Trước làn sóng chỉ trích trong nước về cam kết quỹ 550 tỷ USD cho Mỹ, trưởng đoàn đàm phán Ryosei Akazawa khẳng định chỉ 1-2% số tiền là đầu tư thực và Nhật Bản 'không thiệt hại nhiều' như dư luận lo ngại, tuy nhiên vẫn làm dấy lên nhiều câu hỏi về tính minh bạch.
Quỹ đầu tư 550 tỷ USD mà Nhật Bản cam kết dành cho Mỹ chỉ có 1-2% là đầu tư thực sự, phần còn lại sẽ là các khoản vay và bảo lãnh tín dụng. Thông tin này được nhà lãnh đạo đàm phán thương mại của Nhật Bản, ông Ryosei Akazawa, tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với đài NHK hôm 26/7.

Theo ông Akazawa, khuôn khổ tài chính này sẽ kết hợp đầu tư trực tiếp, cho vay và bảo lãnh vốn từ các tổ chức tài chính được Chính phủ Nhật hỗ trợ. Trong cơ cấu chia lợi nhuận, Mỹ sẽ nhận 90% và Nhật Bản 10%, mặc dù Tokyo ban đầu đề xuất tỷ lệ 50-50.
Những chi tiết mới này làm dấy lên nghi vấn về quy mô thực tế của thỏa thuận mà Tổng thống Donald Trump từng ca ngợi là "lớn nhất trong lịch sử". Việc thiếu minh bạch thông tin đang khiến nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về tính khả thi của một thỏa thuận được coi là mô hình tiềm năng cho các đối tác thương mại lớn khác.
Bên cạnh đó, ông Akazawa cho biết Nhật Bản có thể tiết kiệm khoảng 10.000 tỷ yên (tương đương 68 tỷ USD) nhờ mức thuế quan ưu đãi trong thỏa thuận với Mỹ. Các nhà phân tích nhận định rằng những thông tin chi tiết này cho thấy Nhật Bản có thể sẽ "nhượng bộ" ít hơn nhiều so với những gì được công bố ban đầu.
Quỹ 550 tỷ USD là trọng tâm của thỏa thuận song phương, theo đó Mỹ sẽ áp thuế 15% đối với ô tô và các hàng hóa khác của Nhật Bản. Hiện tại, các quan chức từ cả hai nước đang nghiên cứu kỹ các điều khoản để có thể giải thích rõ ràng cho công chúng.
"Vấn đề không phải là 550 tỷ USD tiền mặt sẽ được chuyển đến Mỹ", ông Akazawa nhấn mạnh. Theo nhà đàm phán này, việc để Mỹ nắm giữ 90% lợi nhuận thay vì 50% như đề xuất ban đầu chỉ khiến Nhật Bản "thiệt hại nhiều nhất là vài chục tỷ yên".
Đáp trả những chỉ trích trong nước, ông Akazawa khẳng định: "Người ta đang nói đủ thứ, chẳng hạn như 'Các ông đã bán đứng Nhật Bản', nhưng họ đã sai".
Đối với các khoản vay trong chương trình, Nhật Bản sẽ thu lãi suất. Với các khoản bảo lãnh, nếu không có rủi ro xảy ra, Tokyo sẽ thu phí bảo lãnh. "Về khoản này, Nhật Bản vẫn có lợi nhuận từ các khoản vay", ông Akazawa giải thích.
Chương trình đầu tư này không chỉ hỗ trợ các công ty Nhật-Mỹ mà còn mở rộng cho doanh nghiệp nước thứ ba. Ông Akazawa lấy ví dụ về một công ty bán dẫn Đài Loan đang xây dựng nhà máy tại Mỹ.
Phía Nhật Bản đặt mục tiêu "triển khai khoản tiền 550 tỷ USD trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump", theo lời ông Akazawa.
Hai tổ chức được chỉ định dẫn đầu về tài chính là Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Tổ chức Bảo hiểm Tín dụng Xuất khẩu Nhật Bản (NEXI). Theo số liệu năm tài chính kết thúc tháng 3, khoảng 77% tài sản của JBIC là các khoản vay và 6,6% là bảo lãnh vay.
Nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ
Thỏa thuận Mỹ-Nhật vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, bao gồm thời điểm áp dụng mức thuế quan mới và khởi động chương trình đầu tư. Đáng chú ý, hai bên chưa ký kết văn bản chung nào dù Nhà Trắng đã công bố bản thông tin chi tiết.

Ông Akazawa giải thích lý do không có văn bản chính thức: "Nếu bạn nói 'Hãy cùng soạn thảo một văn bản chung', họ sẽ nói 'Chúng tôi sẽ giảm thuế quan sau khi văn bản được soạn thảo'".
Để tránh mất thời gian, phía Nhật Bản đã đề xuất một cách tiếp cận khác: "Chúng tôi sẽ yêu cầu họ ban hành sắc lệnh hành pháp để giảm thuế quan càng sớm càng tốt, bất kể văn bản đó là gì."
Tuần trước, ông Akazawa bày tỏ kỳ vọng mức thuế chung đối với hàng hóa Nhật Bản sẽ giảm xuống 15% từ ngày 1/8. Đối với ô tô, ông mong muốn cắt giảm về 15% "càng sớm càng tốt" nhưng chưa đưa ra thời hạn cụ thể.
Chính quyền Trump đã ca ngợi thỏa thuận Nhật Bản như "hình mẫu tiềm năng" cho các nước khác. Hôm Chủ nhật, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận tương tự, theo đó EU sẽ chịu thuế 15% đối với hầu hết hàng xuất khẩu và cam kết đầu tư 600 tỷ USD vào Mỹ.
Vũ Bấc - nguoiquansat.vn
Theo Thị trường tài chính
Bình luận
0 Bình luận