Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi nhiều yếu tố bên ngoài như TTCK toàn cầu điều chỉnh, FED duy trì khả năng tăng lãi suất, căng thẳng địa chính trị… thì sự hồi phục của kinh tế vĩ mô Việt Nam qua các quý đã trở thành điểm tựa tâm lý vững chắc với giới đầu tư.
Yếu tố nội lực của nền kinh tế và các doanh nghiệp niêm yết sẽ là điểm tựa quan trọng cho thị trường chứng khoán. Ảnh: Trọng Hiếu.
Sau tháng 9 nhiều biến động, thị trường chứng khoán (TTCK) trong nửa đầu tháng 10 diễn biến khá tích cực khi dần hồi phục về vùng 1.150 điểm. Song, thanh khoản duy trì ở mức khá thấp cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn rất thận trọng, trong bối cảnh vẫn còn nhiều yếu tố được cho là bất lợi với TTCK như: FED duy trì khả năng tăng lãi suất cuối năm 2023, căng thẳng địa chính trị, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hút ròng qua kênh tín phiếu, tỷ giá biến động mạnh, khối ngoại liên tục bán ròng….
Dù vậy, trao đổi với Nhadautu.vn, các chuyên gia chứng khoán khẳng định TTCK Việt Nam vẫn hội tụ nhiều yếu tố để tăng trưởng trong dài hạn.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán Agribank: Mặt bằng định giá của TTCK Việt Nam vẫn đang ở mức thấp
Trong khi nền kinh tế đang có những tín hiệu phục hồi tích cực, TTCK lại trải qua nhịp điều chỉnh khá mạnh với mức sụt giảm khoảng 10% trong vòng 1 tháng vừa qua.
Theo tôi, TTCK thường có xu hướng phản ánh trước kỳ vọng của nền kinh tế. Do đó việc thị trường phục hồi khá tích cực từ đầu năm với mức tăng khoảng 23% tới trước nhịp giảm vừa qua đã phần nào phản ánh kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế cuối năm 2023. Bên cạnh đó, việc TTCK tăng mạnh trong khi lợi nhuận của các doanh nghiệp chưa theo kịp đà phục hồi cũng khiến mặt bằng định giá của VN-Index trở nên cao hơn và kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư. Ngoài ra, mặc dù nền kinh tế đã có những dấu hiệu khởi sắc hơn nhưng vẫn còn những rủi ro hiện hữu đối với TTCK như áp lực tỷ giá tăng, áp lực từ thị trường quốc tế cũng sẽ tác động tới tâm lý của nhà đầu tư. Vậy nên thị trường đảo chiều và có nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn là điều bình thường đặc biệt khi TTCK Việt Nam có độ nhạy tương đối cao với tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân rất lớn.
TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn nhờ (1) Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực cũng như thế giới; (2) Mặt bằng định giá của TTCK Việt Nam vẫn đang ở mức thấp; (3) Triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.
"Việc nâng hạng TTCK sẽ giúp tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Dòng vốn nước ngoài thông qua các quỹ mở, quỹ ETF được kỳ vọng sẽ đổ vào Việt Nam với quy mô lớn."
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán Agribank (MCK: AGR)
Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực và trên thế giới. Chúng ta đang tham gia ngày càng sâu rộng và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó tiếp tục là điểm đến hấp dẫn thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Về mặt bằng định giá, định giá của VN-Index với mức P/B khoảng 1,7 lần và P/E khoảng 13,7 lần đang là mức thấp so với trung bình trong quá khứ cũng như so với các thị trường khác trong khu vực. Trong khi đó, hiệu quả sinh lời ROE của thị trường Việt Nam lại đang cao hơn cho thấy sự hấp dẫn về mặt định giá của TTCK Việt Nam.
Và cũng rất quan trọng, TTCK Việt Nam đang đứng trước cơ hội được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi khi chúng ta đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí của FTSE và 8/17 tiêu chí của MSCI. Việc nâng hạng TTCK sẽ giúp tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Dòng vốn nước ngoài thông qua các quỹ mở, quỹ ETF được kỳ vọng sẽ đổ vào Việt Nam với quy mô lớn.
Bà Nguyễn Ngọc Linh – Giám đốc tự doanh Chứng khoán DNSE: 2 động lực chính cho thị trường chứng khoán trong dài hạn
Đà giảm của thị trường chứng khoán từ đầu tháng 9 đến nay thực chất chỉ là một xu hướng ngắn hạn. Theo tôi, có hai nguyên nhân chính gây ra đợt sụt giảm gần đây của thị trường. Thứ nhất, đây là diễn biến đồng pha với chứng khoán toàn cầu. Chỉ số chứng khoán Mỹ mất gần 5% trong tháng 9, các chỉ số chính ở Châu Âu và Châu Á cũng mất từ 2 đến 4% trong quãng thời gian này, do đó việc chúng ta giảm “cùng nhịp” với các thị trường khác là điều bình thường. Thứ hai, trên kênh tiền tệ NHNN liên tục hút tiền về qua kênh tín phiếu để kiểm soát tỷ giá cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thanh khoản hệ thống tài chính và tâm lý nhà đầu tư
"Xét về dài hạn, có nhiều yếu tố hội tụ cho sự tăng trưởng bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam."
Bà Nguyễn Ngọc Linh – Giám đốc tự doanh Chứng khoán DNSE
Do đó, sự sụt giảm gần đây của thị trường không phản ánh đánh giá kém tích cực của nhà đầu tư đối với triển vọng phục hồi của nền kinh tế. Đó chỉ đơn giản sự điều chỉnh sau một đà tăng dài và bị tác động bởi các nguyên nhân trên.
Tuy nhiên, xét về dài hạn, có nhiều yếu tố hội tụ cho sự tăng trưởng bền vững của thị trường chứng khoán. Theo tôi, có 2 động lực chính.
Thứ nhất, điều kiện tiên quyết để một thị trường tài chính tăng trưởng bền vững đó là nền kinh tế phải tăng trưởng bền vững trong dài hạn, và Việt Nam đã đáp ứng được tiêu chí này. Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn nằm trong top những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới cũng như khu vực. Tính cho giai đoạn 10 năm 2012 – 2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,6% mỗi năm, cao nhất trong các nước Đông Nam Á. Với tỷ lệ đô thị hóa ở mức cao, các chính sách hỗ trợ của chính phủ, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng cùng lực lượng lao động dồi dào, tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao vẫn sẽ còn tiếp tục được duy trì trong dài hạn.
Thứ hai, mức độ thâm nhập kênh đầu tư chứng khoán trong dân còn rất thấp. Theo ước tính của tôi, tỷ lệ người dân tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán ở Việt Nam còn rất thấp, đâu đó chỉ ở mức 2%. So với các quốc gia khác như Hoa Kỳ (55%), Trung Quốc (13%) thì tỷ lệ này còn rất thấp. Chứng khoán gần như chỉ được phổ biến ở các thành phố lớn trung tâm cả nước như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng... Còn lại những tỉnh thành vùng ven kênh đầu tư chứng khoán vẫn còn khá lạ lẫm. Người dân Việt Nam có xu hướng gửi tiền và các kênh tiết kiệm hoặc đầu tư bất động sản, trái ngược với các quốc gia phát triển thì kênh chứng khoán luôn nằm trong những lựa chọn hàng đầu để tối ưu lợi nhuận. Trong tương lai, cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, công nghệ thông tin… sẽ giúp nhiều người tiếp cận đến kênh đầu tư này hơn.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán VPS: VN-Index có thể đạt mức 1.300 điểm trong quý IV
Thị trường chứng khoán đã có nhịp tăng trưởng khá tốt và đạt mức cao nhất là 1.245,5 điểm tại phiên 6/9/2023, tương đương mức tăng gần 24% so với số đầu năm. Dù vậy, một loạt thông tin vĩ mô xáo trộn như FED duy trì khả năng tăng lãi suất cuối năm 2023, NHNN liên tục hút ròng qua kênh tín phiếu, tỷ giá biến động mạnh, khối ngoại liên tục bán ròng… đã khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Cộng hưởng vào đó, đà bán ròng mạnh của khối ngoại (bán ròng 3.580 tỷ đồng trong tháng 9/2023) càng khiến chỉ số chứng khoán giảm điểm mạnh.
"VN-Index có thể hồi phục về vùng 1.250 – 1.280 điểm trong quý IV/2023, thậm chí là 1.300 điểm."
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán VPS
Tuy nhiên, nhịp điều chỉnh này tôi nghĩ là bình thường, không quá lo ngại. Nhiều nhà đầu tư lo lắng về việc hút ròng qua tín phiếu của NHNN, song cần hiểu điều này không nghĩa là động thái nhằm thắt chặt hay đảo ngược chính sách nới lỏng hiện tại. Đây chỉ là giải pháp tình thế tạm thời trong ngắn hạn, nhằm hút bớt thanh khoản quá dư thừa (trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng yếu), góp phần hạn chế đầu cơ tỷ giá và giữ vững ổn định vĩ mô trong nước. Tôi đánh giá NHNN sẽ tính toán lượng hút ròng hợp lý để vừa hạn chế đầu cơ tỷ giá, vừa duy trì thanh khoản tốt đối với hệ thống ngân hàng để hỗ trợ nền kinh tế.
Chúng ta có thể thấy sau một giai đoạn liên tục điều chỉnh, VN-Index đã tạo đáy và dần hồi phục. Hiện tại, chỉ số chính đã quay về vùng 1.150 điểm, và có thể hồi phục về vùng 1.250 – 1.280 điểm trong quý IV/2023, thậm chí là 1.300 điểm.
Dù vậy, tôi nhìn nhận thị trường năm nay sẽ diễn biến phân hóa, một số nhóm ngành sẽ gặp khó khăn như bất động sản, xây dựng, vật liệu…. Nhà đầu tư cần cân nhắc và lựa chọn kỹ.
Bình luận
0 Bình luận