đạo một doanh nghiệp may mặc cho biết, doanh nghiệp đã được ngân hàng thông báo giảm thêm lãi vay. Có những món nhận nợ được giảm 2-2,5 điểm phần trăm/năm so với năm ngoái. Qua đó, doanh nghiệp được hỗ trợ rất nhiều về chi phí, từ đó giúp duy trì sản xuất.

Lãnh đạo Công ty Chỉ may Tuấn Hồng, Hà Nội nhận định, lãi suất cho vay hiện tại từ 4,1%/năm đối với sản xuất kinh doanh ngắn hạn và từ 5%/năm trở lên đối với vốn trung - dài hạn là các mức lãi suất thấp nhất, lý tưởng nhất trong vòng 12 năm trở lại đây, tạo nền móng cho kế hoạch kinh doanh và phát triển trong năm 2024 của doanh nghiệp. Chính vì vậy, hiện nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất, tận dụng cơ hội trên.

Thông tin khá tích cực từ một lãnh đạo doanh nghiệp chuyên sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm đồ gỗ cho biết, đơn hàng của doanh nghiệp này đang tăng nhanh. Vì vậy, doanh nghiệp cần khoảng 8-10 tỷ đồng vốn lưu động để thu mua nguyên liệu gỗ về sản xuất. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm, lại có nhiều gói hỗ trợ lãi suất nên doanh nghiệp xem đây là cơ hội để sớm phục hồi, phát triển.

Tạo điều kiện nhưng không hạ chuẩn

Lãnh đạo một ngân hàng nhận định, nền kinh tế đang trên đà phục hồi, GDP năm 2024 được kỳ vọng sẽ duy trì tích cực trên 6%. Ngoài ra, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát và áp lực lên VND giảm, một số chính sách hỗ trợ như Thông tư 02 về cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ có thể được kéo dài... sẽ là yếu tố hỗ trợ tăng tín dụng. Động lực tăng trưởng nửa đầu năm có thể đến từ đầu tư công, xuất nhập khẩu hay khối khách hàng FDI. Dù có phần chậm hơn nhưng cầu khách hàng cá nhân cho tiêu dùng và đầu tư sẽ hồi phục mạnh trong nửa cuối năm...

“Điều này cho thấy còn khá nhiều dư địa để cung cấp các sản phẩm tài chính, tổng nhu cầu vốn năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng. Với dấu hiệu khởi sắc này, hy vọng trong quý II và III, nhất là quý IV, nguồn vốn tín dụng sẽ đạt mức kỳ vọng dự kiến cả năm là 14-15%”, vị lãnh đạo này chia sẻ.

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng đã tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02. Để tiếp tục tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, NHNN đã trình Chính phủ gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng thay vì kết thúc vào 30/6 tới. Hết năm 2024, NHNN sẽ đánh giá lại, nếu doanh nghiệp vẫn khó khăn thì có cơ chế hỗ trợ khác thay vì kéo dài chính sách hỗ trợ này quá lâu tiềm ẩn rủi ro.

Bởi có một thực tế đáng lo ngại là nợ xấu đang có xu hướng tăng. Nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng đến cuối năm 2023 là 4,55%. Riêng năm 2023 tăng 2,03% nợ xấu nội bảng, chưa kể là các khoản nợ xấu được tạm thời cơ cấu lại, bán cho VAMC mà chưa được xử lý… “Đây là các con số cho thấy không thể đẩy mạnh tín dụng một cách ồ ạt, bất chấp các tiêu chuẩn để nền kinh tế gánh nợ xấu lớn, trở thành cục máu đông như cách đây hơn 10 năm mà xử lý cho đến bây giờ chưa hết”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Quan điểm điều hành của NHNN là luôn luôn song hành hai nhiệm vụ, vừa hỗ trợ vốn cho nền kinh tế và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa đảm bảo an toàn hệ thống. Chính vì thế nguồn vốn đáp ứng nhu cầu chính đáng, hợp lý, lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy điều kiện, tiêu chuẩn tín dụng là không hạ thấp, nhưng lãnh đạo NHNN lưu ý các NHTM phải tiếp tục đơn giản thủ tục, quy trình, thời gian để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn một cách dễ dàng hơn.

Nguyễn Vũ

Theo Thời báo ngân hàng