Việc để thương nhân đầu mối và phân phối tự quyết định giá bán xăng dầu về cơ bản là khuyến khích cạnh tranh, giúp hạn chế tình trạng “lỗ ảo, lãi thật” phát sinh từ cơ chế điều hành bất ổn trong thời gian qua. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng điều này có nguy cơ tạo nên sự lũng đoạn thị trường, thị phần xăng dầu tập trung trong tay một vài doanh nghiệp lớn.
Nhiều điểm mới ngăn báo cáo khống
Dự thảo lần 6 Nghị định về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công Thương trình Chính phủ với hàng loạt điều chỉnh mạnh tay nhằm định hình lại cấu trúc thị trường xăng dầu. So với các dự thảo trước, dự thảo lần này được đánh giá có nhiều quy định hướng đến việc thúc đẩy sự cạnh tranh, quản lý thị trường bằng dữ liệu...
Một trong những điểm mới của dự thảo là quy định bắt buộc thương nhân đầu mối phải thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 100.000m³/năm, nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép. Đây là quy định mang tính sàng lọc giúp thị trường loại bỏ doanh nghiệp yếu kém, chỉ giữ giấy phép mà không đủ năng lực cung ứng. Trước đây, nhiều doanh nghiệp được cấp phép nhưng hoạt động cầm chừng đã gây méo mó thị trường.
Dự thảo lần này cũng quy định các doanh nghiệp kết nối dữ liệu trực tuyến với Bộ Công Thương về tồn kho, nhập xuất - là hàng rào kỹ thuật mạnh, ngăn tình trạng “báo cáo khống” hoặc “găm hàng báo thiếu”. Với thương nhân đầu mối, dự thảo có quy định giảm điều kiện về số lượng cửa hàng trong hệ thống.
![]() |
Dự thảo lần 6 Nghị định kinh doanh xăng dầu có nhiều điểm mới theo hướng thị trường cạnh tranh. |
Dự thảo lần này cũng cho phép thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ thương nhân phân phối khác, thay vì 5 dự thảo trước đó đều cấm.
Đặc biệt, dự thảo mới quy định thương nhân đầu mối, phân phối được tự công bố giá bán lẻ vào mỗi thứ Năm, miễn là không vượt trần giá tính theo công thức (giá bán lẻ = chi phí tạo nguồn + chi phí kinh doanh + lợi nhuận + thuế giá trị gia tăng).
Quy định này được đánh giá là hướng đến một thị trường cạnh tranh hơn, hạn chế tình trạng “lỗ ảo, lãi thật” do bất cập cơ chế điều hành trong thời gian qua. Tuy nhiên, dự thảo nghị định cũng trao nhiều quyền cho thương nhân đầu mối - từ quyết định và công bố giá bán lẻ, kiểm soát hệ thống phân phối nội bộ, đến điều phối nguồn cung trong nước và nhập khẩu.
Nguy cơ doanh nghiệp lớn chi phối
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, thị trường xăng dầu ở Việt Nam hiện nay chưa có sự cạnh tranh hoàn hảo. Theo ông Long, Luật Cạnh tranh hiện quy định doanh nghiệp có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường hoặc nhóm từ 2-3 doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên, hoặc 4 doanh nghiệp trở lên có tổng thị phần từ 75% trở lên thì được xem là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Trên thị trường xăng dầu Việt Nam hiện nay, riêng 2 doanh nghiệp lớn Nhà nước đã chiếm khoảng 70% thị phần.
“Thị trường vẫn còn doanh nghiệp thống lĩnh nên nếu để các doanh nghiệp tự quyết giá bán sẽ dẫn đến chi phối và gây rủi ro lũng đoạn thị trường trong trường hợp kiểm soát không tốt. Cùng với đó, doanh nghiệp nhỏ sẽ bị loại khỏi thị trường nếu các ông lớn áp dụng giá bán dưới giá thành để triệt hạ đối thủ”, ông Long nói và cho rằng điều này đi ngược nguyên tắc của Luật Cạnh tranh khi cấm doanh nghiệp thống lĩnh áp đặt giá bán mua hàng hóa, dịch vụ, áp đặt điều kiện thương mại bất lợi cho đối tác…
![]() |
Còn nhiều lo ngại về việc để thương nhân đầu mối, phân phối quyết định giá bán xăng dầu. |
Giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu lớn ở phía Bắc cho rằng, hiện một số thương nhân đầu mối nắm giữ thị phần áp đảo trong nhập khẩu và phân phối xăng dầu, đồng thời kiểm soát các chuỗi bán lẻ thông qua hình thức chi nhánh, công ty con, hoặc hợp đồng đại lý độc quyền.
Nếu không có cơ chế chống liên kết chéo và quản lý nhượng quyền minh bạch, khả năng các “ông lớn” điều tiết thị trường theo hướng có lợi cho mình là hoàn toàn có thể xảy ra và được hợp pháp hóa.
Theo vị này, một thương nhân đầu mối sở hữu kho, cảng, phương tiện vận tải và chuỗi bán lẻ - hoàn toàn có thể chiếm lĩnh thị trường tại một địa phương. Chỉ cần áp dụng chính sách chiết khấu phân biệt hoặc ngưng cấp hàng trong một thời gian, doanh nghiệp đó có thể đẩy các đối thủ nhỏ ra khỏi "đường đua".
Đặc biệt, trong khi thương nhân đầu mối được nhập khẩu và ủy quyền linh hoạt, thương nhân phân phối lại bị giới hạn về nguồn cung, không được tự nhập hàng hay đàm phán với nhà máy lọc dầu nội địa. Sự mất cân đối này khiến các doanh nghiệp phân phối nhỏ dễ bị “bóp nghẹt” bởi điều kiện hợp đồng do bên cung cấp lớn áp đặt...
“Trong giai đoạn khủng hoảng xăng dầu cuối năm 2022, đầu năm 2023 đã thấy rõ bài học. Nếu một vài doanh nghiệp nắm nguồn cung nhưng có biểu hiện ngừng lấy hàng hoặc bán với chiết khấu âm, thị trường ngay lập tức rơi vào hỗn loạn. Nếu chỉ dựa vào con số trên giấy phép mà không nắm được ai đang thực sự chi phối chuỗi cung ứng, cơ quan điều hành sẽ luôn rơi vào thế bị động”, vị này nói.
Dương Hưng - nguoiquansat.vn
Theo tienphong.vn
Bình luận
0 Bình luận