Vĩ mô

Ngân sách cho giáo dục đại học: 'Tự chủ' không đồng nghĩa với 'tự lo'

Chiều 11/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Tự chủ đại học – Cơ hội nào để phát triển?" để nhận diện rõ hơn những thách thức, khó khăn, những thuận lợi, cơ hội để phát triển hệ thống đại học.

Tại Tọa đàm, PGS.TS. Lưu Bích Ngọc – Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực - đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính khiến chủ trương tự chủ đại học chuyển biến chậm sau 15 năm triển khai.

Thứ nhất, bà Ngọc cho rằng xã hội và chính các cơ sở giáo dục đại học hiện nay ở Việt Nam trong thời gian qua đã hiểu chưa đúng về tự chủ đại học. Nhà nước ban hành chủ trương chính sách là tăng cường tự chủ đại học nhưng lại cắt đầu tư ngân sách, điều đó khiến cho tự chủ đại học đồng nghĩa với tự chủ là các cơ sở giáo dục phải tự lo.

Thứ hai, tồn tại tình trạng mâu thuẫn trong quyền lực, điều hành, quản lý. Các cơ sở giáo dục đại học hiện nay còn sự chồng lấn giữa Hội đồng trường, Đảng uỷ và Ban Giám hiệu nhà trường, dẫn đến sự không hiệu quả trong điều hành nội bộ của các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ ba, cơ chế tự chủ chưa thực sự mở. Khi tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học vẫn phải tuân thủ theo các hệ thống, văn bản pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên giữa các luật này chưa có sự thống nhất, đồng bộ, còn có sự "đâm ngang" nhau. Có thể nói tựu chung lại là sự thiếu đồng bộ về cơ chế đã khiến các cơ sở giáo dục đại học bó chân, bó tay khi thực hiện tự chủ.

Do đó, trong bối cảnh mới, Nhà nước cần đóng vai trò “kiến tạo”, tập trung xây dựng hệ thống chuẩn mực về cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra. Thay vì tiền kiểm cứng nhắc, cần đẩy mạnh hậu kiểm để giám sát hiệu quả và thực chất hơn. Cùng với đó là việc thiết lập văn hóa đảm bảo chất lượng nội sinh và đổi mới mô hình quản trị tại các trường công lập.

Ngân sách cho giáo dục đại học: 'Tự chủ' không đồng nghĩa với 'tự lo'
Tọa đàm "Tự chủ đại học – Cơ hội nào để phát triển?" - Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, nhìn từ thực tiễn cho thấy một trong những lo ngại lớn nhất hiện nay là sự nhầm lẫn giữa "tự chủ" và "buông lỏng quản lý". Tự chủ không đồng nghĩa với việc trường đại học được làm mọi thứ theo ý mình mà không bị ràng buộc trách nhiệm.

Đánh giá về vấn đề này, bà Ngọc cho rằng tự chủ không phải là buông lỏng quản lý. Trước đây, Nhà nước cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập được tự chủ, luôn có các cơ chế giám sát từ tiền kiểm đến hậu kiểm đi kèm. Xu thế hiện nay và trong tương lai là tăng cường công tác hậu kiểm.

Nhà nước đóng vai trò "kiến tạo", ban hành các chính sách về các quy chuẩn chung như chuẩn cơ sở giáo dục đại học, chuẩn chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra. Còn tất cả các hệ thống hậu kiểm ở phía sau sẽ đi vào và phát triển mạnh mẽ hơn để giám sát sự vận hành, đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học tự chủ sẽ có các sản phẩm đào tạo đầu ra có thể đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Trong thời gian này, tư tưởng cũng cần phải thúc đẩy, xây dựng văn hóa đảm bảo chất lượng từ bên trong, cũng như tạo ra các mô hình quản trị mới trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Song song với đó, cần đẩy mạnh trách nhiệm giải trình và tăng cường sự giám sát của Nhà nước, của xã hội và người học đối với tất cả các hoạt động vận hành của cơ sở giáo dục đại học công lập.

Tất cả những tư tưởng này đang được chuyển hóa vào Luật Giáo dục Đại học sửa đổi. Dự kiến, Luật này sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 10/2025, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho giai đoạn phát triển mới.

An Chi - nguoiquansat.vn

Theo Kiến thức Đầu tư