Toàn cầu

Nợ công toàn cầu vượt 103 nghìn tỷ USD, khu vực nào gánh nợ nhiều nhất?

Đại dịch Covid-19 được xem là bước ngoặt, khi chỉ trong năm 2020, nợ công đã tăng vọt 15% – mức cao nhất trong một năm từng được ghi nhận.

Tổng nợ công toàn cầu đã tăng lên 103 nghìn tỷ USD trong năm 2024 – gấp hơn 2 lần so với mức năm 2010. Tuy nhiên, mức tăng mạnh này không diễn ra đồng đều trên toàn thế giới.

Nợ công toàn cầu vượt 103 nghìn tỷ USD, khu vực nào gánh nợ nhiều nhất? - ảnh 1
Nguồn: Voronoi

Dữ liệu từ đồ thị thông tin trên cho thấy xu hướng tích lũy nợ trong 15 năm qua, phản ánh sự mất cân đối nghiêm trọng về gánh nặng nợ. Lưu ý số liệu nợ công bao gồm cả nợ trong nước và nợ nước ngoài của Chính phủ trung ương, chính quyền địa phương và các quỹ an sinh xã hội, được tính theo giá trị danh nghĩa.

Các nền kinh tế phát triển vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối, với phần lớn khoản vay toàn cầu thuộc về nhóm này. Nợ công của họ đã tăng 65% kể từ năm 2010, đóng vai trò chủ chốt trong làn sóng nợ tăng vọt.

Tuy nhiên, cán cân nợ toàn cầu đang dần dịch chuyển. Những nền kinh tế mới nổi ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong “miếng bánh nợ công” toàn cầu.

Khu vực châu Á – châu Đại Dương chứng kiến tỷ trọng tăng gấp 5 lần lên 400%, trong khi Mỹ Latinh (bao gồm cả Caribe) tăng 150% còn châu Phi cũng ghi nhận mức tăng gấp đôi.

Năm 2020 – thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát – là giai đoạn nợ toàn cầu tăng mạnh nhất, với mức nhảy vọt 15% chỉ trong một năm. Đà tăng này cho thấy các cuộc khủng hoảng có thể đẩy nhanh sự mất cân đối tài khóa.

Về lý thuyết, nợ công là công cụ quan trọng giúp các Chính phủ đầu tư cho con người và nền kinh tế, hướng tới tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, khi nợ phình to hoặc chi phí vay trở nên quá đắt đỏ, nó sẽ trở thành gánh nặng điều đang diễn ra ở phần lớn thế giới đang phát triển.

Hiện có khoảng 3,4 tỷ người đang sống tại những quốc gia chi tiêu nhiều cho lãi nợ hơn là cho y tế hoặc giáo dục.

Theo UNCTAD, Voronoi

Ngọc Hân - nguoiquansat.vn

Theo Thị trường tài chính