Châu Á

Ngành xuất khẩu Trung Quốc lao đao: 16 triệu việc làm có nguy cơ biến mất vì thuế quan của Mỹ

Điều này càng làm gia tăng áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc, vốn đang chật vật vì bất động sản suy yếu và tăng trưởng chậm lại.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết, thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc có thể khiến 16 triệu việc làm tại quốc gia châu Á này đối mặt rủi ro lớn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa bán lẻ và bán buôn.

“Nếu mức thuế cao giữa Mỹ và Trung Quốc duy trì lâu dài, khiến xuất khẩu Trung Quốc sụt giảm mạnh, thị trường lao động sẽ chịu áp lực đáng kể”, Goldman Sachs nhận định trong báo cáo công bố hôm 27/4.

Ngân hàng này ước tính có 16 triệu việc làm liên quan đến sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, trong đó gần 1/4 nằm ở lĩnh vực bán lẻ và bán buôn.

Đồng thời, Goldman Sachs lưu ý các mặt hàng như thiết bị viễn thông, quần áo và sản phẩm hóa chất đang đặc biệt dễ tổn thương do chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, với mục tiêu thu hẹp thâm hụt thương mại và thúc đẩy sản xuất trong nước, đã áp thuế tổng cộng 145% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm nay, nâng mức thuế hiệu dụng lên khoảng 156%. Theo một tài liệu từ Nhà Trắng, một số mặt hàng Trung Quốc hiện phải chịu mức thuế lên tới 245%.

Đáp trả, Bắc Kinh cũng áp thuế bổ sung 125% đối với toàn bộ hàng hóa Mỹ, ngoài các mức thuế đã có trước đó.

Ngành xuất khẩu Trung Quốc lao đao: 16 triệu việc làm có nguy cơ biến mất vì thuế quan của Mỹ - ảnh 1
16 triệu việc làm xuất khẩu tại Trung Quốc có nguy cơ bị đe dọa vì thuế Mỹ. Ảnh: SCMP

Sau cuộc họp tuần trước, Bộ Chính trị Trung Quốc – cơ quan lãnh đạo cấp cao gồm 24 thành viên do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu – cam kết ổn định kinh tế và thị trường lao động, đồng thời kêu gọi các biện pháp hỗ trợ những đối tượng chịu tác động từ thuế quan.

Ngoài ra, việc Mỹ bãi bỏ các miễn trừ thuế đối với các lô hàng giá trị thấp cũng đang gia tăng áp lực việc làm đối với ngành bán lẻ và bán buôn Trung Quốc, theo Goldman Sachs.

S&P Global Ratings dự đoán các đợt tăng thuế của Mỹ sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nhiều tỉnh ven biển như Quảng Đông, Giang Tô, Sơn Đông, Chiết Giang cùng với Thượng Hải – trung tâm tài chính và cảng biển lớn của Trung Quốc. Những khu vực này chiếm khoảng 40% GDP quốc gia và nằm trong nhóm xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ.

S&P cảnh báo, áp lực từ thuế quan sẽ làm xói mòn doanh thu ngân sách và cản trở nỗ lực giảm nợ trong bối cảnh các địa phương đang gánh chịu gánh nặng nợ công ngày càng lớn do thị trường bất động sản suy yếu, chi tiêu hạ tầng quy mô lớn và tăng trưởng thuế chậm lại.

Chuyên gia tín dụng Christopher Yip của S&P nhận xét: “Việc tăng thuế ở mức hiện tại có thể để lại tác động lâu dài đối với các nền kinh tế khu vực có hoạt động thương mại sôi động với Mỹ”.

Goldman Sachs cho biết thêm, trong bối cảnh thị trường lao động yếu, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có xu hướng cắt giảm lãi suất chính sách.

Báo cáo cũng cho rằng các nhà sản xuất Trung Quốc có thể chuyển hoạt động sản xuất sang nước thứ ba và xuất khẩu từ đó sang Mỹ nhằm tránh mức thuế cao – dù gói thuế “Ngày Giải phóng” mà ông Trump tạm hoãn trước đó đã nhằm vào nhiều tuyến né thuế tiềm năng.

Goldman Sachs bình luận: “Vì phần lớn các nước khác không phải chịu mức thuế cao như Trung Quốc, các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể tìm cách tái tuyến hàng hóa qua các quốc gia này. Việc tái tuyến, kết hợp với lợi thế cạnh tranh về giá, có thể giúp xuất khẩu của Trung Quốc sang các thị trường khác giữ ở mức vững chắc”.

Theo SCMP

Ngọc Hân - nguoiquansat.vn

Theo Thị trường tài chính