Công ty cổ phần DAP - Vinachem (DAP 1, mã DDV) được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém; 3 dự án phân bón (Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP số 2) đã được nâng công suất lên tới 85 - 90%. Đặc biệt đến tháng 8 vừa qua, nhà máy Đạm Ninh Bình đã hoàn tất trả gốc và lãi khoản vay 250 triệu USD của Bộ Tài chính với nguồn vốn vay từ ngân hàng SCB Trung Quốc; các dự án dần vượt qua khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, bước đầu có lãi, trả được nợ và giảm bớt tỷ trọng của những khoản vay quá hạn…
Đó là những kết quả tích cục từ những nỗ lực của chính các doanh nghiệp (DN) và đồng hành của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN trên con đường khơi thông tìm cách thoát lỗ.
Nhà máy Đạm Ninh Bình đã được nâng công suất lên tới 85-90%. Ảnh: M. Tú
Tưởng như rơi vào bế tắc
Phân bón là ngành đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, với hơn 700 cơ sở sản xuất, tổng công suất 28 triệu tấn/năm, nhu cầu sử dụng phân bón của Việt Nam hiện khoảng 10,5 triệu tấn/năm. Trong đó, các DN phân bón thuộc sở hữu nhà nước giữ vị trí chủ chốt. Tuy nhiên, hoạt động của 3 DN phân bón lớn thuộc tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) là đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình và DAP số 2 Lào Cai lại đứng trước vô vàn khó khăn. Quý III năm 2020, trong báo cáo Bộ Công thương gửi các đại biểu Quốc hội nêu rõ quá trình xử lý 12 dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ đang rơi vào tình trạng bế tắc, riêng 3 DN trên tiếp tục báo cáo lỗ lớn với tổng số tiền lên tới 1097 tỷ đồng.
Tình trạng thua lỗ ở cả 3 công ty con không chỉ ảnh hưởng đến từng dự án riêng lẻ mà còn gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn hóa chất Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu của Tập đoàn giảm mạnh khiến doanh thu thuần âm 689,6 tỷ đồng, trừ đi các khoản chi phí khác Vinachem báo lỗ sau thuế 796,8 tỷ đồng. Con đường tìm cách thoát lỗ của các DN lúc đó tưởng chừng như rơi vào bế tắc bởi những khó khăn chồng chất.
Các dự án trên lâm vào tình trạng thua lỗ do: chi phí đầu tư cao, thời gian đầu tư quá dài dẫn đến kéo dài thời gian đi vào hoạt động sản xuất để thu hồi vốn; vốn vay đầu tư chỉ có thời hạn 10 năm, khi hết thời gian vay toàn bộ gốc và lãi chưa trả sẽ chuyển thành nợ lãi quá hạn, khi đó lãi quá hạn bằng 1.5 lần lãi vay ban đầu (vay ban đầu với lãi suất 9.6%/năm đến khi hết thời hạn chuyển thành 14.4%/năm), áp lực trả nợ gốc, lãi và lãi phạt rất lớn dẫn đến dự án DAP số 2 bị mất cân đối tài chính nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, phân bón từ mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế chuyển thành đối tượng không chịu thuế dẫn đến các DN không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào làm tăng chi phí. Cụ thể như, Dự án DAP số 2 Lào Cai mỗi ngày cần tới hơn 2.000 tấn than để sản xuất đạm, hằng năm tiêu tốn khoảng 1 nghìn tỷ đồng mua than làm nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào làm tăng chi phí mỗi năm lên tới 150 tỷ đồng.
Cú hích quan trọng giúp doanh nghiệp thoát lỗ
Từ cuối năm 2019, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã tiếp nhận xử lý 12 dự án kém hiệu quả của Bộ Công thương. Trong đó, có 4 dự án phân bón của Tập đoàn hóa chất Việt Nam. Ủy ban đã quyết liệt rà soát, đánh giá, đề xuất các phương án tháo gỡ khó khăn, khơi thông con đường tìm cách thoát lỗ cho các DN. Ủy ban cũng đề nghị tập trung định hướng xây dựng và phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của DN, tiếp tục tăng cường kiểm tra giám sát đánh giá hiệu quả đối với các DN trong thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, bảo toàn phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt đã giúp Công ty cổ phần DAP - Vinachem (DAP 1) ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém.
Ủy ban đã cùng Vinachem chỉ đạo các đơn vị rà soát cơ cấu lại bộ máy, đào tạo nguồn nhân lực, nắm bắt kỹ thuật công nghệ để nâng số lượng chạy máy lên đến công suất mục tiêu. Giảm tối đa số giờ dùng máy bất thường, kết quả là 3 dự án phân bón đã nâng được công suất lên tới 85 - 90%. Đạm Hà Bắc giảm từ hơn 2.000 người còn hơn 1.300 người. Đặc biệt đến tháng 8 vừa qua, Đạm Ninh Bình đã hoàn tất trả gốc và lãi khoản vay 250 triệu USD của Bộ Tài chính với nguồn vốn vay từ ngân hàng SCB Trung Quốc. Với nỗ lực của chính các DN và đồng hành của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã giúp cho các dự án dần vượt qua được khó khăn, nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh, bước đầu có lãi, trả được nợ và giảm bớt tỷ trọng của những khoản vay quá hạn.
Ủy ban sẽ đề xuất cơ chế điều chuyển vốn giữa các tập đoàn, tổng công ty để sử dụng hiệu quả số vốn nhà nước đầu tư tại DN, bởi thực tế có một số tập đoàn, tổng công ty có số lượng vốn nhàn rỗi trong khi đó các đơn vị thiếu vốn phải đi vay với lãi suất cao. Thời gian tới, Ủy ban tiếp tục nghiên cứu các điều kiện cụ thể của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất những cơ chế phù hợp với đặc thù vai trò quản lý của chủ sở hữu; phối hợp chặt chẽ với các DN thực hiện vai trò chủ sở hữu, tăng cường kiểm tra, giám sát và định hướng cho hoạt động của DN, từ đó các DN nhà nước tập trung sản xuất kinh doanh thoát khỏi tình trạng thua lỗ, khôi phục đà tăng trưởng và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế đất nước.
Đặc biệt, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sau khi cơ cấu lại theo Quyết định số 1265/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch sắp xếp lại Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2022 - 2025 và Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đến năm 2025” đã có đủ năng lực và nguồn lực tài chính để hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, ổn định và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường; đổi mới tổ chức, phương thức kinh doanh, cơ chế quản lý và điều hành, nâng cao năng lực kỹ thuật công nghệ và nguồn nhân lực cả về số lượng, chất lượng, tổ chức hợp lý thị trường và quản lý tốt quá trình hoạt động kinh doanh; đầu tư vào các dự án trọng điểm bảo đảm tốc độ tăng trưởng; cơ cấu lại vốn đầu tư tại các công ty con, tạo ra các DN trong Tập đoàn có vốn chủ sở hữu lớn, có tiềm lực về tài chính bảo đảm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, các cân đối lớn của nhà nước trong lĩnh vực phân bón, hóa chất, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Đây được xem là 1 cú hích quan trọng và cần thiết giúp đỡ các DN về đích sớm trên con đường thoát khỏi tình trạng thua lỗ.
Nhã Nam
Theo Đại Biểu Nhân Dân
Bình luận
0 Bình luận