Ngành này vốn chỉ sôi động từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, nhưng Quảng Ninh đang tạo ngoại lệ: giữa mùa hè, các tàu quốc tế vẫn tấp nập cập bến, mở ra kỳ vọng phát triển quanh năm.
Thông thường, du lịch tàu biển chỉ thực sự sôi động trong khoảng từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau, khi thời tiết thuận lợi và khách quốc tế gia tăng nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, ngay giữa mùa hè năm nay, vốn được coi là thời điểm "trũng" của ngành, Quảng Ninh vẫn đón đều đặn các chuyến tàu quốc tế, tạo nên một "ngoại lệ" chưa từng có.
Chiều 23/7, tàu Star Voyager đến từ Hồng Kông đưa hơn 1.200 du khách châu Á cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, đánh dấu lần thứ hai tàu này quay lại Quảng Ninh chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng. Theo kế hoạch, tàu sẽ trở lại ít nhất 10 lần nữa trong năm 2025, một tín hiệu rõ ràng cho thấy xu hướng phá vỡ mùa vụ đang hình thành.
Không chỉ có Star Voyager, từ đầu năm 2025 đến nay, Quảng Ninh đã đón gần 40 chuyến tàu biển quốc tế, với gần 50.000 lượt khách, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, lượng tàu đến vào các tháng hè dự kiến tăng gấp rưỡi so với mùa hè năm 2024. Toàn năm, Quảng Ninh dự kiến đón khoảng 70 chuyến tàu biển với 90.000 lượt khách quốc tế, tăng 30% so với năm trước.
Nguồn khách đến từ nhiều thị trường trọng điểm như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc… với đa số là khách cao cấp. Những hãng tàu quen thuộc như Celebrity Solstice, Mein Schiff 6, Westerdam tiếp tục quay lại, bên cạnh sự xuất hiện của những “tân binh” như Brilliant Lady, Luminara hay Pacific World.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch tàu biển có doanh thu cao hơn khoảng 40% so với đường hàng không hay đường bộ. Đây là phân khúc khách có khả năng chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài và thường sử dụng các dịch vụ cao cấp. Việc thu hút được dòng khách này không chỉ giúp tăng doanh thu, mà còn nâng tầm điểm đến trên bản đồ du lịch quốc tế.
Chính vì vậy, việc Quảng Ninh "ngược mùa" hút khách không đơn thuần là một hiện tượng, mà là dấu hiệu của sự chuyển hướng chiến lược: từ phục vụ theo chu kỳ sang phát triển quanh năm, giảm rủi ro mùa vụ – yếu tố vốn là điểm yếu cố hữu của du lịch biển đảo Việt Nam.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh du lịch tàu biển: địa lý nằm trên trục hàng hải quốc tế, thiên nhiên đa dạng, tiềm năng dịch vụ cao cấp chưa được khai thác hết. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, du lịch biển đảo được xác định là ưu tiên hàng đầu.
![]() |
Du lịch tàu biển là phân khúc đầy tiềm năng, với sự tham gia của nhiều hãng tàu lớn. (Ảnh minh họa) |
Trong khi các cảng tàu biển du lịch tại khu vực Đông Nam Á còn khá hạn chế, Quảng Ninh nổi bật lên như một điểm sáng. Chính quyền tỉnh đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cảng bến, mở rộng chuỗi sản phẩm du lịch cho khách tàu biển, đồng thời xúc tiến quảng bá ra quốc tế, ký kết với các hãng lữ hành và tổ chức khảo sát cho KOLs, báo chí nước ngoài.
Theo chiến lược, Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách du lịch năm 2025, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế, góp phần hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 14%.
Việc phá vỡ quy luật mùa vụ không chỉ giúp Quảng Ninh bứt tốc trong mùa thấp điểm, mà còn là bước đệm để khẳng định vị thế lâu dài. Với vị trí “ngã ba giao thương” Đông Bắc Á – ASEAN – Đông Bắc Trung Quốc, cùng thiên nhiên kỳ vĩ và nền du lịch đang được chuyên môn hóa, Quảng Ninh đang nắm cơ hội vươn lên trở thành trung tâm tàu biển hàng đầu khu vực.
Nguyên Mộc - nguoiquansat.vn
Theo Kiến thức Đầu tư
Bình luận
0 Bình luận