Vĩ mô

Những quyết sách bứt phá của Bí thư, Chủ tịch Quảng Ngãi, Kon Tum trước hợp nhất

Trước khi Quảng Ngãi và Kon Tum “về một nhà”, Bí thư, Chủ tịch 2 tỉnh này đều có những quyết sách mạnh mẽ, để lại dấu ấn riêng trong phát triển kinh tế, an sinh xã hội và cải cách hành chính.

Theo chủ trương của Ban chấp hành Trung ương Đảng, 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum được hợp nhất, lấy tên là tỉnh Quảng Ngãi, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Quảng Ngãi hiện nay.

Tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ sở hữu cả vùng biển và vùng núi, tạo điều kiện phát triển đa dạng các ngành kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp và du lịch, với 43 dân tộc anh em.

Địa phương này cũng có 2 dự án sân bay đang được đề xuất xây dựng trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và tại thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum).

z6623162700110_bc2960a7b7aa81ae2ab75f6934377848.jpg
4 lãnh đạo của Quảng Ngãi và Kon Tum hiện nay. Ảnh thiết kế: Hà Nam

Nữ Bí thư Quảng Ngãi quyết liệt, Bí thư Kon Tum nổi tiếng gần dân

Bùi Thị Quỳnh Vânlà Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi. Sinh năm 1974 tại TP Quảng Ngãi, có trình độ thạc sĩ Lý luận Văn học, nữ Bí thư là cán bộ trưởng thành tại địa phương và kinh qua nhiều vị trí quan trọng. Bà là ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 (dự khuyết) và 13.

Bà Vân bắt đầu sự nghiệp chính trị từ năm 1995 tại Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, từng đảm nhiệm các vị trí: Bí thư Tỉnh đoàn, Bí thư Huyện ủy Tư Nghĩa, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Tháng 8/2020, bà trở thành nữ Bí thư đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời cũng là nữ Bí thư duy nhất tại miền Trung thời điểm đó. Hiện, bà Vân là người trẻ nhất trong 4 lãnh đạo chủ chốt của Quảng Ngãi và Kon Tum.

W-Anh 2.jpeg
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân. Ảnh: Hà Nam

Dưới sự dẫn dắt của bà, Quảng Ngãi chuyển mình mạnh mẽ: Công nghiệp và dịch vụ chiếm hơn 80% cơ cấu kinh tế; địa phương là một trong những tỉnh công nghiệp trọng điểm khu vực; quy mô nền kinh tế của tỉnh đứng thứ 4 vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, đứng thứ 23 cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; thu ngân sách vượt kế hoạch nhiều năm liền.

Dấu ấn khác của bà Vân là sự quan tâm tới nông nghiệp, nông thôn và đời sống dân sinh. Tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh năm 2023, nữ Bí thư nhắn nhủ: “Muốn bớt cỏ dại phải trồng thêm hoa, thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối”. Bà kêu gọi mỗi cấp, mỗi ngành hành động thay vì phàn nàn.

Bà Vân tin tưởng rằng với sự hỗ trợ kiến thức và công nghệ, “nông dân Quảng Ngãi sẽ có bước tiến xa trong chặng đường mới” - người nông dân sẽ giàu có, nông thôn giàu đẹp, đóng góp vào sự phát triển chung.

Muốn bớt cỏ dại phải trồng thêm hoa, thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối. Mỗi cấp, mỗi ngành hãy hành động thay vì phàn nàn.Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân

Bà Vân cũng được đánh giá cao về phong cách quyết liệt, rõ ràng. Tháng 3/2024, tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên quan đến đề xuất tạm dừng dự án công viên cây xanh Thạch Bích - dự án từng vấp phải tranh cãi trong dư luận do tổng mức đầu tư lên tới gần 900 tỷ đồng, bà kiên quyết giữ quan điểm tiếp tục triển khai.

Nữ Bí thư khẳng định: “Chúng ta sẽ bố trí kinh phí và phân kỳ đầu tư dự án hợp lý theo đúng quy định đầu tư công”. Điều này cho thấy lập trường nhất quán của bà trong việc phát triển hạ tầng đô thị, không vì áp lực mà từ bỏ mục tiêu đã định.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum là ôngDương Văn Trang, sinh năm 1961 tại Quảng Ngãi; trình độ cử nhân Quân sự. Ông là ủy viên Trung ương Đảng khóa 12, 13.

Trước khi được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum từ năm 2020, ông Trang từng là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai, Phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai và Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai.

Với tác phong sâu sát cơ sở và quyết đoán, ông Trang đã dẫn dắt Kon Tum đạt nhiều thành tựu nổi bật. Tỉnh liên tục nằm trong nhóm dẫn đầu Tây Nguyên về tăng trưởng GRDP các năm gần đây.

Anh 1.jpeg
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Kon Tum

Một trong những quyết sách nổi bật của ông Trang là tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với lợi thế địa phương. Ông khuyến khích trồng cây đặc sản như sâm Ngọc Linh, đẳng sâm; chỉ đạo chính quyền hỗ trợ người dân vay vốn, cải tạo vườn tạp, mở rộng sản xuất, liên kết với doanh nghiệp để hình thành vùng dược liệu hàng hóa.

Bí thư Dương Văn Trang nổi tiếng gần dân, thường đến tận thôn làng vùng sâu để lắng nghe, thấu hiểu đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Với đề án sáp nhập tỉnh, ông đề xuất mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh lên 6.000ha, xây nhà máy chế biến để tăng giá trị xuất khẩu và tạo việc làm cho đồng bào vùng cao. Đồng thời, ông đề nghị giữ lại một phần trụ sở làm việc tại Kon Tum để phục vụ tốt nhất cho người dân trong thời gian đầu sáp nhập.

Hai chủ tịch dám nghĩ, dám làm

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang (SN 1971, quê TP Hải Phòng) có học vị tiến sĩ Kinh tế.

Ông Giang từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế - Văn phòng Trung ương Đảng, Vụ trưởng - thư ký Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình.

Tháng 6/2020, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Tháng 7/2024, ông được điều động làm Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và sau đó được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh này (8/2024).

Ngay sau khi nhậm chức, ông Giang đã trực tiếp kiểm tra tiến độ các dự án trọng điểm và yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công. Ông cảnh báo sẽ “thay tướng” nếu các chủ đầu tư tiếp tục trì trệ.

W-Anh 3.jpeg
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang. Ảnh: Anh Linh

Với nền tảng kinh nghiệm dày dạn ở cả trung ương và địa phương, ông Giang nhanh chóng hòa nhập, cùng tập thể lãnh đạo Quảng Ngãi duy trì đà tăng trưởng. Năm 2024, giữa bối cảnh có nhiều biến động, Quảng Ngãi vẫn giữ nhịp phát triển ổn định, thu ngân sách vượt dự toán; tình hình an sinh xã hội, giáo dục, môi trường đều có tiến bộ.

Ông Giang cũng đề cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính và kiểm soát chi tiêu công.

Ngày 16/5, ông ký công văn yêu cầu tạm dừng tất cả các đoàn đi học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh để tập trung nguồn lực cho việc sắp xếp đơn vị hành chính. Động thái này nhận được đồng thuận cao, vừa tiết kiệm ngân sách vừa tập trung hơn vào công việc nội tỉnh.

Còn Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum hiện nay là ông Lê Ngọc Tuấn (SN 1965, quê Quảng Nam) có trình độ cử nhân Kinh tế phát triển.

Ông Tuấn từng là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó bí thư Tỉnh ủy trước khi được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum từ năm 2020.

Gần 5 năm qua, ông Tuấn điều hành tỉnh Kon Tum ổn định và đạt gần như đầy đủ các chỉ tiêu phát triển. Đây cũng là giai đoạn tăng trưởng ấn tượng nhất từ trước đến nay của tỉnh: GRDP năm 2020 tăng 6,95% (dẫn đầu Tây Nguyên), năm 2022 đạt 9,5% (xếp thứ hai khu vực), năm 2023 tăng 7,32% và tiếp tục đứng đầu Tây Nguyên. Năm 2024, Kon Tum duy trì đà tăng 8,02%, xếp thứ 24 cả nước và giữ vững vị trí dẫn đầu khu vực. Cơ cấu kinh tế cũng chuyển dịch tích cực.

8888888 gigapixel standard v2 6x faceai.jpeg
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Kon Tum

Trong công việc, ông Tuấn được biết đến là người cầu thị, lắng nghe cơ sở. Ông thường xuyên đối thoại với thanh niên, doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc kịp thời.

Trong điều hành, ông mạnh dạn phân cấp, ủy quyền để tăng hiệu quả giải quyết công việc. Điển hình, đầu năm 2025, ông ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện một số nhiệm vụ về quản lý khoáng sản như thẩm định các thủ tục cấp phép khai thác cát, sỏi và phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thông thường. Việc này giúp rút ngắn quy trình hành chính, giảm tải cho UBND tỉnh, đồng thời nâng cao trách nhiệm của sở chuyên môn.

Ông cũng đề cao công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số. Trong đầu tư công, ông nhiều lần yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải ngân, không để vốn chờ dự án và gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả cụ thể.

Ông Tuấn nhấn mạnh tinh thần “7 dám” - dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung - của lãnh đạo các cấp trong triển khai thực hiện các chương trình theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao.

Hà Nam - Nguyễn Hiền - nguoiquansat.vn

Theo vietnamnet.vn